Chiến lược tiêm chủng phòng, chống Covid-19: An toàn, thận trọng

Việt Hà 16/07/2021 17:00

Tính đến nay, Việt Nam đã tiêm được hơn 3 triệu liều vaccine phòng Covid-19. Mặc dù đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng nhưng vấn đề an toàn trong tiêm chủng luôn được Bộ Y tế đặc biệt quan tâm.

Điểm khác biệt của chương trình tiêm chủng ở nước ta so với các nước khác là có sự sàng lọc kỹ tất cả các đối tượng được tiêm. Nếu đối tượng được tiêm không đảm bảo yêu cầu về sức khỏe thì phải hoãn lại.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết Bộ Y tế đã thành lập Ban Chỉ đạo An toàn tiêm chủng với những chuyên gia đầu ngành của lĩnh vực điều trị để tư vấn cho tuyến dưới, giúp việc điều trị kịp thời, tránh rủi ro khi tiêm. Bộ cũng đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn công tác tiêm chủng từ khám sàng lọc trước tiêm, chẩn đoán và điều trị các vấn đề sau tiêm đến xử trí phản vệ... đồng thời tổ chức nhiều lớp tập huấn trực tuyến quy mô toàn quốc về quy trình thực hiện tiêm chủng cho các điểm ti êm trên nguyên tắc: “An toàn - Thận trọng - Thực hiện từng bước - Tăng cường tối đa độ bao phủ”.

Theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, đằng sau mỗi mũi tiêm là sức khỏe, tính mạng của mỗi con người. Để đảm bảo công tác tiêm chủng, ngành y tế phải nỗ lực từng khâu từ giám sát chặt chẽ việc bảo quản và vận chuyển vaccine để đảm bảo chất lượng tốt nhất; đảm bảo tiêm chủng an toàn, đúng đối tượng; xử lý nhanh chóng và hiệu quả các trường hợp phản ứng sau tiêm (nếu có).

GS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Phó trưởng Ban an toàn tiêm chủng (Bộ Y tế), cho biết để đạt được miễn dịch cộng đồng phải tiêm trên 75% dân số, 100 triệu người dân Việt Nam phải thực hiện 70-75 triệu người, tương đương với 150 triệu mũi tiêm an toàn. Trong thời gian qua đã ghi nhận một số phản ứng bất lợi, phản vệ độ 3, độ 4 tại một số địa phương. So với thế giới thì tỉ lệ tai biến tiêm chủng của Việt Nam ở mức thấp.

Theo thống kê của Bộ Y tế thì trong số người đã tiêm, khoảng 14 - 20% có phản ứng sau tiêm, tỷ lệ này tương đương theo khuyến cáo của nhà sản xuất và Tổ chức Y tế thế giới. Một số phản ứng nặng như phản ứng phản vệ sau tiêm vaccine đã xảy ra và các cơ sở y tế đã tuân thủ theo hướng dẫn của Bộ Y tế về xử trí phản ứng nặng sau tiêm chủng.

Hiện cũng không ít người băn khoăn về việc các đối tượng người cao tuổi, người có bệnh nền (ung thư, tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì...) có được tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 không? Theo PGS.TS Dương Thị Hồng đây là nhóm người có nguy cơ nhiễm cao, mắc Covid-19 nặng nên là đối tượng nguy cơ cần được tiêm vaccine. Tuy nhiên, bà Hồng cho biết, chỉ tiêm chủng khi bệnh đã ổn định, các chỉ số đường huyết, mạch, huyết áp ở giới hạn bình thường.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chiến lược tiêm chủng phòng, chống Covid-19: An toàn, thận trọng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO