Chính phủ đề xuất 4 nhóm vấn đề lớn trong lĩnh vực y tế

H.Vũ 09/12/2021 06:52

Chiều 8/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Xem xét kỹ lưỡng

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Nhằm thực hiện đồng bộ, hiệu quả các quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong chiến lược, nhất là trong thời gian tới khi thống nhất chủ trương chuyển hướng phòng, chống dịch sang phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, phòng ngừa chủ động từ sớm, từ xa. Để tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai, thực hiện chiến lược, Chính phủ đã hoàn thiện dự thảo Nghị quyết đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách tập trung vào 4 nhóm vấn đề gồm: Khám bệnh, chữa bệnh; Thanh toán chi phí và chế độ chống dịch; Dược; và trang thiết bị y tế.

Thẩm tra tờ trình Chính phủ về dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Ủy ban nhất trí về sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19. “Các cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép thực hiện là những nội dung quan trọng, liên quan đến sự an toàn, tính mạng và sức khỏe người dân, có đối tượng tác động lớn, do đó, cần được xem xét một cách kỹ lưỡng, thận trọng” - bà Anh lưu ý.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Phạm vi của chính sách, nhất là vấn đề liên quan đến y tế cơ sở cần tiếp tục rà soát, quan tâm đến đội ngũ y tế cơ sở. Về vấn đề mua sắm, Quốc hội đã giao quyền cho Chính phủ, thì cần hướng dẫn cụ thể. Nhiều nơi thành lập hội đồng mời Giám đốc Công an, Chánh Thanh tra, Trưởng Ban Nội chính vào thì lúc đó mới dám đi mua. Luật Đấu thầu cho phép, Quốc hội cho phép và Nghị quyết 68 của Chính phủ có rồi. Bộ Tài chính cần xem xét có hướng dẫn cụ thể trường hợp nào được mua để gỡ khó cho ngành y tế và các địa phương.

Kết luận phiên họp, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, chỉ đạo tập trung trình những nội dung chưa được quy định, hoặc khác với quy định của luật để giải quyết những khó khăn vướng mắc đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch Covid-19. Đề nghị Bộ Y tế quan tâm đến những quy định cụ thể về mua sắm trang thiết bị y tế thuốc điều trị bệnh, đội ngũ y tế ở cơ sở. Do đó, Chính phủ mà trực tiếp là Bộ Y tế phải hoàn chỉnh hồ sơ để gửi xin ý kiến Bộ Chính trị cho ý kiến.

Quyền phải đi kèm trách nhiệm

Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự. Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, việc dùng 1 luật sửa 8 luật để đáp ứng yêu cầu phát sinh từ thực tiễn liên quan tới hoạt động đầu tư, kinh doanh, quản trị doanh nghiệp, thi hành án dân sự, thực hiện chính sách xã hội hóa đầu tư vào hệ thống truyền tải điện quốc gia; khuyến khích đầu tư sản xuất và sử dụng phương tiện giao thông thân thiện với môi trường.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, cần tiếp tục xem xét kỹ lưỡng vì sửa nhiều luật động chạm đến hệ thống pháp luật. Nội dung nào chưa đạt sự đồng thuận cao thì chưa đưa vào. Bên cạnh đó, điều khoản chuyển tiếp phải chặt chẽ, minh bạch, rõ ràng để tránh quy định mới gây ngừng trệ hệ thống hành chính.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị cần rà soát xem bất cập hiện nay do vướng mắc ở luật hay do quy định ở nghị định, thông tư? Không đẻ thêm thủ tục hành chính. Trong phân cấp, ủy quyền cần xác định rõ do đâu để sửa và tổ chức thực hiện? tránh tình trạng cái đáng phân cấp không phân cấp hay có cái sợ trách nhiệm lại đẩy xuống dưới, quyền phải đi kèm trách nhiệm.

Qua thảo luận, 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết tán thành việc bổ sung dự án luật này vào Chương trình xây dựng luật và pháp lệnh năm 2021 trình theo hình thức thủ tục rút gọn để Quốc hội thông qua tại kỳ họp bất thường dự kiến diễn ra vào cuối năm nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chính phủ đề xuất 4 nhóm vấn đề lớn trong lĩnh vực y tế

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO