Chính quyền Mỹ hỗn loạn vì các vụ bê bối

Khánh Duy 16/02/2017 09:05

Trong hôm 15/2, một số thành viên chủ chốt của đảng Cộng hòa Mỹ đã bắt đầu chuyển sang ủng hộ lời kêu gọi mở cuộc điều tra sâu rộng liên quan tới việc cựu cố vấn an ninh quốc gia có liên hệ bí mật với Nga, trước khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức.

FBI có khả năng sẽ mở cuộc điều tra về các cáo buộc liên quan tới cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn. (Nguồn: CNN).

Ông Michael Flynn đã tuyên bố từ chức trong hôm đầu tuần liên quan tới cáo buộc ông đã thảo luận về các lệnh trừng phạt mà Mỹ áp đặt với Nga với một quan chức của nước này trước khi ông Trump nhậm chức. Trong hôm 15/2, Nhà Trắng cũng cho hay Tổng thống Trump từ nhiều tuần trước đã biết về những vấn đề này.

Hiện nay, lời kêu gọi mở cuộc điều tra độc lập về sự việc trên đã vấp phải phản ứng lạnh nhạt từ một số chính trị gia kỳ cựu của đảng Cộng hòa. Diễn biến trên xuất hiện sau khi tờ New York Times có bài viết nói rằng các cuộc ghi âm điện thoại và các cuộc gọi bị chặn đã cho thấy nhiều thành viên của chiến dịch tranh cử của ông Trump, cùng nhiều cố vấn của ông “đã liên tục liên lạc với giới chức tình báo Nga trong năm trước khi bầu cử diễn ra”.

Tuy nhiên, một số quan chức được tờ báo trên phỏng vấn cho hay họ vẫn chưa thấy chứng cứ nào cho thấy chiến dịch của Tổng thống Trump có liên quan tới vụ tấn công mạng nhằm vào đảng Dân chủ hay gây ảnh hưởng tới tiến trình bầu cử.

Trước đó, ông Flynn đã phải tuyên bố từ chức vì cáo buộc cho rằng ông đã thảo luận với Đại sứ Nga tại Mỹ về các lệnh trừng phạt, trước khi ông Trump nhậm chức. Các cuộc thảo luận này diễn ra vào khoảng thời gian mà Tổng thống Barack Obama đang áp đặt các biện pháp trừng phạt với Nga do cáo buộc Moscow đứng đằng sau các cuộc tấn công mạng.

Ông Flynn có khả năng đã vi phạm Đạo luật Logan - bộ luật cấm chỉ đạo về vấn đề ngoại giao Mỹ với tư cách cá nhân - trước khi ông được chỉ định chức vụ cố vấn an ninh quốc gia. Trước đó, ông Flynn đã bác bỏ cáo buộc cho rằng ông đã thảo luận về cấm vận với Đại sứ Sergei Kislyak.

Trong cuộc phỏng vấn với website tin tức có tư tưởng bảo thủ Daily Caller hôm 14/2, ông Flynn nói rằng ông không vượt quá giới hạn nào trong cuộc hội thoại với Đại sứ Nga. Ông cho hay có nhắc tới việc 35 nhà ngoại giao Nga bị trục xuất vì cáo buộc tấn công mạng nhằm vào bầu cử, nhưng không hề đề cập tới lệnh trừng phạt.

“Điều đáng lo ngại ở đây là, một số thông tin đã được lấy khỏi hệ thống bảo mật và tuồn cho một phóng viên” - ông Flynn nói - “Đó là một tội ác”.

Trong bình luận đầu tiên liên quan tới vụ bê bối này, Tổng thống Trump đã viết trên Twitter cá nhân rằng: “Câu chuyện thật sự ở đây là, tại sao có quá nhiều thông tin rò rỉ phi pháp từ Washington thế này? Liệu những thông tin rò rỉ này có có xuất hiện trong lúc tôi đang đối đầu với Triều Tiên không?”.

Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện, Devin Nunes, nói với báo giới trong hôm 15/2 rằng ông muốn kiểm tra các thông tin rò rỉ này, đồng thời cho hay FBI cần phải giải thích được lý do tại sao cuộc hội thoại của ông Flynn lại bị ghi âm. Trong khi đó, một số nghị sỹ đảng Cộng hòa tại Thượng viện lại kêu gọi mở cuộc điều tra về mối liên hệ giữa ông Trump và giới chức Nga.

Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa John McCain, Chủ tịch Ủy ban các lực lượng vũ trang Thượng viện, nói rằng việc ông Flynn từ chức là “dấu hiệu đáng ngại cho thấy có vấn đề trong hàng ngũ các quan chức an ninh quốc gia hiện tại”, dấy lên nhiều câu hỏi về dự định của Tổng thống Trump đối với Nga.

Về phần mình, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cũng đưa ra quan điểm của Moscow về vấn đề này.

“Đây là vấn đề nội bộ của nước Mỹ, vấn đề nội bộ của chính quyền Tổng thống Trump. Nó chả liên quan gì tới chúng tôi cả” - ông Peskov nói.

Việc ông Flynn từ chức diễn ra trong bối cảnh giới chức kỳ cựu của Mỹ đang thúc đẩy nỗ lực duy trì khối đồng minh của họ tại châu Âu, trước lo ngại về các dự tính của chính quyền Tổng thống Trump. Hiện nay, tân Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, Bộ trưởng Ngoại giao Rex Tillerson và Phó Tổng thống Mike Pence đều đang lên kế hoạch công du châu Âu trong những ngày tới. Đáng chú ý, ông Mattis sẽ có cuộc gặp với các đối tác NATO tại Brussels trong hôm 16/2.

Việc một vị tướng kỳ cựu như ông Flynn từ chức chắc chắn sẽ khiến nhiều lãnh đạo châu Âu nuối tiếc, tuy nhiên bê bối của ông cùng cáo buộc cho rằng đội ngũ của ông Trump liên tiếp liên lạc với Nga đã khiến nhiều thành viên NATO quan ngại. Ngoài ra, khi còn nhiều vị trí quan trọng trong chính quyền mới còn chưa được chỉ định, các sự việc hỗn loạn hiện nay xảy ra ngay tại trung tâm của chính quyền ông Trump cũng là nỗi lo lắng trong cộng đồng các nước NATO.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chính quyền Mỹ hỗn loạn vì các vụ bê bối

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO