Chất vấn kết hợp với giám sát

T.Dương 15/07/2015 21:52

Ngày 14/7, tại phiên họp thứ 39 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, cho ý kiến về chương trình kỳ họp thứ 10 sẽ diễn ra vào cuối năm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng gợi mở lần này sẽ đổi mới chất vấn toàn bộ việc thực hiện nghị quyết chất vấn từ kỳ họp thứ 2 đến kỳ hợp thứ 9 vì sắp hết nhiệm kỳ. Có thể sẽ chất vấn tổng thể, chất vấn tất cả các thành viên Chính phủ.

Chất vấn kết hợp với giám sát

Ảnh minh họa

Nguồn: nhandan.com.vn

Ngày 15/7, trao đổi với ĐĐK về sự đổi mới của phiên chất vấn, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết: Chất vấn lần này sẽ kết hợp với giám sát, giám sát tất cả việc thực hiện lời hứa, các nghị quyết chất vấn từ kỳ họp thứ 2 đến thứ 9 để xem những gì làm được, những gì chưa làm được?

Trao đổi về sự đổi mới của phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 10, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: Theo chương trình của kỳ họp Quốc hội thì có nội dung chất vấn và trả lời chất vấn. Tại kỳ họp thứ 10 thì Ủy ban thường vụ Quốc hội có đề xuất sẽ đổi mới chất vấn, tuy nhiên vấn đề này sẽ đưa ra xin ý kiến tại Quốc hội để Quốc hội quyết định. “Chất vấn lần này sẽ kết hợp với giám sát, giám sát tất cả việc thực hiện lời hứa, các nghị quyết chất vấn từ kỳ họp thứ 2 đến thứ 9 để xem những gì làm được?, những gì chưa làm được?”-ông Phúc nói.

Theo ông Phúc, Quốc hội sẽ mời các vị đại biểu Quốc hội, các thành viên Chính phủ có liên quan đến từng vụ việc như thế mà chưa thực hiện được thì phát biểu ý kiến, và đại biểu cũng trao đổi với vấn đề như thế luôn. Đó cũng là chất vấn nhưng sự đổi mới ở đây là chất vấn những việc đã làm, và chưa làm được. Do vậy, bây giờ sẽ xin ý kiến đại biểu Quốc hội xem có đồng ý với phương thức chất vấn và trả lời chất vấn như thế không?. Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ trình nhưng cuối cùng đại biểu Quốc hội phải đồng ý thì mới thực hiện. Nếu đại biểu Quốc hội quyết định vẫn chọn chất vấn như bình thường trước đây thì sẽ phải theo ý đại biểu Quốc hội. Việc cho ý kiến đại biểu Quốc hội sẽ được diễn ra vào hôm khai mạc tại phiên trù bị của kỳ họp thứ 10.

Trả lời về việc lựa chọn vấn đề chất vấn làm sao cho phù hợp để chất vấn được đi đến tận cùng? ông Phúc cho biết trên cơ sở các nghị quyết chất vấn bây giờ lựa chọn ra. Ông Phúc phân tích: Ví dụ trên cơ sở mỗi kỳ họp như vậy có 4 Bộ trưởng và Phó Thủ tướng hoặc Thủ tướng trả lời chất vấn. Như vậy mỗi Bộ trưởng sẽ chọn ra 1-2 vấn đề mà Bộ trưởng chưa làm được, còn tồn tại thì nhóm vào. Từ đó gom lại thành mấy chục vấn đề chất vấn xem giải quyết đến đâu rồi. Thấy cái gì chưa cụ thể thì yêu cầu Bộ trưởng làm rõ. Như lời Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói ví dụ như thủy điện chẳng hạn xem vừa qua đến nay thu hồi được bao nhiêu? an toàn hồ đập như thế nào? trồng rừng sau thủy điện thế nào?. Chúng ta giám sát chính những cái đó chứ không phải bê ra tất cả các vấn đề.

Trả lời về việc tại sao theo dự kiến chương trình của kỳ họp thứ 10 phiên chất vấn vẫn chỉ có 2,5 ngày giống như kỳ họp thứ 9, trong khi kỳ họp thứ 10 là kỳ họp cuối năm, ông Phúc cho rằng phải phụ thuộc vào nội dung của phiên chất vấn. Tối đa là 2,5 ngày nhưng nếu thấy nội dung không cần thiết thì có thể rút xuống 2 ngày. Nên chúng ta quy định lỏng từ 2-2,5 ngày.

Trong khi đó, trao đổi với ĐĐK, ĐBQH Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) cũng bày tỏ quan điểm đồng tình với cách đổi mới chất vấn của Ủy ban thường vụ Quốc hội đề xuất. Bà Khá cho biết, bà theo dõi tình trạng hàng gian, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng hàng nhập lậu từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13 cho đến nay thì tình trạng trên vẫn còn tiếp diễn.

“Tôi muốn chất vấn để Bộ trưởng làm rõ xem từ đầu nhiệm kỳ cho đến cuối nhiệm kỳ thì sau khi có chỉ đạo giảm được bao nhiêu phần trăm?. Tôi rất tâm đắc với vấn đề đó vì hàng lậu hàng kém chất lượng lĩnh vực nào cũng có. Giờ tới cuối nhiệm kỳ rồi phải đánh giá xem đầu nhiệm kỳ vấn đề đó đang là nóng đến cuối nhiệm kỳ qua chỉ đạo tập trung của bộ, ngành, Chính phủ, địa phương thì giảm được bao nhiêu? Hay vấn đề nông nghiệp được mùa mất giá từ kỳ họp này đến kỳ họp sau vẫn còn diễn ra. Tôi theo dõi tới cùng từ đầu nhiệm kỳ đến giờ và tôi luôn theo sát hai lĩnh vực đó” - bà Khá nói.

Tại phiên họp thứ 39, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, việc sẽ chọn ra khoảng 50 nội dung từ 9 nghị quyết để tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn để tránh trùng lặp. Dựa trên các báo cáo của Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, lần này chất vấn rất rộng, đại biểu có thể hỏi Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng, hỏi ai thì người ấy trả lời.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: “Đây là đổi mới, chúng ta với tinh thần truy đến cùng như vậy chúng ta sẽ góp phần tổng kết nhiệm kỳ, nhìn lại xem chúng ta đã làm được gì và chưa làm được gì. Sau phiên chất vấn tổng kết này, Quốc hội sẽ ra nghị quyết thể hiện rõ những gì đã làm được và chưa làm được”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chất vấn kết hợp với giám sát

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO