Đăng hình ảnh của tổ chức, cá nhân phải có chú thích rõ ràng

M.Loan 26/11/2015 09:20

Một trong các hành vi bị cấm trong Luật Báo chí (sửa đổi) là: "Đăng, phát hình ảnh của tổ chức, cá nhân mà không có chú thích rõ ràng và sử dụng hình ảnh không thống nhất với nội dung tin, bài làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân”.

Ngày 23/11, Ban soạn thảo Luật Báo chí (sửa đổi) (Bộ Thông tin truyền thông) đã gửi tới các ĐBQH bản báo cáo giải trình, tiếp thu các ý kiến ĐBQH khi thảo luận tại tổ về dự án luật trên.

Đáng chú ý, trong Báo cáo của Ban soạn thảo khi đề cập đến hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí (Điều 10), giải trình lại ý kiến ĐB sửa tên điều này thành “Hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí” và gộp nội dung cấm thông tin trên báo chí tại khoản 1 và hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí tại khoản 2. Về vấn đề này, Ban soạn thảo nêu quan điểm: “Các hành vi bị cấm được nằm rải rác ở các quy định của Luật hiện hành và văn bản hướng dẫn thi hành, thiết kế mới và bổ sung các hành vi bị cấm vào luật nhằm đảm bảo các quy định của Hiến pháp 2013”.

Nội dung bị nghiêm cấm thông tin trên báo đã được quy định trong Luật Báo chí hiện hành và áp dụng thống nhất; mặt khác, việc quy định tách nội dung bị nghiêm cấm thông tin trên báo chí và hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động báo chí sẽ thuận tiện cho việc trích dẫn trong các điều, khoản của dự thảo luật.

“Đơn cử, trường hợp nếu gộp khoản 1 và khoản 2 Điều 10 quy định thành hành vi thì Điều 13, Điều 39, Điều 57 sẽ phải viện dẫn tới 12 khoản thay vì chỉ viện dẫn 1 khoản nếu giữ nguyên quy định như dự thảo” - Ban soạn thảo nêu ví dụ.

Tại Điều 10, Ban soạn thảo cho biết sẽ tiếp thu bằng việc bổ sung 1 điểm mới tại khoản 2 Điều 10 có nội dung: "Lợi dụng hoạt động báo chí để trục lợi". Và, chỉnh sửa, bổ sung một điểm tại khoản 1 Điều 10, với nội dung: "Đăng, phát hình ảnh của tổ chức, cá nhân mà không có chú thích rõ ràng và sử dụng hình ảnh không thống nhất với nội dung tin, bài làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân” - Báo cáo giải trình, tiếp thu nêu rõ.

Về vấn đề quyền tự do báo chí, báo cáo cho biết: Có ý kiến cho rằng, cần thể hiện rõ quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân; công dân được tham gia vào công đoạn nào trong hoạt động báo chí, nhà nước bảo hộ ra sao; cần quy định công dân có quyền đăng, tải thông tin; công dân và nhà báo có quyền và nghĩa vụ gì trong hoạt động báo chí.

Đối với ý kiến nêu trên, Ban soạn thảo cho biết: Điều 25 Hiến pháp năm 2013 đã hiến định các nguyên tắc thực hiện quyền tự do báo chí: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.

Do vậy, ngoài chủ thể là báo chí, nhà báo, dự thảo Luật đã quy định: Công dân có quyền tham gia hoạt động báo chí theo quy định của pháp luật và được Nhà nước bảo hộ; nhà báo, công dân có quyền tiếp cận các thông tin mà nhà nước không cấm theo quy định của pháp luật về tiếp cận thông tin phục vụ cho việc thông tin trên báo chí; công dân có quyền được biểu đạt thông tin; tham gia giám sát, phản biện xã hội trên báo chí.

Khái niệm "hoạt động báo chí" đã được bổ sung giải thích tại khoản 25 Điều 4 dự thảo luật, trong đó có hoạt động thu thập thông tin, tư liệu, hình ảnh, âm thanh, ghi âm, ghi hình, chụp ảnh, tiếp xúc, phỏng vấn và các hoạt động khác để hình thành tác phẩm báo chí. Cơ quan báo chí có trách nhiệm đăng, phát tác phẩm báo chí của công dân. Vì vậy, công dân có quyền tham gia vào công đoạn hình thành lên tác phẩm báo chí.

Giấy phép hoạt động báo chí 10 năm là phù hợp thực tiễn

Ban soạn thảo cho rằng: Đã quy định về giấy phép thì cần có thời hạn hiệu lực của giấy phép. Hiện nay, quy định hiệu lực giấy phép là 10 năm là phù hợp thực tiễn. Sau 10 năm hoạt động kể từ khi giấy phép có hiệu lực, cơ quan báo chí làm thủ tục đề nghị đổi giấy phép (chỉ cần công văn đề nghị và bản khai những thay đổi cần ghi trong giấy phép ), không phải làm lại hồ sơ như cấp mới. Thực hiện Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông đang triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đối với các thủ tục như cấp thẻ nhà báo, cấp giấy phép..vv…

Do vậy, trình tự, thủ tục thực hiện việc đổi giấy phép sẽ đơn giản, không gây phiền hà và hạn chế quyền của cơ quan báo chí.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đăng hình ảnh của tổ chức, cá nhân phải có chú thích rõ ràng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO