Giám sát không thể “cưỡi ngựa xem hoa”

Lục Bình 21/10/2015 22:59

Khi thảo luận Dự án Luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND, ngày 21/10, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng việc giám sát của các đoàn giám sát thời gian qua chỉ ghi nhận kiến nghị của địa phương mà chưa kịp đưa ra giải pháp căn cơ nhằm khắc phục những vấn đề tồn đọng.

Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh phát biểu tại hội trường, ngày 21/10. (Ảnh: Hoàng Long).

Góp ý kiến vào Dự luật, ĐB Huỳnh Nghĩa (TP Đà Nẵng) cho rằng, đối với hoạt động giám sát chuyên đề thời gian qua dù có nhiều chuyển biến nhưng xem xét một cách toàn diện thì hiệu quả chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu, vẫn còn tình trạng “cưỡi ngựa xem hoa”, chưa đánh giá đúng thực trạng để có kết luận chính xác.

Nghị quyết, quyết định thành lập đoàn giám sát có đầy đủ thành phần nhưng khi đến làm việc tại các địa phương thì chỉ có vài đại biểu, thời gian làm việc rất hạn chế, chỉ gói gọn trong một ngày thậm chí chỉ có một buổi. Kết thúc buổi làm việc, đoàn giám sát chỉ dừng lại ở việc ghi nhận các vấn đề địa phương, đơn vị kiến nghị.

Nhằm khắc phục tình trạng này, ông Nghĩa đề nghị luật cần quy định chặt chẽ các vấn đề nêu trên để giám sát chuyên đề đạt được mục tiêu đề ra, giải quyết cho được những hạn chế bất cập trong thực tế, bảo đảm hoạt động này của Quốc hội và HĐND phát huy hiệu lực, hiệu quả.

Đồng quan điểm, thành phần giám sát lúc đầu thì đông nhưng rút cục chỉ vài người tham gia giám sát, ĐB Đặng Thị Kim Chi (Phú Yên) cho rằng, thành phần tham gia giám sát thậm chí rất ít thành viên của các đoàn ĐBQH. Rất nhiều cuộc giám sát chỉ thấy thành viên được mời là các sở ngành liên quan thuộc các cơ quan Nhà nước cho nên giá trị pháp lý của kết luận giám sát không cao.

Vì vậy, luật cần ban hành quy định mang tính pháp lý quy định cụ thể đối tượng tham gia đoàn giám sát để thành phần tham gia đoàn giám sát phải xắp xếp thời gian tham gia để có kết luận chính xác.

ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai) đề nghị cần rà soát, đổi mới phương thức đổi mới giám sát, giám sát có trọng tâm, trọng điểm phù hợp vấn đề dân sinh, bức xúc, đảm bảo tuân thủ pháp luật.

Theo đó, phải mời đại diện của Ủy ban MTTQ các cấp tham gia vào quá trình giám sát. Đây là thành phần có vai trò, địa vị pháp lý cùng cơ quan dân cử thực hiện nhiệm vụ giám sát.

Đồng quan điểm, ĐB Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) nói: Luật MTTQ có quy định về chức năng giám sát của MTTQ. Vì vậy, MTTQ được quyền giám sát là điều đương nhiên.

Để đảm bảo tính thực tiễn trong hoạt động giám sát cần khắc phục tình trạng “cưỡi ngựa xem hoa”- ĐB Trương Văn Vở nói. Theo đó, cần tăng cường sự phối hợp trong hoạt động giám sát, có quy chế phối hợp được quy định vị trí pháp lý cụ thể trong luật để thực hiện tốt quá trình giám sát.

Nói về tình trạng thiếu sự phối hợp trong giám sát không chỉ gây khó cho đối tượng chịu sự giám sát mà còn làm kết quả giám sát chậm chuyển biến, ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) cho rằng, cần quy định rõ trách nhiệm của các chủ thể tham gia giám sát.

Hiện nay có thực trạng các địa phương tiếp đoàn giám sát rất đông, rất hùng hậu rồi “tiễn các bác lên đường may mắn” là xong mà không quan tâm đến kết quả hậu giám sát thế nào? Có chuyển không? Phải xem xét trách nhiệm người đứng đầu, cá nhân hóa trách nhiệm, hạn chế mới có chuyển biến, mới thực hiện tốt các trách nhiệm giám sát.

ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) đề nghị: Luật phải làm rõ trách nhiệm chủ thể giám sát, đối tượng giám sát chứ không thể giám sát theo kiểu kéo đến đông, nghe báo cáo qua loa, chẳng đi giám sát gì cả, liên hoan xong rồi về. Theo ông Thuyền, người dân rất mong muốn giám sát chuyên đề phải nghe đối tượng cần giám sát là dân nghèo. Không thể để tình trạng hỗ trợ dê cho người nghèo lại “đi lạc” vào nhà bí thư mà giám sát không biết.

Không để tiếp tục tình trạng theo kiểu, đoàn đến rồi đoàn lại đi, địa phương không chuyển biến gì và chẳng có ai chịu trách nhiệm, ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) nói, cần bổ sung thêm một số phương thức để thực hiện tốt hoạt động giám sát như, nghiên cứu trực tiếp hồ sơ, tài liệu liên quan đến nội dung giám sát, yêu cầu chủ thể chịu giám sát tự thanh kiểm tra và thông báo kết quả vì đoàn giám sát hạn chế về thời gian, nguồn lực, nhân lực. Nhất thiết phải gặp hỏi những người có liên quan đến nội dung giám sát; giám sát trực tiếp tại chỗ… mới có kết luận, kiến nghị cụ thể.

Bảo hộ hợp lý sản xuất kinh doanh trong nước

Trình bày các mục tiêu sửa đổi Luật Thuế xuất nhập khẩu (XNK) tại phiên họp QH ngày 21-10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết: Sửa đổi Luật Thuế XNK nhằm tạo hành lang pháp lý thống nhất để khuyến khích phát triển sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu; bảo hộ hợp lý, có điều kiện, có chọn lọc phù hợp với tiến trình hội nhập. Đồng thời, đáp ứng yêu cầu cải cách về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu theo hướng minh bạch, đơn giản, không phân biệt đối xử, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, mở rộng hoạt động kinh tế đối ngoại.Từ năm 2018 trở đi, mức thuế suất thuế nhập khẩu về cơ bản sẽ được xóa bỏ theo các cam kết thuế quan. Theo đó, để góp phần bảo vệ sản xuất trong nước, cần thiết phải bổ sung, nâng cấp cơ sở pháp lý một số nội dung quan trọng về các biện pháp phòng vệ thương mại về thuế (thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, thuế tự vệ…) quy định ở ba Pháp lệnh hiện hành thành nội dung của Luật nhằm phát huy công cụ hữu hiệu này trong bảo vệ sản xuất trong nước, trong trường hợp các ngành sản xuất trong nước bị thiệt hại hoặc bị đe dọa thiệt hại do các hành vi bán phá giá, trợ cấp, phân biệt đối xử của các đối tác thương mại, phù hợp với thông lệ quốc tế. Dự án Luật bổ sung một số nội dung quy định về thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp, thuế tự vệ để góp phần bảo vệ sản xuất trong nước trong điều kiện hội nhập quốc tế trên cơ sở kế thừa, nâng cấp một số quy định của các pháp lệnh liên quan.

L.Bình

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giám sát không thể “cưỡi ngựa xem hoa”

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO