Kê khai trung thực và xác minh tài sản

Việt Thắng (thực hiện) 03/10/2016 09:05

Chính phủ vừa hoàn tất Dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi và hiện đang lấy ý kiến các bộ, ban ngành. Dự thảo Luật sửa đổi lần này quy định về một số cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập để quản lý bản kê khai, theo dõi biến động và xác minh, thu nhập được kê khai không trung thực, không được giải trình một cách hợp lý.

Trao đổi với ĐĐK, ông Lê Như Tiến- nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội khóa XIII cho rằng, chúng ta phải kiểm soát được tài sản, không kiểm soát được tài sản thì không quản lý được và cũng không phòng, chống được tham nhũng.

Ông Lê Như Tiến.

PV: Ông nghĩ sao về việc Dự thảo Luật PCTN sửa đổi lần này quy định một số cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập để quản lý bản kê khai, theo dõi biến động và xác minh, thu nhập được kê khai không trung thực, không được giải trình một cách hợp lý. Nhưng Dự thảo lại chưa có quy định về xử lý tài sản, thu nhập kê khai trong trung thực không được giải trình một cách hợp lý, một trong những nội dung rất quan trọng để bảo đảm tính hiệu quả của các quy định về minh bạch và kiểm soát tài sản, thu nhập?

Ông Lê Như Tiến: Kê khai tài sản phải tập trung, trọng tâm, trọng điểm. Muốn kiểm soát được tài sản, phải hướng tới đối tượng có nhiều cơ hội, điều kiện tham nhũng, nhất là những người quản lý, lãnh đạo, quyết định nhân sự, nắm tiền, đất đai, ngân sách nhà nước, và công sản. Phải hướng tới những người đó để kê khai và kê khai ở phạm vi nào đó, ai cũng kê khai thì làm sao mà kiểm soát được. Cho nên chỉ kê khai những đối tượng cảm thấy có nhiều cơ hội để tham nhũng.

Kê khai xong phải công khai chứ không phải “cất trong tủ” của cơ quan quản lý cán bộ. Phải công khai với nơi công tác, nơi cư trú. Công khai để cho người dân kiểm soát vì tài sản bất minh không phải nhỏ như “cây kim sợi chỉ” mà tài sản thường rất lớn như nhà, ô tô, bất động sản, mảnh đất rất lớn. Phải để cho người dân kiểm soát. Vì chính người dân giám sát được thì mới phát hiện được.

Những cơ quan có trách nhiệm phải có biện pháp chống chuyển tài sản cho người thân cho gia đình. Ví dụ một anh lãnh đạo có đất chuyển cho con, có nhà chuyển cho vợ, có biệt thự chuyển cho cháu. Chuyển cho người thân trong gia đình nhưng thực chất của anh ấy. Chúng ta phải kiểm soát được tài sản, không kiểm soát được tài sản thì không quản lý được, và cũng không phòng chống được tham nhũng vì người tham nhũng rất khóe trong chuyển dịch tài sản cho người thân trong gia đình.

Thực tế đã có chuyện một ông Bí thư một tỉnh chuyển tài sản cho con chưa thành niên một khối tài sản kếch xù như là biệt thự đất đai, nhà cửa. Con chưa thành niên vậy lấy đâu ra tiền mà có khối tài sản lớn như thế? Cơ quan bảo vệ pháp luật phải vào cuộc và biết được điều đó.

Vậy làm sao kiểm soát được bản kê khai tài sản,thời gian qua rất ít trường hợp kê khai không đúng bị phát hiện?

- Kiểm soát được tài sản thì mới kê khai tài sản đúng được. Chưa kể có cái rất khó như tiền gửi vào ngân hàng nước ngoài thì cũng phải có cách kiểm soát được. Chúng ta hiện đã có các Hiệp định tương trợ với tất cả các nước nên đều có thể làm được, quan trọng là có muốn làm hay không.

Dự thảo Luật lần này có bổ sung khu vực ngoài nhà nước vào Luật. Ý kiến của ông về vấn đề này?

- Khối doanh nghiệp họ không phải quản lý nhà nước nhưng hưởng ngân sách nhà nước. Đã là ngân sách mà để xảy ra tham nhũng, lãng phí thì phải có sự điều chỉnh của Luật.

Ví dụ tập đoàn, tổng công ty là đơn vị kinh doanh nhưng vốn nhà nước cấp cho anh gần như là tuyệt đối, ít nhất là 50, 51% cổ phần chi phối. Rõ ràng là anh sử dụng ngân sách nhà nước rồi, đã sử dụng ngân sách thì không thể không bị điều chỉnh bởi Luật PCTN được. Không thể rú tiền từ ngân sách nhà nước đút vào túi cá nhân được.

Như vụ Tổng công ty Xây lắp dầu khí (PVC) do Trịnh Xuân Thanh lãnh đạo. Doanh nghiệp để thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng là tiền thuế của nhân dân và ngân sách nhà nước. Thực tế nhiều doanh nghiệp đã chuyển từ ngân sách nhà nước, nhà nước đầu tư vào túi cá nhân.

Vốn nhà nước bỏ ra cũng chính là ngân sách nhà nước, là tiền thuế của nhân dân thì điều chỉnh là đúng, là bước tiến và tư duy mới trong xây dựng pháp luật. Hiện có việc khối tư nhân móc nối để tham nhũng. Nếu như khối tư nhân hay cá nhân nào đó, doanh nghiệp tư nhân, gia đình móc nối làm thiệt hại cho nhà nước thì cũng phải chịu sự điều chỉnh của pháp luật Luật Hình sự và Luật PCTN.

Thực tế thì cơ chế xin - cho đẻ ra tiêu cực, phát sinh tham nhũng. Làm thế nào bớt việc để “xin” sẽ không có lý do gì để hối lộ, tham nhũng?

- Cơ chế xin - cho là mảnh đất màu mỡ để nuôi dưỡng tham nhũng, lãng phí. Tôi nghĩ Luật này phải làm sao đó ngăn chặn được xin - cho. Cũng như Luật Doanh nghiệp quy định đăng ký kinh doanh đối với doanh nghiệp bao nhiêu ngày phải cấp giấy đăng ký cho người ta, và chỉ cần đăng ký chứ không phải đến để phong bì, lót tay, bôi trơn. Phải chuyển từ cơ quan nhà nước là cơ quan quản lý phục vụ người dân và doanh nghiệp chứ không phải là cơ quan hành chính, hành dân và hành doanh nghiệp như cử tri và ĐBQH đã nhiều lần lên tiếng.

Thưa ông, tham nhũng là từ con người, chống tham nhũng cũng từ con người tức là đụng đến công tác tổ chức cán bộ...

- Con người mới có hành vi tham nhũng. Đề bạt, bổ nhiệm, cất nhắc, luân chuyển nói là đúng quy trình nhưng quy trình đó đã khách quan khoa học chưa lại là một vấn đề khác. Thứ hai là đầu vào của quy trình là con người như thế nào. Cần phải chặt chẽ với chất lượng đầu vào, người mà đưa vào quy trình ấy có đúng không? đủ, đảm bảo năng lực không? hay đầu vào của quy trình lại là người làm thất thoát hàng nghìn tỷ đồng của nhà nước lại đề bạt chức vụ cao hơn. Vì thế, nơi nào quyết định về công tác tổ chức cán bộ thì nơi đó phải cùng chịu trách nhiệm.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kê khai trung thực và xác minh tài sản

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO