Kỳ họp thứ 9 QH khóa XIII đã khép lại sau hơn một tháng làm việc, với đóng góp tâm huyết, trí tuệ của gần 500 ĐBQH. Ấn tượng để lại trong lòng người dân là những phát biểu rất tâm huyết, rất đời của các ĐBQH là cán bộ Mặt trận.
Ảnh: Hoàng Long
ĐBQH Võ Thị Dung - Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP.Hồ Chí Minh đã khiến QH, cử tri xúc động khi bà nói rằng rất buồn vì đã nhấn nút thông qua điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), đồng thời đề nghị QH cầu thị trong việc sửa đổi lần này, để người lao động thấy Quốc hội thực sự thực tâm sửa đổi. Theo bà, đời sống người lao động rất khó khăn, người làm luật phải bám sát thực tiễn thì luật mới vào cuộc sống. |
Luôn trăn trở với những nỗi vất vả của người nông dân, tìm cách giúp nông dân vượt qua những nhọc nhằn của cuộc sống bằng những mô hình mới, cách làm mới thấm đẫm trong những phát biểu của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân không chỉ trong các cuộc họp Chính phủ mà ngay tại nghị trường QH. Trong bản báo cáo tập hợp kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi tới kỳ họp, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đã đề cập đến thực trạng cử tri và nhân dân vẫn lo lắng về tình hình phát triển kinh tế chưa thật bền vững, việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp không ổn định... Những kiến nghị của người dân về khu vực tam nông khiến người đứng đầu UBTƯ MTTQ Việt Nam luôn trăn trở để tìm lối ra cho nông sản cũng như tìm hướng thoát nghèo cho nông dân.
Những kiến nghị về mô hình hợp tác xã kiểu mới cũng chính là những mong muốn của ông: Làm sao sớm chấm dứt lối làm ăn nhỏ lẻ bằng sự hỗ trợ về cơ chế chính sách; bằng những đề nghị liên kết, liên kết mạnh mẽ hơn nữa các thành phần kinh tế như là cứu cánh cho nhà nông trong giai đoạn hiện tại. “Phải tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp hướng tới sản xuất quy mô lớn với các sản phẩm chủ lực, sử dụng các giống chất lượng và năng suất cao, quy trình canh tác hiện đại gắn với chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm thì chủ thể quan trọng nhất phải là các hợp tác xã. Chuyển từ sản xuất hộ cá thể, đơn lẻ là chủ yếu sang sản xuất liên kết qua hợp tác xã, liên kết với doanh nghiệp qua hợp tác xã. Đối tác của các chính sách của Nhà nước về quản lý sử dụng đất, về vốn, về đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật, liên kết của nông dân với doanh nghiệp và các nhà khoa học phải là hợp tác xã”... Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đã đưa ra ý kiến sắc nét này tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội tại hội trường Quốc hội. Không chỉ đề nghị ĐBQH, doanh nghiệp... quan tâm hơn đến tam nông, trong những giờ giải lao ngắn ngủi giữa các phiên thảo luận, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đã trực tiếp giao nhiệm vụ cho PV Đại Đoàn Kết phải cổ vũ những cách làm hay, mô hình hiệu quả, bằng những bài viết của mình, góp phần gỡ khó cho nông dân.
Tại kỳ họp này, cử tri và nhân dân cả nước cũng cảm thấy thỏa lòng khi lắng nghe những phát biểu, đề xuất đầy tinh thần trách nhiệm với Tổ quốc, với nhân dân của các vị ĐBQH bày tỏ quan ngại bởi “Biển Đông chưa lặng sóng”. Lo lắng trước việc thời gian gần đây Trung Quốc đã cho cải tạo nhiều đảo là những bãi đá ngầm ở quần đảo Trường Sa vốn thuộc quyền chủ quyền của Việt Nam, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin đã chia sẻ với Đại Đoàn Kết bên hành lang của QH về những hành động cải tạo các bãi đá ngầm không thuộc về quyền chủ quyền của Trung Quốc, nghiêm trọng hơn là việc đem vũ khí hạng nặng ra các bãi đá này là hành động vi phạm luật pháp quốc tế.
Những nỗi khó nhọc của người dân cũng đã được người làm công tác Mặt trận phản ánh tại nghị trường Quốc hội. Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP.Hồ Chí Minh Võ Thị Dung chia sẻ, bà rất buồn vì đã nhấn nút thông qua Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi. “Tôi đề nghị Quốc hội cầu thị trong việc sửa đổi lần này. Tôi cũng tha thiết đề nghị, khi sửa phải có lời xin lỗi người lao động để họ thấy Quốc hội thực sự thực tâm sửa đổi, chứ không nhận sai cho có” - bà Dung nói. Bởi theo bà, đời sống người lao động hiện nay rất khổ, bữa ăn của họ toàn hàng rẻ tiền, thức ăn cũng chẳng có gì, người làm luật phải bám sát thực tiễn thì luật mới vào cuộc sống. Sự thẳng thắn nhận trách nhiệm của Chủ tịch MTTQ TP.Hồ Chí Minh thật ấn tượng, thật trân quý đã đáp ứng phần nào tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân.
Cùng với các ĐBQH là lãnh đạo MTTQ Việt Nam, những vị ĐBQH Lê Văn Lai (Quảng Nam), Nguyễn Thị Phương Đào (Bến Tre), Trần Khắc Tâm (Sóc Trăng)… những “người Mặt trận” đã trở nên quen thuộc với ĐBQH và cử tri cả nước, chính bởi sự quyết liệt, đi đến tận cùng những kiến nghị, những giải pháp với mong muốn: cố hết sức, làm được gì đó cho cử tri và nhân dân.
52 gương mặt ĐBQH là “người Mặt trận” trong đó có những người gần như kỳ họp nào cũng nhấn nút phát biểu dăm lần trên Hội trường, trong các phiên toàn thể; chưa kể những phát biểu trong họp tổ. 52 cán bộ làm công tác Mặt trận và hoạt động trong các tổ chức thành viên, ở họ, mỗi người một lĩnh vực một cương vị công tác nhưng lòng nhiệt huyết với việc chung thì chưa bao giờ cạn.