Sửa đổi chính sách thuế: Đòn bẩy sản xuất, kinh doanh

Lục Bình 27/10/2015 21:48

Ngày 27/10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày trước Quốc hội về sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung 3 luật về thuế, trong đó sửa đổi bổ sung Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế. Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội ủng hộ việc sửa đổi các  luật về thuế  nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

ĐBQH Vi Thị Hương phát biểu tại Hội trường, ngày 27/10. (Ảnh: Hoàng Long).

Dự kiến, Luật sửa đổi, bổ sung này sẽ được ưu tiên thông qua tại 1 kỳ họp của QH. Theo thuyết trình của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, sửa đổi, bổ sung Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT), Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) và Luật Quản lý thuế là rất cần thiết.

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, trước những cơ hội và thách thức mới, nền kinh tế nước ta sẽ tiếp tục đối mặt với không ít khó khăn, thách thức khi tham gia vào tiến trình hội nhập ngày càng sâu do năng lực cạnh tranh của nhiều ngành sản xuất còn thấp, giá trị thương hiệu chưa cao, ngành công nghiệp hỗ trợ chậm phát triển, nguy cơ mất thị trường trong nước là rất lớn.

Do vậy, để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thách thức, ổn định sản xuất, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm thực hiện tốt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội thì cần thiết phải có những giải pháp về thuế phù hợp, đáp ứng được yêu cầu thực tế trong điều kiện hội nhập.

Chẳng hạn, về thuế TTĐB, trước bối cảnh cắt giảm thuế nhập khẩu về 0% đối với mặt hàng ô tô cũng như nhiều mặt hàng chịu thuế TTĐB khác theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN, một số hiệp định song phương, cần thiết phải sửa đổi thuế suất thuế TTĐB đối với mặt hàng ôtô ở mức tương đương với các nước Đông Nam Á (Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines...) đối với dòng xe thân thiện với môi trường, dung tích xi-lanh nhỏ để tạo điều kiện phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam; sửa đổi quy định về giá tính thuế TTĐB đối với hàng hóa nhập khẩu để bảo đảm cạnh tranh bình đẳng giữa hàng hóa nhập khẩu và hàng hóa sản xuất trong nước; sửa đổi quy định về giá tính thuế đối với hàng hóa sản xuất trong nước bán hàng qua các khâu trung gian trong nội bộ doanh nghiệp để bảo đảm chính sách minh bạch, rõ ràng.

Bên hành lang của QH, đồng tình sửa đổi các luật thuế, ĐB Vũ Tiến Lộc (Chủ tịch VCCI) cho rằng, trong bối cảnh hội nhập sâu vào kinh tế thế giới, việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển là phù hợp với xu thế chung. Việc Chính phủ đề nghị sửa đổi Luật Thuế lần này nhằm mục tiêu ưu tiên giúp các doanh nghiệp có thể trụ vững phát triển trong bối cảnh khó khăn.

“Tôi ủng hộ đề xuất điều chỉnh một số vấn đề trong dự luật thuế”- ông Lộc nói.

Tán thành về đề nghị của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH Phùng Quốc Hiển nêu lên các lý do của công việc cấp bách này là để tiếp tục thực hiện chính sách, cải thiện môi trường kinh doanh, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh và khuyến khích nội địa hóa, phát triển công nghiệp hỗ trợ...; xây dựng, hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật liên quan, góp phần thực hiện tốt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong những năm tới.

Tăng cường công tác quản lý thuế, khắc phục tình trạng gian lận trong hoàn thuế GTGT, cải cách thủ tục hành chính; thực hiện công khai, minh bạch, bình đẳng; cạnh tranh lành mạnh, khuyến khích đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, một số ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, Luật Thuế GTGT và Luật Quản lý thuế mới được Quốc hội sửa đổi, bổ sung, hiệu lực thi hành ngày 1/1/2015 và Luật Thuế TTĐB sửa đổi hiện nay chưa đến thời điểm hiệu lực thi hành (1/1/2016), nay tiếp tục đề nghị sửa đổi là chưa thực sự hợp lý, dẫn đến thiếu ổn định trong chính sách về thu ngân sách.

Chiều 27/10, ĐBQH thảo luận tại tổ cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết của QH ban hành nội quy kỳ họp QH. Góp ý kiến vào dự thảo nghị quyết, Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm (Hà Nội) cho rằng: Điều 5 dự thảo nghị quyết nêu trách nhiệm ĐBQH còn sơ sài. Phải có chế tài rõ ràng, không thể để tình trạng ĐB muốn nghỉ họp chỉ một giấy phép xin vắng mặt là xong. Phải bố trí 2 kỳ tiếp xúc cử tri của ĐB không nên để trùng lịch để ĐB có thể trực tiếp nghe phản ánh, kiến nghị của dân. Nếu vắng mặt thì dân tâm tư.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sửa đổi chính sách thuế: Đòn bẩy sản xuất, kinh doanh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO