Tăng trưởng 6,7% vẫn là thách thức lớn

Hoài Vũ 13/10/2017 08:45

Ngày 12/10, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2018. Dẫu Chính phủ nhìn nhận, năm 2017 nền kinh tế đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tăng trưởng GDP cả năm ước đạt 6,7%, hoàn thành mục tiêu đề ra. Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng, đây vẫn là thách thức lớn.


Tốc độ tăng GDP năm 2017 ước đạt 6,7% nhưng phía trước vẫn còn nhiều thách thức. (Ảnh minh họa).

Lạm phát được kiểm soát ở mức dưới 4%

Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2017 nền kinh tế đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức dưới 4%, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo, tăng trưởng tín dụng ở mức hợp lý, đáp ứng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, tập trung cho các ngành, lĩnh vực ưu tiên, khu vực sản xuất kinh doanh. Tăng trưởng GDP cả năm ước đạt 6,7%, hoàn thành mục tiêu đề ra.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, về tốc độ tăng GDP năm 2017 ước thực hiện sẽ đạt 6,7% với điều kiện tăng trưởng quý 4 đạt 7,4-7,5%. Nhiều ý kiến cho rằng, đây vẫn là thách thức lớn. Vì những nhóm yếu tố tạo đà tăng trưởng trong 9 tháng đầu năm 2017 gồm tiêu dùng của người dân, xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và tăng trưởng của ngành chế biến, chế tạo hiện không còn nhiều dư địa, bên cạnh đó là rủi ro tiềm ẩn đối với tăng trưởng của ngành nông nghiệp vốn phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Ngoài ra, yếu tố cảnh báo về thiên tai, bão, lũ lụt vẫn hiện hữu là thách thức đối với tăng trưởng của khu vực nông nghiệp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng, muốn đạt tốc độ tăng GDP cả năm 2017 là 6,7% thì tăng trưởng quý IV phải đạt 7,4%-7,5% và đây là nhiệm vụ rất khó khăn. Ngoài ra, thiên tai, bão, lũ lụt vẫn là thách thức đối với tăng trưởng của khu vực nông nghiệp. Do đó, Chính phủ cần rà soát, đánh giá thêm cơ sở đạt được mục tiêu này đồng thời đề ra những phương án khả thi nhất, đảm bảo chắc chắn thực hiện nhiệm vụ đã đặt ra. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng đề nghị Chính phủ phân tích rõ những nguồn lực nào đảm bảo mục tiêu tăng trưởng 6,7% GDP.

Giải trình, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, hiện tổng cầu sức mua trong nước tăng mạnh; tiêu dùng trong nước tháng 9 tăng; sản xuất trong nước đã tăng trưởng đột phá từ dịch vụ, nông nghiệp, công nghiệp. Nghĩa là tăng đều ở cả 3 khu vực. Cho nên tăng trưởng tăng là có cơ sở chắc chắn.

“3 tháng còn lại của năm 2017 còn nhiều thách thức khó khăn như ảnh hưởng của thời tiết; vì thế Chính phủ chỉ đạo các địa phương không chủ quan, thực hiện tất cả các giải pháp đặt ra để đạt kết quả cao nhất của cả năm là 6,7%. Do mục tiêu năm 2018 đề ra tăng trưởng 6,5-6,7% nên Chính phủ đề nghị tăng cường kỷ luật, kỷ cương, phòng chống tham nhũng và nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu”- ông Dũng cho hay.

Chất lượng tín dụng thế nào?

Nhiều ý kiến tại cơ quan thẩm tra cho rằng, báo cáo nợ xấu trong hệ thống ngân hàng ở mức dưới 3%, nhưng thực chất nợ xấu toàn nền kinh tế vẫn còn ở mức cao. Nếu tiếp tục yêu cầu điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, nâng tốc độ tăng trưởng tín dụng cả năm đạt khoảng 21% nhằm hỗ trợ đạt tăng trưởng GDP của năm nay sẽ gây sức ép vĩ mô khi mô hình tăng trưởng chưa có dấu hiệu cải thiện.

Băn khoăn khi tăng trưởng tín dụng được dự kiến tăng thêm 3%, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đặt vấn đề: “Chính phủ đề ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng 21% trong năm nay. Cứ cho là giờ hoàn thành được gần 12% thì còn 9% nữa đến hết năm liệu có đạt? Nếu tăng như vậy, nền kinh tế có hấp thụ được không và hấp thụ vào đâu? sản xuất, bất động sản hay thị trường chứng khoán”?

Giải trình, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến cho biết, về chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, đầu năm Ngân hàng Nhà nước đề ra mức 18%. Căn cứ vào các mục tiêu vĩ mô, thực hiện các giải pháp tăng trưởng kinh tế, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh chỉ tiêu lên mức 21%. Với điều chỉnh này, tín dụng có mức tăng trưởng hơn và đã đạt 11,8%. Chỉ số này đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, cơ cấu tín dụng tập trung vào đầu tư sản xuất kinh doanh. Riêng đầu tư vào bất động sản là lĩnh vực rủi ro, cần kiểm soát chặt nên tốc độ tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực này thấp hơn so với toàn hệ thống; đầu tư vào nông nghiệp sạch, xuất khẩu có mức tăng trưởng cao hơn.

Nhất trí với ý kiến của Phó Thống đốc, tuy nhiên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý, tăng trưởng tín dụng sẽ có tác động tích cực với tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn nhưng sẽ tạo rủi ro trong dài hạn nếu chất lượng tín dụng không tốt. “Ngân hàng Nhà nước phải kiểm soát, không nhất thiết đến 21% mà nếu đến thế thì cần xem tín dụng đi vào đâu, chất lượng tín dụng thế nào và rủi ro với nền kinh tế tương lai ra sao”- Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị, Chính phủ làm rõ giải pháp để mục tiêu tăng trưởng đạt 6,7% như nghị quyết Quốc hội giao vì hiện có ý kiến băn khoăn còn nhiều thách thức lớn. “Phải tính đến tính bền vững của nền kinh tế, hiệu quả đầu tư của nền kinh tế. Bởi trong sản xuất nông nghiệp có dấu hiệu chưa vững chắc của thị trường tiêu thụ. Công nghiệp có khởi sắc nhưng còn đang xử lý các dự án thua lỗ. Do đó Chính phủ cần làm rõ xử lý 12 dự án này như thế nào? Kinh tế vĩ mô còn những tiềm ẩn trong tăng trưởng tín dụng, chất lượng tín dụng và xử lý nợ xấu. Bội chi và khả năng trả nợ cần phân tích sâu thêm”- ông Hiển lưu ý.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tăng trưởng 6,7% vẫn là thách thức lớn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO