Thừa Thiên - Huế: Tốc tăng trưởng sản phẩm năm 2019 ước đạt 7,18%

Hữu Thu 09/12/2019 16:34

Sáng ngày 10/12, HĐND Thừa Thiên - Huế tiến hành Kỳ họp thứ 9.

Thừa Thiên - Huế: Tốc tăng trưởng sản phẩm năm 2019 ước đạt 7,18%

Chủ tịch UBND Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ trình bày báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế- xã hội năm 2019.

Kỳ họp diễn ra trong 2 ngày sẽ thảo luận và thông qua 21 Nghị quyết; trong đó có phê duyệt chủ trương đầu tư dự án hạ tầng kỹ thuật khu dân cư Bắc Hương Sơ, Huế; chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp mới thành lập; bảng giá đất trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2024; sắp xếp, chia tách, sáp nhập và đổi tên gọi các thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh; một số chính sách hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng, tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên địa bàn tỉnh…; đồng thời tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn về những kết quả đạt được cũng như những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019, từ đó đề ra các giải pháp cụ thể để thực hiện tốt hơn trong năm 2020.

Báo cáo về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế- xã hội,Chủ tịch UBND Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ cho biết, năm 2019 Thừa Thiên - Huế có 12/14 chỉ tiêu đạt kế hoạch; trong đó đáng chú ý là tốc độ tăng trưởng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) ước đạt 7,18% chủ yếu là từ khu vực dịch vụ du lịch, công nghiệp và xây dựng.

Tổng lượt khách du lịch đến Huế ước đạt 4,8 triệu lượt, bằng 102,1% kế hoạch, tăng 10,8%. Trong đó, khách quốc tế đạt 2,22 triệu lượt, tăng 12,7%; khách lưu trú ước đạt 2.250 nghìn lượt, tăng 6,6%; doanh thu ngành dịch vụ du lịch ước đạt 4.900 tỷ đồng, đạt kế hoạch, tăng 9,6%, doanh thu xã hội từ du lịch ước hơn 12.000 tỷ đồng…

Thu hút đầu tư vượt kế hoạch đề ra, dù vậy, theo ông Pham Ngọc Thọ, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Thừa Thiên - Huế chưa đạt như kỳ vọng, một số dự án lớn đã được cấp đăng ký đầu tư nhưng tiến độ triển khai, đưa vào hoạt động còn chậm so với kế hoạch; thiếu các dịch vụ du lịch chất lượng cao để thu hút khách du lịch và chưa có đơn vị lữ hành mạnh trên địa bàn do còn phụ thuộc các đơn vị lữ hành lớn; hạ tầng kết nối các điểm tham quan và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch chưa đồng bộ…

Một trở lực nữa là cơ cấu nội bộ ngành kinh tế dịch vụ chuyển biến chậm, các phân ngành dịch vụ quan trọng như y tế, giáo dục, tài chính, viễn thông, công nghệ thông tin.. phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế hiện có của địa phương; đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã phê duyệt nhưng kết quả triển khai chưa đạt như kỳ vọng như thiếu các dự án sản xuất nông nghiệp chuyên canh lớn, trở thành hàng hóa, chế biến sâu; mô hình nông nghiệp công nghệ cao...

Trước đó, phát biểu trong phiên khai mạc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND Thừa Thiên - Huế Lê Trường Lưu đã thông báo nội dung làm việc của Bộ Chính trị với Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Theo đó, Bộ Chính trị cho ý kiến và thống nhất cần ban hành một nghị quyết mới để xây dựng và phát triển Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với bản sắc văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường; giúp Thừa Thiên - Huế phát huy được vai trò, vị thế là trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước và khu vực về văn hóa, du lịch, y tế chuyên sâu, khoa học và công nghệ, giáo dục, đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thừa Thiên - Huế: Tốc tăng trưởng sản phẩm năm 2019 ước đạt 7,18%

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO