Chờ đợi…

Hồ Luân 28/06/2016 13:05

Thông tin Chính phủ yêu cầu bỏ 3.500 giấy phép con đang tạo làn gió mới cho cộng đồng doanh nghiệp. Điều này rất quan trọng khi mà xóa bỏ 3.500 giấy phép con đồng nghĩa xóa bỏ một cơ chế quản lý kinh doanh gò bó, hướng đến một môi trường đầu tư thuận lợi, minh bạch và bình đẳng.

Nhìn vào thực tế môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam, nhiều người cho rằng vẫn thiếu an toàn. Rất nhiều giấy phép con buộc doanh nghiệp phải cam chịu. Ngán ngẩm về tình trạng giấy phép con nhiều doanh nghiệp nội bày tỏ, họ không sợ cạnh tranh với doanh nghiệp ngoại khi mà hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng nhưng lại sợ những rào cản khó bứt phá từ phía cơ quan có trách nhiệm, trong đó nặng nề nhất là nạn giấy phép và cơ chế xin - cho. Điều này vô hình trung gây nhũng nhiễu doanh nghiệp nhiều hơn. Theo Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), hiện nay có khoảng 7.000 giấy phép con làm khó doanh nghiệp chứ không phải là 6.000 như thống kê trước đó. Ngoài những điều kiện kinh doanh bằng những thông tư trước đây, một số bộ ngành coi như chưa có Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư. Kết quả, giấy phép con ra đời. Điều này trái hẳn ý nghĩa và lợi ích mà Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư mang lại.

Xác định rõ giấy phép con và cơ chế xin – cho đã, đang và sẽ tiếp tục hành doanh nghiệp “lên bờ, xuống ruộng”, Chính phủ lên kế hoạch cởi trói cho doanh nghiệp ở mức độ tối ưu nhất. Cụ thể, mới đây Thủ tướng yêu cầu loại bỏ 3.500 giấy phép con không có căn cứ để tồn tại, đồng thời nâng cấp thông tư thành nghị định. Mong muốn tăng hiệu quả cải thiện môi trường đầu tư Chính phủ cảnh báo, khi nâng cấp thông tư cần tránh tình trạng đưa y nguyên thông tư cũ thành nghị định mới. Chính phủ đặc biệt yêu cầu, cần rút gọn, lược bỏ những quy định không cần thiết nhưng phải đảm bảo chất lượng. Nếu sai sót người đứng đầu Bộ ngành phải chịu trách nhiệm. Nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp không chỉ dừng lại ở mức xóa bỏ giấy phép con thông qua việc nâng thông tư lên thành nghị định. Trước đó, nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Chính phủ sớm cho ra đời Nghị quyết 35, cùng với thông báo nhắc nhở bộ ngành khẩn trương thực hiện Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư cho đúng với quy định.

Chính phủ đã có nhiều chương trình hành động vì cộng đồng doanh nghiệp song thước đo quan trọng nhất chính là phép thử từ ngày 1-7 (thời hạn các điều kiện kinh doanh của bộ ngành trong thông tư không còn hiệu lực nếu không nâng lên thành nghị định) – để xem cam kết và hành động thực tế của cải cách như thế nào. Cộng đồng doanh nghiệp Việt đang trông đợi và hy vọng đón một làn gió mới thông thoáng, cởi mở giúp doanh nghiệp thuận lợi, ổn định và phát triển trong điều kiện cạnh tranh gay gắt.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chờ đợi…

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO