Chợ trong phố

KTS Trần Huy Ánh 14/10/2016 09:00

UBND TP Hà Nội đã có quyết định dừng triển khai dự án đầu tư xây dựng chợ - Trung tâm thương mại (TTTM) Châu Long; giao quận Ba Đình nghiên cứu dự án cải tạo chợ Châu Long theo mô hình chợ truyền thống. Điều này đã góp phần khẳng định vai trò của chợ dân sinh, cũng như những ảnh hưởng của nó trong cuộc sống đô thị hôm nay.

Chợ Thành Công, Hà Nội.

Hôm nay (14/10), Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội Hà Nội tổ chức hội thảo khoa học “Mô hình chợ dân sinh trong đô thị Trung tâm thành phố Hà Nội”. Hội thảo tập trung vào những vấn đề: Vai trò chợ dân sinh trong đô thị; Các mô hình chợ dân sinh; Đề xuất mô hình chợ dân sinh trong đô thị Trung tâm TP Hà Nội; Giải pháp và các kiến nghị trong quản lý và phát triển mô hình chợ dân sinh trong trung tâm TP Hà Nội…

Chợ Châu Long đã tồn tại hơn nửa thế kỷ. Năm 1955, nhà nước tiến hành xây chợ. Lúc mới xây xong, trong chợ bán đủ loại mặt hàng: thực phẩm, thịt cá, rau đậu, vải vóc, len dạ. Chợ Châu Long sầm uất nhất trong khoảng thời gian này. Những ngày vui sớm kết thúc khi đất nước hai miền chia cắt. Chiến tranh leo thang, chợ Châu Long gần nhà máy điện – mục tiêu đánh phá của không quân Mỹ nên phải sơ tán triệt để.

Từ 1965, tất cả hàng hóa phân phối theo chế độ tem phiếu. Chợ phân ra thành các ngành hàng: Thực phẩm, Bách hóa, khu vực CLB công nhân nhà máy điện khoanh ra thành nơi bán củi, than, dầu hỏa của Công ty chất đốt; Công ty Rau quả bán rau muống, bí xanh, bí đỏ; Công ty Kim khí bán phụ tùng và chữa xe đạp…

Giai đoạn 1975-1985 đất nước mới thống nhất thì lại có chiến tranh biên giới, cuộc sống cải thiện đôi chút nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, kinh doanh buôn bán trong chợ Châu Long dần được hồi phục. Năm 1976, chợ được sửa chữa lại, lợp ngói mới nhưng chưa xây tường bao. Đến năm 1984, khi tiến hành sửa chữa lần hai, chợ mới được xây tường gạch bao quanh. Năm 1998, chợ Châu Long được sửa chữa lần thứ ba... Chợ búa dần đông vui nhưng chợ dân sinh thường xuyên đối mặt với những dự án xây dựng cao tâng: tầng 1 làm chợ, các tầng trên kinh doanh vất động sản, sở hữu công, tư đan xen… dùng giằng mấy lần thay đổi phương án, chủ đầu tư nhưng mục tiêu thì vẫn vậy. Giữa chợ vẫn còn nguyên ngôi mộ cổ của dòng họ quan lại gia thế thời xưa.

Chợ Châu Long nằm trong khu vực hồ Trúc Bạch, với diện tích hơn 2.000 m2 thuộc phường Trúc Bạch nhưng rất gần phường Quán Thánh. Hai phường cộng lại rộng gần 2.000 ha, dân số gần 20.000 người, cộng thêm khoảng ngần ấy cư dân đến từ các nơi làm ăn, học tập và đi lại, hàng ngày có tới cả chục ngàn xe đạp, xe máy và hàng ngàn ô tô các loại lưu thông, dừng đỗ… Toàn bộ diện tích vỉa hè, lòng đường của 2 phường đã được huy động để đi lại, buôn bán và sinh hoạt… giống như một cái chợ khổng lồ.

Với chủ trương “đảm bảo đường thông/ hè thoáng, tăng cường trật tự văn minh đô thị”, chợ Châu Long quá nhỏ bé, không đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng thực phẩm hàng ngày cho cư dân tại chỗ. Trong khi đó nhu cầu của người dân ngày càng tăng nhanh. Việc kinh doanh buôn bán của các tiểu thương tại đây cũng có nhiều thay đổi. Một trong những nguyên nhân về thực trạng này là do chợ cóc đã tràn lan các phố trong phường, có vài trăm người bán hàng vỉa hè khắp các phố, đông nhất ở phố Đặng Dung - Trấn Vũ - Nguyễn Trường Tộ… Trước thực trạng trên cho thấy cần có một bước tiến mới, biến đổi cấu trúc không gian chợ dân sinh.

Nhưng nếu xây TTTM cao tầng: văn minh, hiện đại giống như chợ Hàng Da, Cửa Nam, Chợ Mơ thì kết quả là người vào chợ giảm hẳn, số chợ cóc tăng đột biến, lan tỏa sang các phố chung quanh… các đội tự quản đường phố không kiểm soát nổi, dần dần trở thành vô dụng. Chính vì thế mà lời giải hay hơn là tổ chức giao thông thông minh hơn, thuận tiện hơn cho người bán kẻ mua vào ra chợ. Xây dựng quy trình vận chuyển hàng hóa, kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm, tăng cường ứng dụng các công nghệ mới trong việc mua bán, đóng gói, giao hàng hiệu quả hơn để chợ truyền thống vận hành trơn tru hơn, giữ được sự gần gũi, thân thiện, tin cậy giữa người sản xuất, tiêu dùng với công suất phục vụ lớn hơn hàng chục lần. Rất tiếc là lời giải hay này tại Việt Nam chưa có. Trên thực tế những mô hình này đã khá thành công tại Manila (Philippines), Bangkok (Thái Lan) hay chợ ăn uống bình dân thu gom các hàng ăn đường phố vào “Newton food center” (Singapore).

Nếu chợ Châu Long cải hóa thành công sẽ trở thành hình mẫu cho một mô hình chợ dân sinh Hà Nội mới: nâng cao chất lượng sống cho cư dân đô thị, đảm bảo an toàn thực phẩm đồng thời tăng cường trật tự đô thị. Nó chỉ có thể có được giải pháp tổng thể, tối ưu một khi các nhà quản lý có tầm nhìn vượt ra khỏi phạm vi 2.000 m2 đất dự án bất động sản để bước đến một cuộc thảo luận rộng rãi với cả xã hội “chung tay xây dựng mô hình chợ dân sinh kiểu mới Kẻ Chợ - thế kỷ 21”- với một tầm nhìn không gian rộng hơn 10.000 lần (bao trùm hai phường Trúc Bạch và Quán Thánh).

Liệu chợ Châu Long có còn xung lực tồn tại để bước tiếp tới ngày mai? Mới đây nhất, tháng 8/2016 TP Hà Nội đã quyết định dừng dự án TTTM chợ Châu Long để giao quận Ba Đình nghiên cứu dự án cải tạo chợ Châu Long theo mô hình chợ truyền thống. Thành phố cũng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Sở Công thương rà soát lại 7 dự án chợ - trung tâm thương mại đã đi vào hoạt động, đánh giá hiệu quả của các dự án… Có thể đây là những bước đi đầu tiên trong cuộc tìm kiếm tương lai của chợ truyền thống trong đô thị hiện đại.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chợ trong phố

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO