Chơi game: Liệu có vô bổ?

Nguyễn Hoài 16/06/2022 14:26

Với lợi thế dân số trẻ, tỷ lệ người sử dụng điện thoại thông minh đang ở mức cao hơn 50% dân số, Việt Nam là một trong những thị trường màu mỡ cho ngành công nghiệp game, song game vẫn chưa được coi là ngành ưu tiên trong phát triển công nghiệp văn hóa.

Thị trường màu mỡ

Hè là thời điểm nghỉ ngơi, giải trí của nhiều học sinh, sinh viên sau một năm học. Nắm bắt cơ hội này, thị trường game cho ra mắt nhiều game mobile mới trong dịp hè. Đứng đầu trong danh sách Top tựa game mobile ra mắt mới nhất là “Wuchang: Fallen Feathers”. Đây là một tựa game với thể loại ARPG thế giới mở với đồ họa cực kì đẹp thuộc thời Minh ở Trung Quốc.

Một trong những game mobile mới hiện đang thu hút rất nhiều đánh giá tốt từ phía người chơi là “Gunfire Reborn Mobile”. Tựa game này đến từ xử sở HongKong và đã có mặt trên nền tảng PC-Console.

Bên cạnh đó, hàng loạt các game mobile mới đa dạng nhiều thể loại khác nhau được ra mắt dịp này có thể kể đến như: “The Day We Fought Space”, “Infinity Conquer”, “Dislyte”, “Project RushB”, “Rainbow Six Mobile”, “Eggy Party”… Những tựa game này là các sản phẩm game nhập khẩu đến từ các nước: Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ…

Việt Nam được xếp hạng 7 trong các quốc gia phát hành mobile game trên toàn cầu. Với lợi thế dân số trẻ, tỷ lệ người sử dụng điện thoại thông minh đang ở mức cao hơn 50% dân số, Việt Nam là một trong những thị trường màu mỡ cho ngành công nghiệp game.

Nhiều bạn trẻ tìm đến game đển giải trí dịp hè.

Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2021, tổng doanh thu ngành công nghiệp game Việt Nam ước đạt 14.500 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2020. Bên cạnh những game nhập khẩu, thời gian qua, thị trường game có những tác phẩm “made in Việt Nam” đình đám, gây nhiều ấn tượng.

Với nhiều game thủ trẻ, "7554" là niềm tự hào của người Việt Nam. Đây là trò chơi điện tử nhập vai với thể loại bắn súng lấy bối cảnh lịch sử thời kỳ kháng chiến chống Pháp, đặc biệt là mô tả chiến thắng Điện Biên Phủ. Hay game "Thần tích" được xây dựng dựa trên những thần thoại và cổ tích Lạc Long Quân, Âu Cơ, Sơn Tinh, Thủy Tinh, Thạch Sanh, Tấm Cám...

Nhắc đến những tựa game do Việt Nam sản xuất nổi tiếng khắp thế giới có thể "điểm danh" hiện tượng “Flappy Bird” gây sốt trên toàn thế giới cách đây 7 năm hay game bắn súng sinh tồn "Free Fire" đứng thứ 3 trong top 10 tựa game mobile có doanh thu cao nhất thế giới; game "Axie Infinity" là một hiện tượng không chỉ tại Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia trên thế giới như Philippines, Indonesia, thậm chí cả châu Âu và thị trường Mỹ.

Thay đổi cách nhìn về game

Có thể thấy, ngành công nghiệp game đang có tiềm năng rất lớn. Tuy nhiên, trong tư duy của không ít người, chơi game là vô bổ. Nhiều gia đình lo lắng khi hè đến, con trở thành game thủ, vùi đầu vào game.

Nhìn nhận về game, ông Nguyễn Đình Sơn, chuyên gia tâm lý giáo dục, Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội – người có 15 năm nghiên cứu về game và các bệnh lý về game – khẳng định, bản chất của game không xấu và chơi game cũng không phải là hành vi lệch lạc nếu chơi đúng thời gian khuyến cáo.

Bác sĩ Nguyễn Thị Phương Mai – Khoa Tâm thần, Bệnh viện Nhi Trung ương cũng nhìn nhận, chơi game có thể giảm căng thẳng cho học sinh, sinh viên hay nhiều người khi phải học hoặc làm việc quá lâu, trong thời gian dài.

Ở Việt Nam, game vẫn còn nhiều định kiến của xã hội.

Theo các chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực game, nếu như trên thế giới game là ngành công nghiệp không khói, có đóng góp đáng kể vào ngân sách quốc gia thì ở Việt Nam, game vẫn còn nhiều định kiến của xã hội.

Anh Đình Tuấn Anh – chủ một hệ thống kinh doanh dịch vụ game online trên phố Trần Huy Liệu (quận Ba ĐÌnh, Hà Nội) cho hay, bản chất của game khi ra đời chỉ đơn thuần là trò chơi điện tử mang tính giải trí cao. Thực tế, ngành game có đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, khi game ra đời với nhiều biến tướng dẫn đến việc khó kiểm soát như hiện nay.

Để ngành game có thêm uy tín, ông Bùi Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công ty CP Công nghệ, Điện toán và Truyền thông Quốc gia (VCCTECH) cho rằng, cần có các chính sách khuyến khích sản xuất game lành mạnh và có chế tài ngăn chặn các hành vi lợi dụng để đưa cờ bạc vào game. Một số game còn mang tính đồi trụy, gây tò mò, bất chấp hậu quả để thu lợi nhuận. Điều này sẽ gây ra những rào cản làm cho game bị định kiến xấu, khó phát triển.

Theo ông Tùng, định kiến về game kéo theo hầu hết các trường đại học cũng chưa có chương trình đào tạo chính quy nguồn nhân lực phát triển ứng dụng game mobile. Nhiều gia đình cũng không muốn con cái đi theo con đường này.

Trong khi đó, hiện nay các quy định về ngành game mới chỉ liên quan đến cấp phép và quản lý trò chơi chứ chưa có chính sách chuyên biệt để hỗ trợ sự phát triển ngành này. Vì thế, ông Tùng cho rằng: “Game đang là một ngành có nhiều thế mạnh trong kinh tế số. Chúng ta cần thay đổi cách nhìn, đồng thời có chiến lược phát triển và đầu tư cho ngành công nghiệp số này”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chơi game: Liệu có vô bổ?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO