Chọn ngành, chọn trường: Thí sinh cân nhắc bài toán học phí

Nguyễn Hoài 13/03/2023 14:20

Theo chuyên gia, thông tin về học phí của các trường đại học cũng là một trong những yếu tố quan trọng khi thí sinh đưa ra quyết định chọn ngành, chọn trường.

Chỉ còn thời gian ngắn nữa, học sinh lớp 12 trên cả nước sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học năm 2023. Đứng trước bước ngoặt quan trọng của cuộc đời, phân vân lớn nhất của nhiều thí sinh tại thời điểm này là nên chọn ngành, chọn nghề như thế nào để nắm chắc cơ hội việc làm trong tương lai.

Theo báo cáo tổng kết công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2022 và triển khai công tác tuyển sinh năm 2023 của Bộ GDĐT công bố mới đây, năm 2022, tổng số thí sinh nhập học toàn quốc là 521.263 em đạt 83,39%, cao hơn số nhập học của năm 2021, 2020.

Trong số 330 cơ sở đào tạo, có 194 cơ sở đào tạo, chiếm 58,67% có tỉ lệ nhập học đạt trên 80% so với chỉ tiêu và chiếm 79,42% tổng số nhập học của toàn quốc.

Số liệu của Bộ GDĐT cũng thống kê tỉ lệ tuyển sinh theo các lĩnh vực đào tạo. Theo đó, 3 lĩnh vực đào tạo được thí sinh lựa chọn nhiều nhất là: Kinh doanh và quản lý (24,54%); Máy tính và công nghệ thông tin (11,79%); Công nghệ kỹ thuật (9,18%). Số liệu này cho thấy, xu hướng chọn ngành, chọn nghề của thí sinh trong một vài mùa tuyển sinh gần đây.

Trường đại học tư vấn tuyển sinh cho thí sinh.

Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên, TS Hà Thúc Viên - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Việt Đức nêu thực tế, trong số khoảng 50.000 sinh viên tốt nghiệp thì tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp đáp ứng về năng lực và các kỹ năng làm việc so với nhu cầu của nhà tuyển dụng không cao, chỉ 30% đáp ứng nhu cầu lao động của xã hội.

Thế nên, TS Viên lưu ý, thí sinh cố gắng tìm hiểu chọn ngành chọn nghề đúng năng lực, sở thích chứ không đơn giản là theo đuổi bằng mọi giá theo ngành nghề có tính “thời thượng”.

Bên cạnh đó, theo nhiều chuyên gia, thông tin về học phí của các trường đại học cũng là một trong những yếu tố quan trọng khi thí sinh đưa ra quyết định chọn ngành, chọn trường.

Bởi thực tế, có không ít thí sinh khi bước chân vào giảng đường đại học đã phải “đứt gánh giữa đường” vì điều kiện tài chính của gia đình không kham nổi mức học phí của trường đã chọn.

Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết Online, ông Dương Văn Bá - Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Hòa Bình lưu ý, thí sinh nên ưu tiên lựa chọn ngành nghề dựa trên đam mê, sở thích và năng lực của bản thân chứ không theo trào lưu chung.

Ông Bá cũng đưa ra lời khuyên, thí sinh trước khi chọn ngành nghề cần tìm hiểu về học phí của chương trình đào tạo có phù hợp với điều kiện kinh tế của bản thân và gia đình hay không? Từ đó đưa ra quyết định về ngành học phù hợp nhất.

Theo quy định, mức học phí dự kiến của các trường đều được công khai trong đề án tuyển sinh đăng tải trên website của các trường. Tuy nhiên, theo tìm hiểu thực tế, đề án tuyển sinh của các trường khá dài, từ vài chục tới cả trăm trang. Thế nên việc tiếp cận thông tin về học phí cụ thể theo từng ngành không hề dễ dàng với các thí sinh.

Về vấn đề này, ông Bá cho biết, theo quy định, trong đề án tuyển sinh của các trường sẽ nêu các mục cụ thể, trong đó có chỉ tiêu tuyển sinh, ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào, quy định học phí tương ứng với từng ngành, chương trình đào tạo…

“Trong bối cảnh các trường đại học đang dần hướng đến phải tự chủ thì việc tăng học phí là điều khó tránh khỏi. Vì vậy, khi tìm hiểu thông tin của các trường, thí sinh cần lưu ý nội dung quy định về mức học phí và cân nhắc thật kỹ càng trước khi quyết định chọn trường”, ông Bá cho biết.

Còn theo TS Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, Bộ GDĐT cần có những quy định rõ ràng hơn trong việc công khai học phí, chương trình đào tạo như quy định rõ thời gian công bố, vị trí đăng thông tin công bố và số lần công bố để minh bạch và tạo thuận lợi cho người học.

Thí sinh có 20 ngày để đăng ký xét tuyển đại học

Điểm mới trong kế hoạch của Bộ GDĐT năm nay là thời gian tổ chức xét tuyển đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non được thực hiện sớm hơn năm ngoái do kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông diễn ra sớm hơn năm ngoái 1 tuần.

Thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển theo hình thức trực tuyến lên hệ thống tuyển sinh của Bộ GDĐT hoặc Cổng dịch vụ công quốc gia. Thí sinh diện tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển nộp hồ sơ trước ngày 30/6, nhận kết quả trước ngày 5/7 và xác nhận nhập học trên hệ thống tuyển sinh của Bộ GDĐT trước 17h ngày 15/8.

Thời gian đăng ký xét tuyển nguyện vọng bắt đầu từ ngày 5/7 đến 17h ngày 25/7. Thí sinh lưu ý, trong khoảng thời gian này, tất cả thí sinh được quyền đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển không giới hạn số lần.

Thời gian các thí sinh nộp lệ phí xét tuyển từ ngày 26/7 đến 17h ngày 5/8.

Như vậy, thời gian thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm nay kéo dài 20 ngày, trong khi năm 2022 là một tháng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chọn ngành, chọn trường: Thí sinh cân nhắc bài toán học phí

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO