Chốt phương án tăng lương tối thiểu vùng

H.Hương - M.Long 03/08/2016 09:10

Ngày 2/8, tại Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Hội đồng tiền lương Quốc gia đã chốt phương án tăng lương năm 2017 để trình Chính phủ. Sau khi phía Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và VCCI không tìm được tiếng nói chung khi mức chênh lệch trong đề xuất vẫn là 4%, Hội đồng đã thống nhất đi đến bỏ biếu và thông qua phương án tăng lương được hội đồng đưa ra để bỏ phiếu là 7,3% với 14/15 phiếu đồng ý.

Chốt phương án tăng lương tối thiểu vùng

Tăng lương, nhưng quan trọng hơn là phải ổn định giá cả.

Tăng 7,3% - tương ứng tăng 213.000 đồng/tháng

Tăng lương đang là bài toán hóc búa đối với đại bộ phận doanh nghiệp, và với ngân sách quốc gia. Việc tìm ra tiếng nói chung trong câu chuyện tăng lương là vấn đề khá khó khăn giữa đại diện cộng đồng doanh nghiệp (VCCI), với cơ quan đại điện cho người lao động (Tổng liên đoàn lao động Việt Nam) kéo dài suốt thời gian qua.

Trong phiên họp ngày 2/8, VCCI đề xuất mức tăng là 4%, còn đại diện người lao động là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đề xuất mức tăng lương là 10%. Trước đó, tại lần họp thứ 2 diễn ra tại Hải Phòng vào ngày ( 20/7) vừa qua Tổng liên đoàn lao động đề xuất mức tăng 11%.

Được biết, cũng tại lần họp thứ 2 diễn ra tại Hải Phòng bộ phận kỹ thuật của Hội đồng tiền lương quốc gia đã đưa ra 3 phương án để các bên tham khảo.

Phương án thứ nhất là sẽ tăng lương tối thiểu vùng ở mức từ 250.000 - 350.000 đồng/tháng, tương đương tăng từ 9,7-10,4% lương tối thiểu vùng đang áp dụng cho năm 2016. Đây cũng là mức tăng cao nhất mà bộ phận kỹ thuật đưa ra; Phương án 2 tăng từ 200.000 - 300.000 đồng, tương đương tăng khoảng 8,6%; Phương án 3, tăng từ 200.000 - 250.000 đồng, tương đương tăng từ 7,1-8,3% so với năm 2016, mức thấp nhất mà bộ phận kỹ thuật thuộc Hội đồng tiền lương quốc gia đưa ra.

Trở lại với cuộc họp ngày 2-8, do biên độ chênh lệch quá lớn về hai mức đề xuất Hội đồng tiền lương quốc gia đã thống nhất đi đến bỏ phiếu và thông qua phương án tăng lương được hội đồng đưa ra để bỏ phiếu là 7,3% tương ứng với 213.000 đồng/tháng. Có 13/14 phiếu bầu đồng ý với mức tăng lương này.

Như vậy, với phương án được thông qua từ Hội đồng tiền lương quốc gia dự tính tăng lương tối thiểu vùng năm 2017 so với lương tối thiểu vùng năm 2016 như sau: vùng 1 tăng thêm 250.000 đồng, tức tăng 7,1%; vùng 2 tăng 220.000 đồng, tăng 7,1%; vùng 3 tăng 200.000 đồng, tăng 7,4% và vùng 4 tăng 180.000 đồng, tăng 7,9%.

Đừng để lương chưa tăng, giá đã tăng

Trao đổi với Đại Đoàn Kết, một chuyên gia kinh tế bình luận: người lao động vui khi tiếp nhận thông tin có khả năng tăng lương. Nhưng quan trọng hơn là phải ổn định giá cả, kiềm chế lạm phát để được hưởng mức lương tăng.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vĩnh Phú cũng trả lời Đại Đoàn Kết, các chi phí sinh hoạt đều tăng thì thu nhập của người lao động rõ ràng phải tăng để đảm bảo cuộc sống. “ Theo tôi, tăng lương là một chuyện, nhưng đừng để lương chưa tăng giá đã tăng trước”.

Là công nhân của công ty May 10, chị Nguyễn Hà Liên (28 tuổi) cho biết: lương tháng của tôi chỉ vừa đủ trang trải cho tiền thuê nhà, tiền ăn uống và chi tiêu cá nhân. Nếu không tăng lương, đời sống công nhân rất khổ, chưa kể những người đã có gia đình, còn phải nuôi con. Chị Liên nói, với nguồn thu nhập duy nhất từ đồng lương, chị rất mong được tăng lương.

Trong khi đó ở phía doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp nhất là khối dệt may tỏ ra không mấy mặn mà. Theo ông Nguyễn Văn Thời - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG, doanh nghiệp dệt may cần nhất là lao động, nhưng vấn đề này cũng đang bị cạnh tranh khốc liệt. “Khi SamSung vào Việt Nam, cạnh tranh lao động rất căng thẳng. Họ chỉ cần lao động biết đọc, biết viết. Trước họ tuyển công nhân dưới 30 tuổi, giờ họ tuyển từ độ tuổi 35-40 tuổi, doanh nghiệp Việt Nam như kiến cạnh tranh với voi. Lương họ trả 7-10 triệu/người/tháng, còn chúng tôi tính toán từng đồng. Nếu trả lương công nhân cao quá thì giá thành sản phẩm không cạnh tranh được”.

Nhiều doanh nghiệp sử dụng lao động ở khối điện tử cũng than thở rằng, lương tăng sẽ tạo nên áp lực lớn đối với doanh nghiệp trong ngành và để hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp với người lao động không phải điều đơn giản. Ông Bùi Đức Thịnh - Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty CP May Sông Hồng từng chia sẻ chúng tôi trả lương cho công nhân cao hơn hiều mức lương tối thiểu đó, nhưng oái oăm là các chi phí đi theo nó, đặc biệt là bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, chi phí công đoàn… cũng tăng tạo ra gánh nặng cho doanh nghiệp.

Theo tính toán của đại diện May Sông Hồng, lương tối thiểu, bảo hiểm xã hội chiếm tới 72% đơn giá gia công. Vì thế, khi lương tối thiểu tăng kéo theo hàng loạt chi phí khác tăng, khiến cho giá thành sản phẩm bị đẩy lên 8-10%.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chốt phương án tăng lương tối thiểu vùng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO