Chủ động phản biện khi bị kiện

Thanh Giang 30/08/2018 06:57

Hội nhập kinh tế tạo điều kiện tốt cho doanh nghiệp mở rộng thị trường, tăng kim ngạch xuất khẩu, nâng cao doanh thu… Bên cạnh thuận lợi, doanh nghiệp không tránh khỏi rào cản thương mại. Vì vậy, chủ động phản biện khi bị khởi kiện hoặc áp thuế cao là điều cần thiết.

Gia tăng vụ kiện

Ghi nhận thực tế, số vụ việc bị áp dụng hàng rào thương mại liên tục tăng lên trong thời gian qua, từ 10 vụ/năm, hiện giờ là 13 - 14 vụ/năm. Thị trường điều tra nhiều nhất là Hoa Kỳ (25 vụ), Thổ Nhĩ Kỳ (20 vụ) và Ấn Độ (15 vụ). Số vụ việc Việt Nam bị điều tra nhiều nhất là 78 vụ chống bán phá giá, 25 vụ tự vệ, 17 vụchống lẩn tránh thuế,12 vụ chống trợ cấp.

Bà Phan Châu Giang- Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) thông tin, tính đến thời điểm hiện nay có 132 vụ việc phòng vệ thương mại (PVTM) của nước ngoài áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Bà Trần Thị Lan Hương- Phòng Xử lý PVTM nước ngoài, Cục PVTM nhận định, càng hội nhập kinh tế các vụ kiện PVTM ngày càng gia tăng. Bất kể sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu cao như thép, thủy sản, dệt may đến những mặt hàng có kim ngạch thấp, gồm: bật lửa, gạch, vôi, đinh thép, bóng đèn, vỏ xe,…

Mới đây nhất, Malaysia khởi xướng điều tra vụ lẩn trốn thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng thép mạ nhập khẩu từ Việt Nam. Phía Malaysia nghi ngờ sản phẩm thép này có nguồn gốc từ Trung Quốc. Sắp tới đây, thép tấm mạ, thép dẫn điện và tráng thiếc hoặc crôm có nguy cơ bị EU áp dụng biện pháp tự vệ chính thức sau ngày 3/2/2019, nếu tiếp tục tăng trưởng xuất khẩu mạnh trong những tháng tới.

Trước đó, ngày 26/3, Ủy ban châu Âu đã quyết định khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với 28 nhóm sản phẩm thép nhập khẩu do lo ngại sự gia tăng nhập khẩu có thể gây thiệt hại đến ngành sản xuất trong nước.

Là ngành “dính” đến 2 vụ kiện bán phá giá là mặt hàng cá tra và tôm tại thị trường Hoa Kỳ, ông Trương Đình Hòe -Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết: 2 đợt điều tra chống bán phá giá mà VASEP tham gia là đầu tiên của Việt Nam tại thị trường Hoa Kỳ.

Năm 1998 cá tra Việt Nam khởi sắc vào tăng trưởng nhanh chóng tại thị trường Hoa Kỳ đã khiến Hiệp hội Cá nheo ở Mỹ đâm đơn kiện, và cá tra Việt Nam bị điều tra tại thị trường Hoa Kỳ vào năm 2002. Sau một đến hai vụ kiện PVTM khởi đầu, những năm tiếp theo ngành thủy sản Việt Nam liên tục bị các nước nhập khẩu khởi kiện và áp thuế suất cao.

Chủ động

Theo Cục PVTM, tính từ khi Việt Nam gia nhập WTO đến tháng 6/2018, có khoảng 130 vụ việc PVTM được khởi xướng điều tra bởi 17 quốc gia và vùng lãnh thổ đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, đứng đầu là Hoa Kỳ, EU, Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ...

Rõ ràng, hội nhập kinh tế tạo điều kiện tốt cho DN mở rộng thị trường, tăng kim ngạch xuất khẩu, nâng cao doanh thu… nhưng DN cũng gặp phải nhiều rào cản mà các nước nhập khẩu dựng lên nhằm bảo vệ nền sản xuất trong nước. Vì vậy, muốn xuất khẩu ổn định, đồng thời không bị áp thuế suất cao DN nên thận trọng và có nhưng bước đi phù hợp nhất.

Ông Trương Đình Hòe cho hay, trường hợp muốn xuất khẩu vào thị trường nào đó DN phải cố gắng không để bị kiện chống bán phá giá. Khi bị kiện cố gắng vượt qua ngay giai đoạn điều tra, để đến khi đã có lệnh áp thuế rồi thì rất khó “gỡ”.

Theo ông Hòe, trong quá trình theo đuổi vụ kiện chống bán phá giá cần nghiên cứu đến những chiến lược mang tính đối sách, đến vấn đề phản ứng, những vấn đề tạo ra yếu tố công bằng về mặt chung trên vụ kiện, giúp duy trì mức thuế ổn định hơn trong các kỳ xem xét hành chính.

Theo bà Trần Thị Lan Hương, DN phải chủ động phòng tránh các vụ kiện bằng cách đa dạng hóa thị trường, phong phú mặt hàng xuất khẩu, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm vì cạnh tranh về chất lượng bao giờ cũng an toàn, bền vững hơn cạnh tranh về số lượng hoặc giá cả.

Khi bị kiện, DN chủ động đối phó bằng cách thuê luật sư tư vấn, đồng thời phối hợp chặt chẽ với hiệp hội ngành hàng, cơ quan chính phủ. Lý do khi bị áp thuế thì toàn ngành hàng xuất khẩu đều hứng chịu chứ không riêng DN. Bên cạnh các hoạt động nêu trên, đều quan trọng nhất là doanh nghiệp phải chuẩn bị tốt hồ sơ chứng từ để chứng minh và phản biện, xác định rõ chiến lược, mục tiêu và nỗ lực tham gia kháng kiện một cách rõ ràng đến cùng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chủ động phản biện khi bị kiện

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO