Chủ động phòng bệnh mùa nồm ẩm

An Thái 06/02/2023 07:00

Hà Nội và nhiều tỉnh thành ở phía Bắc đang trong giai đoạn nồm ẩm, hiện tượng thời tiết đặc trưng thường xuất hiện vào cuối mùa đông và đầu mùa xuân. Theo các chuyên gia y tế, độ ẩm cao khiến virus, vi khuẩn phát triển mạnh, nhiều bệnh đường hô hấp như viêm họng, viêm mũi dị ứng, hen suyễn có nguy cơ bùng phát ở trẻ em, người già.

Bác sĩ Nguyễn Văn Ngân - Khoa Hô hấp Bệnh viện đa khoa Tâm Anh Hà Nội nhận định: Trẻ em dưới 5 tuổi, người già, người có bệnh nền là những người có hệ miễn dịch yếu, sức chống chọi với vi khuẩn, virus kém, do đó dễ nhiễm bệnh hơn khi gặp thời tiết nồm ẩm. Các bệnh đường hô hấp dễ mắc thời điểm này gồm viêm họng, viêm mũi dị ứng, viêm xoang, khởi phát cơn hen cấp. Người có bệnh nền như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh tim mạch cũng dễ khởi phát triệu chứng.

Theo bác sĩ Ngân, vào những ngày nồm ẩm, các gia đình có thể sử dụng máy hút ẩm hoặc bật điều hòa chế độ khô để giảm bớt độ ẩm, sao cho duy trì độ ẩm không khí 40-60% là tốt nhất. Sàn nhà, cửa kính là những nơi dễ đọng nước gây ẩm ướt và trơn trượt, nguy hiểm khi di chuyển, do đó nên lau thường xuyên bằng khăn khô, hút ẩm tốt. Các gia đình nên hạn chế dùng thảm trải sàn trong những ngày nồm ẩm vì dễ bị ẩm mốc, gây kích ứng đường thở và nhiều bệnh khác.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo, thời tiết nồm ẩm là môi trường lý tưởng cho các mầm bệnh như nấm mốc, vi khuẩn, virus sinh sôi. Các bệnh lý hàng đầu thường phát sinh trong thời tiết này bao gồm: Cảm cúm, viêm phế quản, viêm phổi, viêm đường hô hấp. Nồm ẩm cũng làm tăng mức độ trầm trọng của một số bệnh đường hô hấp mạn tính như: Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản...

Theo đó, ho, sốt, chảy nước mũi là triệu chứng chung của nhiều bệnh về đường hô hấp thường gặp trong thời tiết nồm ẩm. Một thói quen khó bỏ của nhiều người là tự chẩn đoán bệnh cho mình rồi tự mua các loại thuốc hạ sốt, thuốc kháng sinh quen dùng để điều trị tại nhà. Tuy nhiên, theo bác sĩ Dũng, chảy mũi trong, sốt nhẹ, ho có thể là biểu hiện giai đoạn đầu của bệnh viêm phổi và việc tự ý điều trị, không qua chẩn đoán bệnh của bác sĩ sẽ rất nguy hiểm.

Theo các chuyên gia y tế, để chủ động phòng ngừa bệnh trong điều kiện thời tiết nồm ẩm hiện nay, cần loại trừ nguy cơ nhiễm bệnh từ không gian sống (giữ nhà cửa sạch sẽ, khô ráo bằng việc sử dụng máy hút ẩm, hoặc điều hòa không khí, nếu không có nên đóng kín các cửa sổ để hạn chế hơi ẩm vào nhà. Thường xuyên lau nhà cửa bằng những loại vải dễ hút nước); cần tăng cường sức đề kháng của cơ thể, tiêm phòng vaccine là phương pháp hiệu quả để phòng ngừa những bệnh lây truyền do virus. Những bệnh như: cúm, sởi, quai bị, thủy đậu, rubella đều có vaccine phòng bệnh và đa số đã được đưa vào Chương trình tiêm chủng mở rộng. Tuy nhiên, có một số trường hợp trước đây Chương trình tiêm chủng mở rộng chưa phủ hết được hoặc có khoảng trống miễn dịch thì nên tiêm nhắc lại. Đối với sởi kể cả khi tiêm chủng đầy đủ, khả năng miễn dịch cũng có thể không bền vững. Sau 5-15 năm, lượng kháng thể giảm xuống chúng ta cần tiêm nhắc lại để đảm bảo lượng kháng thể bảo vệ.

PGS. TS Phan Thu Phương - Giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai lưu ý, người dân cần tiêm vaccine phòng Covid-19 đầy đủ, cũng như tiêm các vaccine phòng bệnh hô hấp như: Tiêm vaccine cúm hàng năm, vaccine phế cầu 5 năm một lần.

Cùng với đó, cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng và luyện tập thể dục hợp lý. Việc ăn uống hài hòa và đảm bảo dinh dưỡng sẽ giúp cơ thể tăng cường sức đề kháng. Vì vậy, cần đảm bảo, bổ sung cân đối các nhóm dưỡng chất: Tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chủ động phòng bệnh mùa nồm ẩm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO