Chủ động ứng phó xâm nhập mặn

Giang Hương 10/02/2023 07:00

Xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang có xu thế tăng theo kỳ triều cường Rằm tháng Giêng âm lịch. Còn theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc giảm lượng xả thủy điện ở thượng nguồn sẽ làm gia tăng xâm nhập mặn từ ngày 16/2 đến khoảng nửa đầu tháng 3/2023.

Để ứng phó với hạn, mặn, người dân ở “thủ phủ” hoa, cây trái Chợ Lách, Bến Tre đã tạo ra các hồ trữ nước ngọt. Ảnh: Quốc Trung.

Khẩn trương thực hiện trữ nước

Dự báo phạm vi mặn 4g/l, vùng các cửa sông Vàm Cỏ Đông từ 75-80km, Vàm Cỏ Tây từ 75-85 km; vùng các cửa sông Cửu Long như: Cửa Tiểu từ 50-55km, Cửa Đại từ 48- 53km, Hàm Luông 70-73km, Cổ Chiên từ 62-65km, Sông Hậu từ 58-60km. Vùng ven biển Tây có hệ thống cống Cái Lớn – Cái Bé bảo đảm khống chế độ mặn theo yêu cầu dùng nước.

Để đề phòng ảnh hưởng của xâm nhập mặn gia tăng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL chỉ đạo, khẩn trương tăng cường theo dõi sát thông tin dự báo xâm nhập mặn của các cơ quan chuyên ngành khí tượng, thủy văn và cơ quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cung cấp (Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam).

Đồng thời, khẩn trương thực hiện trữ nước trong hệ thống kênh, rạch, hồ, ao phân tán, vận hành công trình thủy lợi hợp lý để lấy nước, bảo đảm trữ đủ lượng nước ngọt sử dụng trong thời gian xâm nhập mặn gia tăng và cả trong mùa khô. Đặc biệt, lưu ý bảo đảm đáp ứng tối đa nhu cầu nguồn nước cho sinh hoạt và cây ăn trái.

Các tỉnh, thành phố thường xuyên phổ biến thông tin về tình hình xâm nhập mặn trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân, tổ chức liên quan chủ động đề phòng ảnh hưởng của xâm nhập mặn đến sản xuất, dân sinh.

Theo nhận định của các chuyên gia khí tượng, mùa khô và xâm nhập mặn ở Nam Bộ diễn ra từ tháng 12/2022 đến tháng 3/2023, tương đương so với cùng kỳ mùa khô năm 2021-2022. Tuy nhiên, mức độ khô hạn của mùa khô năm nay không gay gắt như các năm trước nhưng vẫn cần đề phòng các đợt xâm nhập mặn bất thường.

Tìm cách ứng phó

Trà Vinh là một trong những tỉnh ở ĐBSCL bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, nhất là tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn nội đồng vào mùa khô khiến nhiều diện tích sản xuất của tỉnh bị thiếu nước tưới.

Thời gian qua, cùng với việc theo dõi chặt chẽ diễn biến hạn mặn; tăng cường khảo sát, đánh giá xâm nhập mặn trên các tuyến kênh chính để kịp thời thông báo cho người dân, thì ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh cũng đã xây dựng kịch bản rủi ro thiên tai theo 2 cấp độ 1 và 2, với các phương án ứng phó cụ thể đối với từng trường hợp, nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra đối với sản xuất nông nghiệp.

Mới đây, UBND tỉnh Vĩnh Long cũng đã ban hành kế hoạch phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn bảo vệ sản xuất và dân sinh trong mùa khô năm 2022-2023. Theo đó, mục đích của kế hoạch nhằm đảm bảo nhu cầu nước sản xuất trong điều kiện hạn hán, xâm nhập mặn xảy ra gay gắt trong mùa khô năm 2022-2023 và cấp nước sinh hoạt cho người dân, đặc biệt là dân cư ở vùng gặp khó khăn về nguồn nước, góp phần đảm bảo và ổn định đời sống, sản xuất nông nghiệp của người dân trong tỉnh. Trong đó, đảm bảo ngăn mặn, cấp nước tưới cho hơn 2ha lúa Hè Thu, hơn 3.700ha cây màu ở các huyện bị nhiễm mặn cao.

Một số địa phương ở các cù lao, ven sông Cổ Chiên, sông Hậu, sông Tiền của Vĩnh Long giai đoạn này cũng đang phải chạy đua với mặn. Nhất là người dân ở cù lao Dài, Thanh Long (huyện Vũng Liêm) cù lao Mây (xã Lục Sĩ Thành và Phú Thành, huyện Trà Ôn), cù lao Minh (các xã thuộc huyện Long Hồ), thời gian qua người dân lo thu hoạch trái cây, rau màu chạy mặn, lo trữ nước sẵn sàng ứng phó với tình trạng thiếu nước ngọt.

Tỉnh Kiên Giang cũng triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đảm bảo ngăn mặn, giữ ngọt. Các địa phương trong tỉnh tập trung nạo vét kênh, mương tăng khả năng trữ nước ngọt sử dụng trong mùa khô, gia cố đắp mới các đập ngăn mặn theo thời vụ, làm bờ bao bảo vệ lúa Đông Xuân 2022-2023 và phòng, chống hạn mặn cho sản xuất vụ lúa Hè Thu 2023. Tỉnh cũng chỉ đạo cơ quan chức năng, các địa phương vận hành hiệu quả hệ thống cống thủy lợi vùng Tứ giác Long Xuyên, ven biển An Biên - An Minh, đê bao U Minh Thượng và đê bao Ô Môn - Xà No phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân.

Theo ông Huỳnh Ngọc Nhã - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, Sở thường xuyên cập nhật độ mặn trong ngày, lịch vận hành các cống, thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin để người dân biết; vận hành các trạm cấp nước sinh hoạt nông thôn để cấp nước sinh hoạt cho người dân trong trường hợp xảy ra hạn, xâm nhập mặn kéo dài; đẩy mạnh tuyên truyền về phòng, chống hạn, mặn; xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn, mặn ngắn hạn, áp dụng các biện pháp kỹ thuật tưới tiên tiến, tiết kiệm nước…

Dự báo xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long trong tháng 2/2023, theo Tổng cục Thủy lợi, ở vùng các cửa sông, ranh mặn 4 g/l có khả năng xâm nhập đến 40 - 50km, so với năm 2020 thấp hơn từ 18- 20km. Một số thời điểm sẽ ảnh hưởng đến việc lấy nước của các công trình thủy lợi từ 40km trở xuống.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chủ động ứng phó xâm nhập mặn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO