Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Sẽ kiểm toán việc phân bổ và sử dụng các nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19

H.Vũ 15/09/2021 06:40

Ngày 14/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo công tác năm 2021 và kế hoạch kiểm toán năm 2022 của Kiểm toán nhà nước (KTNN).

Chuyển cơ quan điều tra 1 vụ

Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh cho biết: Theo kế hoạch, KTNN sẽ thực hiện 188 cuộc và dự kiến tổ chức thành 211 đoàn. Đến 31/8/2021, đã triển khai 144/211 đoàn, kết thúc 108 đoàn (đạt 51% kế hoạch), phát hành 83 báo cáo kiểm toán, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Trong 8 tháng đầu năm 2021, KTNN đã chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định 1 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện qua hoạt động kiểm toán.

Thẩm tra báo cáo của KTNN, ông Nguyễn Phú Cường, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội băn khoăn khi tỷ lệ thực hiện các kết luận, kiến nghị của KTNN năm 2021 thấp hơn so với các năm trước, đến ngày 31/8/2021 chỉ đạt 49,9% (năm 2020 đạt 55,9%; năm 2019 đạt 51,3%), trong đó việc thực hiện các kiến nghị liên quan đến sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, thay thế văn bản các năm gần đây đạt tỷ lệ thấp.

Từ thực tế trên, ông Cường đề nghị, KTNN bổ sung, làm rõ chi tiết danh mục các văn bản kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, thay thế; bổ sung báo cáo việc kiểm tra, đôn đốc thực hiện các kết luận, kiến nghị còn tồn đọng từ những năm trước; làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan và cung cấp danh sách cụ thể các cơ quan, đơn vị không thực hiện đầy đủ, kịp thời các kết luận, kiến nghị của KTNN qua từng năm.

Bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội băn khoăn khi chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra những vụ việc có dấu hiệu vi phạm rất ít, chỉ chuyển 1 vụ cho cơ quan điều tra.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, phải công khai, minh bạch hoạt động kiểm toán. “Công khai là vũ khí rất quan trọng của hoạt động kiểm toán. Một mặt có tác động siết chặt kỷ luật, kỷ cương thực hiện ngân sách, thực hiện các kiến nghị kiểm toán. Mặt khác qua công khai, người dân trở lại giám sát hoạt động của kiểm toán”- Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Đánh giá việc thực thi các gói hỗ trợ

Về trọng tâm công tác KTNN trong năm 2022, Chủ tịch Quốc hội cho biết, mục tiêu của năm 2022 vẫn phải đặt tăng cường củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô lên hàng đầu, đảm bảo kỷ luật kỷ cương về tài chính ngân sách, thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ, đảm bảo an toàn bền vững nợ công, việc cơ cấu lại tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu.

Liên quan tới nội dung kiểm toán ngân sách nhà nước 2021, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần thêm vào nội dung kiểm toán về việc huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực cho phòng, chống dịch Covid-19. “Mục đích sử dụng và hiệu quả thế nào? Chúng ta là nước nghèo, chống dịch phải hiệu quả nhưng cũng phải tiết kiệm chi phí”-Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đồng thời cho rằng, chúng ta tập trung mọi nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch, từ tài lực, nhân lực, vật lực là đúng. Đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, nhưng sử dụng phải tiết kiệm, đúng mục tiêu, kể cả nguồn lực nhà nước và các nguồn lực xã hội huy động được. Do đó phải tính toán để xác định nội dung này là một trong những mục tiêu của kiểm toán trong năm 2022.

“Trong năm 2022, Kiểm toán cũng cần đánh giá việc thực thi chính sách các gói hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, xem quy định có hợp lý không, tổ chức thực hiện thế nào, có đúng mục đích không? Vừa rồi sử dụng nguồn lực rất nhiều nhưng đối tượng nào được hưởng? Cách thức và mục tiêu sử dụng thế nào? Chính sách rất ưu việt nhưng quá trình thực thi có thể có những chính sách chưa phù hợp hoàn toàn, cần làm rõ để rút kinh nghiệm”- Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Hai phương án quy định phổ biến phim trên không gian mạng

Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Điện ảnh sửa đổi. Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, trong quá trình xây dựng dự án luật còn một số vấn đề có ý kiến khác nhau, cần xin ý kiến Quốc hội. Theo đó, quy định về phổ biến phim trên không gian mạng, Chính phủ dự kiến trình ra Quốc hội 2 phương án. Trong đó phương án 1 cho phép các nhà phát hành tự kiểm và chịu trách nhiệm, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch sẽ kiểm tra “hậu kiểm”. Còn phương án 2 là bắt buộc các phim chỉ được phổ biến trên không gian mạng khi có giấy phép của Bộ này, tức là “tiền kiểm”. Ông Hùng cho biết, đa số thành viên Chính phủ và cơ quan chủ trì thống nhất chọn phương án 1.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Sẽ kiểm toán việc phân bổ và sử dụng các nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO