Chưa tăng học phí để chia sẻ khó khăn với dân

Thu Hương (thực hiện) 02/01/2023 14:10

Năm 2022 khép lại với nhiều kết quả đáng ghi nhận của ngành giáo dục. Bên cạnh đó cũng còn nhiều trăn trở về những việc cần được triển khai mạnh mẽ và làm tốt hơn trong thời gian tới.

TS Hoàng Ngọc Vinh.

Đó là những chia sẻ của TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo) với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết.

PV: Năm 2022 khép lại với quyết định không tăng học phí năm học 2022-2023 của Chính phủ đối với cơ sở giáo dục và đào tạo công lập. Đón nhận thông tin này, nhiều phụ huynh bày tỏ sự vui mừng. Ông có chung cảm xúc này?

Chưa tăng học phí năm học này thể hiện sự chia sẻ những khó khăn với người dân sau 2 năm ảnh hưởng của dịch Covid-19 là cần thiết. Sau đây, các trường cũng cần công bố công khai trong đề án tuyển sinh và triển khai có lộ trình, tránh gây sốc.

TS Hoàng Ngọc Vinh: Tôi hoàn toàn ủng hộ quyết định này. Trước đó, báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội cho rằng, nếu thực hiện theo đúng lộ trình đến năm 2021 phải tính đủ chi phí theo tinh thần của Nghị quyết 19 của Trung ương thì học phí sẽ tăng khá cao. Điều này gây ảnh hưởng tới chi tiêu của học sinh, gia đình, dễ gây xáo trộn lớn trong xã hội, ảnh hưởng tới cơ hội đi học của phần lớn học sinh, sinh viên.

Trên thực tế, một số địa phương đã tăng học phí gấp 3-5 lần so với năm học trước. Một số trường đại học đã tăng học phí khiến sinh viên bất ngờ, lo lắng vì khó trang trải trong khi mức vay tín dụng hiện nay vẫn thấp và không phải mọi đối tượng đều được vay.

Chưa tăng học phí năm học này thể hiện sự chia sẻ những khó khăn với người dân sau 2 năm ảnh hưởng của dịch Covid-19 là cần thiết. Sau đây, các trường cũng cần công bố công khai trong đề án tuyển sinh và triển khai có lộ trình, tránh gây sốc.

Về phía các địa phương, cũng cần phương án hỗ trợ, rà soát các đối tượng học sinh để đảm bảo khi tăng học phí không để học sinh nào phải bỏ học vì không có tiền đóng học phí.

Đề xuất nâng phụ cấp cho giáo viên mầm non vùng đặc biệt khó khăn lên mức 100%.

Cũng liên quan đến ngân sách nhà nước là vấn đề tăng lương, phụ cấp cho giáo viên. Đây là việc đã được nhắc đến trong nhiều năm qua và tiếp tục được ngành giáo dục đề xuất trong năm 2022. Quan điểm của ông ra sao?

- Quan tâm tới đời sống giáo viên, cụ thể là vấn đề tăng lương, tăng phụ cấp như đề xuất, tôi hoàn toàn ủng hộ về mặt chủ trương. Tuy nhiên phải thẳng thắn nhìn nhận, điều này phụ thuộc vào thu nhập của quốc gia.

Đồng thời thiếu nguồn lực giải quyết các vấn đề như thiếu biên chế giáo viên, nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất nhằm triển khai kịp thời Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Vì vậy, cùng với việc cân đối tăng lương, phụ cấp cho giáo viên, tôi cho rằng việc có thể làm ngay đó là giao cho ngành giáo dục tự chủ nhiều hơn về mặt tài chính, nhân sự.

Đây cũng là trăn trở của những người quan tâm tới lĩnh vực giáo dục. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng từng chỉ ra thực tế, ngành giáo dục nắm tất cả mọi thứ, trừ 2 thứ: Một là giáo viên, hai là tài chính.

- Đúng vậy. Muốn đổi mới thành công thì phải có kế hoạch, phải có tài chính và con người. Làm sao phải được phân cấp mạnh hơn, hệ thống tài chính minh bạch hơn. Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm về mặt nhân sự nhưng không chịu trách nhiệm về mặt chất lượng giáo dục, tài chính cũng vậy. Nếu không cẩn trọng sẽ xảy ra trường hợp “cỗ xe cải cách” với 4 bánh xe nhưng nhiều người lái, nhiều phanh hãm thì khó lòng đổi mới thành công. Cần lưu ý, khi tăng quyền tự chủ nhiều hơn cho các trường ở địa phương phải để cộng đồng giám sát.

Một trong những khó khăn khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đó là thiếu giáo viên ở một số bộ môn. Theo ông cần làm gì để giải quyết vấn đề bất cập này?

- Thiếu giáo viên thì sẽ khó đổi mới. Phải đảm bảo nguyên tắc ở đâu có học sinh thì ở đó có giáo viên. Đặc biệt, với vùng cao phải có chính sách tuyển dụng, thu hút và giữ chân giáo viên bằng cả lương, phụ cấp và các chế độ đãi ngộ khác. Với một số bộ môn đặc thù thiếu giáo viên thì phải có lộ trình đào tạo giáo viên mới cũng như bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ sẵn có.

Các chương trình bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên hiện nay tôi cho rằng những kỹ năng nghiệp vụ cần thiết vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, bao gồm quản lý về nguồn lực tài chính, nguồn lực con người…

Không phải cứ đi học rồi được cấp chứng chỉ là hoàn thành bồi dưỡng. Cần hướng đến thực chất, bồi dưỡng đáp ứng nhu cầu của cán bộ quản lý và giáo viên. Cách tập huấn cũng phải thay đổi. Tôi lấy ví dụ hàng trăm người cùng ngồi nghe giảng trong hội trường xong làm bài thu hoạch thì khó đạt hiệu quả.

Thời điểm cuối năm, việc học và thi môn Ngữ văn nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận khi quyết tâm bỏ văn mẫu đã và đang dần được hiện thực hóa tại các nhà trường. Dẫu vậy, nhiều học sinh gặp khó khi chưa bắt kịp với sự thay đổi này. Theo ông, cần làm gì để việc thay đổi này không gây sốc cho cả thầy và trò?

- Tôi cũng có nghe thấy ý kiến rằng “không hiểu đề thi Ngữ văn sắp tới sẽ ra sao”. Đang quen với việc học tác phẩm nào thi tác phẩm đó, giờ ngữ liệu bài thi, bài kiểm tra có thể chưa từng học bao giờ sẽ tránh được việc học tủ nhưng với học sinh, bước đầu chắc chắn sẽ có những khó khăn. Thậm chí, ngay cả giáo viên cũng bối rối không biết ra đề thế nào vì không có đề mẫu, hướng dẫn cụ thể từ Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tuy nhiên, việc này là cần thiết vì khi mỗi trường, thậm chí mỗi lớp học 1 sách giáo khoa, không thể có chuyện đề thi gò bó trong một vài tác phẩm. Giáo viên cần có những biện pháp giúp học sinh nắm được các đặc trưng thể loại và kỹ năng tiếp nhận tác phẩm thì mới có thể tiếp thu bất cứ bài nào bên ngoài chương trình.

Cần dạy trò kỹ năng đọc, đọc có phê phán, có phản biện, đọc rồi viết ra, hệ thống hóa trở lại để hình thành tư duy. Cách dạy văn ai cũng như ai, gò bó thì sẽ khó có được những học sinh dám nói, dám phản biện sau này.

Đối với giáo dục đại học, theo ông trong năm 2023 cần tập trung vào vấn đề gì để nâng cao chất lượng?

- Các trường đại học hiện nay đã quan tâm tới vấn đề kiểm định chất lượng. Song phải khẳng định, kiểm định không phải chỉ liên quan đến các thủ tục hành chính mà mục tiêu quan trọng nhất vẫn là thay đổi được văn hóa chất lượng từ bên trong.

Kết quả kiểm định đâu phải chỉ là tờ giấy chứng nhận đã hoàn thành chương trình kiểm định mà kéo theo đó là những thay đổi mang tính rõ ràng như quy mô tuyển sinh tăng lên, tỷ lệ người có việc làm tăng lên, số lượng bỏ học bớt đi, đầu tư tăng cường cơ sở vật chất ra sao để thu hút người học, tăng chất lượng đầu vào…

Riêng việc đào tạo tiến sĩ, theo tôi phải đóng cửa một số cơ sở đào tạo tiến sĩ rởm, quy trách nhiệm mạnh cho người hướng dẫn hoặc hội đồng, đừng để dư luận phản ứng mãi…

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chưa tăng học phí để chia sẻ khó khăn với dân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO