Chính phủ vừa yêu cầu các cơ sở giáo dục công lập chưa tăng học phí trong năm học 2022 - 2023. Với địa phương đã quyết định tăng học phí năm học 2022 - 2023 trước đó, Chính phủ yêu cầu dùng ngân sách địa phương bù vào phần chênh lệch tăng thêm so với học phí năm học 2021 - 2022.
Giữ ổn định học phí
Cụ thể, theo Nghị quyết 165/NQ-CP, để tiếp tục hỗ trợ kịp thời đối với học sinh, sinh viên, hộ gia đình thu nhập thấp, có hoàn cảnh khó khăn; bình ổn giá và kiểm soát lạm phát, góp phần phục hồi, phát triển kinh tế, ổn định đời sống của nhân dân, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc phạm vi quản lý giữ ổn định mức thu học phí năm học 2022 - 2023 như năm học 2021 - 2022.
Với các cơ sở mầm non, phổ thông công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên: Giữ ổn định mức thu học phí năm học 2022 - 2023 bằng mức thu học phí của năm học 2021 - 2022 do HĐND tỉnh ban hành áp dụng tại địa phương.
Với các cơ sở giáo dục tự bảo đảm chi thường xuyên, cơ sở giáo dục tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư: Cơ sở giáo dục xây dựng mức thu học phí trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí, trình UBND để đề nghị HĐND cấp tỉnh xem xét, phê duyệt.
Đối với cơ sở giáo dục đại học và cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập giữ ổn định mức thu học phí năm học 2022 - 2023 bằng mức thu năm học 2021 - 2022 (do các cơ sở này ban hành theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP, quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo). Nhà nước cấp bù tiền miễn, giảm học phí theo mức trần học phí năm học 2021 - 2022 đã quy định tại Nghị định 81.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã kêu gọi các trường không tăng học phí năm học mới. Và trên thực tế, nhiều trường đại học cũng thông báo không tăng học phí năm học 2022-2023. Cùng đó, năm học 2022 - 2023, nhiều tỉnh, thành phố quyết định miễn học phí cho học sinh. Nhiều địa phương miễn 100% học phí cho học sinh các cấp từ mầm non đến THPT như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng…
Đảm bảo quyền lợi của người học
Thời điểm này đã hết học kỳ 1, nhiều địa phương đã áp dụng mức thu học phí mới cho năm học 2022-2023, cao hơn so với năm trước. Đơn cử, như tại Tiền Giang, từ ngày 15/10, học phí năm học 2022-2023 các cấp học tại tỉnh này đều tăng từ 3-5 lần. Cụ thể, học sinh tại Tiền Giang đóng học phí từ 33.000-99.000 đồng/tháng/học sinh trong năm học trước thì năm nay tăng lên mức từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng/tháng / học sinh tùy cấp học. Như vậy, với Nghị quyết 165, tiền chênh lệch học phí học sinh đã đóng trong 2 tháng từ khi áp dụng mức học phí mới sẽ được chuyển sang tháng sau đó, phần chênh lệch này sẽ do ngân sách địa phương chi trả.
Tương tự, nhiều trường ĐH đã áp dụng mức thu học phí mới. Trường Đại học Thương mại đã có thông báo về mức thu học phí năm học 2022-2023 lên khoảng trên dưới 40%, tùy từng ngành. Cụ thể, học phí chương trình đào tạo chuẩn từ 23 - 25 triệu đồng/năm học/theo từng ngành (chuyên ngành) đào tạo trong khi năm học trước là 15,75 triệu đồng đến 17,32 triệu đồng/năm. Học phí các chương trình đào tạo chất lượng cao, chương trình tích hợp từ 31,25 triệu đồng - 33,49 triệu đồng/năm học trong khi năm học trước đó là 30,45 triệu đến 33,49 triệu đồng/năm.
Với quyết định mới này, Trường ĐH Thương mại cho biết đang lấy ý kiến hội đồng trường, sau đó Ban giám hiệu nhà trường sẽ chính thức có thông báo mức học phí năm học 2022 - 2023 và phương án xử lý đối với các trường hợp đã nộp dư.
TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng, với các trường ĐH tự chủ hoàn toàn về tài chính, việc không tăng học phí cũng sẽ kéo theo những khó khăn nhất định vì trước đó, từ khi công bố đề án tuyển sinh năm học 2022-2023, các trường đã thông báo tăng học phí và có kế hoạch sử dụng nguồn tài chính này. Nay giữ ổn định học phí để chia sẻ với người học sau đại dịch Covid-19 thì cần tính toán cẩn trọng để không ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.
Theo TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng, trong bối cảnh dịch Covid-19 dù đã được kiểm soát nhưng hậu quả để lại vẫn nặng nề, đời sống người dân vẫn gặp khó khăn nên việc giữ nguyên học phí là cần thiết nhằm chia sẻ khó khăn với người dân.