Chưa tăng học phí là đúng!

Dung Hòa 16/11/2020 07:30

Lý giải về quyết định rút đề xuất tăng học phí - chỉ sau 1 ngày công bố dự thảo nghị định tăng học phí ở tất cả các cấp học, ông Phạm Ngọc Thưởng - Thứ trưởng Bộ GDĐT cho biết trong quá trình lấy ý kiến cho dự thảo, Bộ GDĐT nhận thấy tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp; đồng thời nước ta vừa trải qua nhiều đợt bão, lũ nghiêm trọng, để lại hậu quả nặng nề, ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập của người dân.

Chất lượng đào tạo không tăng thì không nên tăng học phí. Ảnh: Phạm Quang Vinh.

Giữ nguyên mức học phí hiện hành

Theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng: Trong ngày 13/11, Bộ GDĐT đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đề xuất xem xét gia hạn Nghị định 86/2015 về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ học phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021. Theo đó sẽ giữ nguyên mức học phí hiện hành với tất cả các cấp học.

Dự thảo nghị định mới thay thế Nghị định 86 được đăng trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ để xin ý kiến nhân dân. Trước đó, Bộ GDĐT cũng đã xin ý kiến của 22/22 bộ, ngành và 63 địa phương và các chuyên gia để hoàn thiện dự thảo.

Trong quá trình lắng nghe góp ý về dự thảo nghị định, Bộ cũng thấy tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, đồng thời nước ta vừa trải qua nhiều đợt bão lũ nghiêm trọng, để lại hậu quả nặng nề, ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập của người dân.

Để chia sẻ và giảm gánh nặng về tài chính cho phụ huynh và học sinh, Bộ GDĐT có đề nghị trên để tạm giữ nguyên mức học phí hiện hành với tất cả các cấp. Theo đó, mức học phí ĐH, GDNN của năm 2021 - 2022 vẫn áp dụng theo mức học phí của năm học 2020 - 2021.

Mức học phí mầm non, phổ thông của năm 2021 - 2022 vẫn áp dụng theo khung của năm học 2020 - 2021, giao HĐND các cấp căn cứ vào tình hình địa phương xem xét phê duyệt mức học phí cụ thể trong khung này.

Cùng với đề nghị gia hạn thực hiện Nghị định 86, Bộ cũng đề nghị lùi thời gian trình ban hành nghị định mới sang năm 2021 để có điều kiện tiếp thu ý kiến rộng rãi của toàn xã hội và tiếp tục hoàn thiện dự thảo nghị định.

2 năm nữa mới áp dụng nghị định mới

Như vậy, năm học 2020 - 2021 hiện đang áp dụng mức học phí đã được quy định tại Nghị định số 86. Nếu đề xuất của Bộ GDĐT về việc lùi thời gian trình ban hành Nghị định thay thế được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì hai năm nữa mới áp dụng nghị định mới (từ năm học 2022 - 2023) và lộ trình tăng thêm hàng năm chỉ khoảng 2,5%/năm so với mức tăng hàng năm của Nghị định số 86 đã ban hành.

Dẫu thế, điều đáng nói là học sinh tiểu học công lập lâu nay vẫn được áp dụng chính sách miễn học phí. Luật Giáo dục 2019 cũng duy trì chính sách này và mở rộng việc hỗ trợ học phí cho học sinh tiểu học của các trường ngoài công lập. Vậy vì sao trong dự thảo Nghị định mà Bộ GDĐT chủ trì xây dựng vẫn quy định khung học phí đối với cấp tiểu học.

Trước băn khoăn này, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng lý giải, Luật Giáo dục 2019 tiếp tục duy trì chính sách miễn học phí cho học sinh tiểu học công lập và mở rộng việc hỗ trợ học phí cho học sinh ngoài công lập ở địa bàn không đủ trường công lập.

Nhưng để có cơ sở hỗ trợ tiền đóng học phí cho học sinh ngoài công lập, đồng thời có căn cứ và minh bạch ngân sách cấp bù cho các cơ sở giáo dục tiểu học, dự thảo nghị định mới có quy định khung giá dịch vụ (khung trần học phí đối với các cơ sở giáo dục tiểu học).

Điều này nhằm tiến tới việc Nhà nước cấp ngân sách theo đối tượng thụ hưởng (cấp trực tiếp cho học sinh) để đóng cho nhà trường hoặc Nhà nước cấp ngân sách theo phương thức đặt hàng, giao nhiệm vụ, theo đúng tinh thần Nghị quyết 19 của Đảng.

Nghị định số 86 của Chính phủ quy định học sinh tiểu học không phải đóng học phí. Tuy nhiên, Nghị định này không quy định mức thu học phí đối với giáo dục tiểu học nên không có mức cấp bù ngân sách cho đối tượng học sinh tiểu học không phải đóng học phí.

Hiện nay, các cơ sở giáo dục tiểu học chỉ được Nhà nước cấp kinh phí chi hoạt động thường xuyên để duy trì hoạt động giáo dục của nhà trường. Mức cấp ngân sách này trên thực tế còn hạn chế, do đó các cơ sở giáo dục tiểu học còn gặp khó khăn trong việc nâng cao chất lượng giáo dục.

Để đảm bảo chính sách an sinh xã hội, giảm bớt khó khăn cho đối tượng học sinh nghèo, học sinh dân tộc, học sinh vùng sâu vùng xa… và triển khai quy định của Luật Giáo dục 2019, dự thảo nghị định mới tiếp tục kế thừa các đối tượng được miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập đã quy định tại Nghị định số 86 hiện hành.

Ngoài ra còn bổ sung một số đối tượng mới. Cụ thể, bổ sung lộ trình miễn học phí cho trẻ em mầm non 5 tuổi và học sinh trung học cơ sở được miễn học phí theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019.

Bên cạnh đó, sinh viên sư phạm được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt theo quy định tại Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm.

Ngoài ra, tại Nghị định số 84/2020/NĐ-CP ngày 17/7/2020 Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục còn quy định chính sách học bổng khuyến khích học tập, học bổng chính sách cho học sinh, sinh viên theo lộ trình tăng của học phí và mức lương cơ sở.

Theo Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng, việc ban hành nghị định thay thế Nghị định 86 cũng sẽ lùi thời điểm thực hiện khoảng 2 năm nữa. Dự kiến năm 2022 - 2023 mới áp dụng việc tăng học phí và lộ trình tăng thêm hằng năm chỉ khoảng 2,5% so với mức tăng hằng năm của Nghị định 86 đã ban hành.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chưa tăng học phí là đúng!

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO