Chung tay bảo tồn di sản văn hóa Việt

Phạm Sỹ 10/12/2022 07:00

Công tác bảo tồn di sản văn hóa đang là nhu cầu cấp bách của xã hội trước sự tác động mạnh mẽ của tự nhiên và con người. Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã rất nỗ lực đầu tư cho công tác bảo tồn di tích, hiện vật bảo tàng và di sản văn hóa phi vật thể.

Dự án Bảo tồn phục chế các án thờ hoàng gia tại Đại nội Huế.

20 năm nhìn lại

Những năm qua, các di sản văn hóa được nhận diện giá trị, bảo tồn và phát huy, góp phần không nhỏ vào việc giáo dục lịch sử, vun đắp truyền thống tốt đẹp của dân tộc; đã và đang thể hiện ngày càng rõ hơn vai trò quan trọng trong việc giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện, hình thành nên nguồn nhân lực đóng góp trực tiếp, quyết định vào sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.

Di sản được bảo tồn, du lịch phát triển đã tạo ra sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế của địa phương, cùng với đó, cộng đồng dân cư tại nơi có di sản nhận thức rõ hơn về giá trị của di sản, lòng tự hào về truyền thống, vẻ đẹp của quê hương, đất nước, về ý thức trách nhiệm bảo vệ tài sản này.

Và sự có mặt của Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa của Đại sứ Hoa Kỳ (AFCP) trong 20 năm qua ở Việt Nam đã góp phần tạo điều kiện để nhiều di tích, di sản văn hóa được phục hồi; đã có 16 bảo tàng, di tích, cơ quan văn hóa được thụ hưởng sự hỗ trợ tài chính từ Quỹ AFCP. Theo đó 5 di tích, 2 di sản văn hóa phi vật thể cùng hàng trăm hiện vật, tác phẩm nghệ thuật được bảo tồn và phát huy giá trị, đó là những minh chứng sinh động nhất về tính hiệu quả và thiết thực của Quỹ AFCP.

TS Lê Thị Minh Lý - Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho biết: “Năm 2001 là thời điểm chúng tôi trình Quốc hội xem xét Luật Di sản văn hóa, Luật đã được thông qua. Chính vào thời điểm quan trọng ấy, Quỹ Bảo tồn Di sản văn hóa của Đại sứ quán Hoa Kỳ (AFCP) đã đến Việt Nam và hỗ trợ chúng tôi thực thi ngay Luật Di sản văn hóa với một dự án quan trọng về bảo quản, tu sửa một sưu tập gần 100 cổ vật, bảo vật quý giá ở chùa Dâu - một ngôi chùa Phật giáo nổi tiếng Việt Nam".

Theo TS Lê Thị Minh Lý, quá trình hợp tác là sự hỗ trợ chuyên môn vô cùng hữu ích không chỉ đối với di sản mà cả với những người làm nghề về di sản. 16 dự án là 16 trường hợp nghiên cứu cụ thể, là đa dạng loại hình di sản khác nhau, đa dạng các giải pháp liên ngành về bảo tồn và là 16 bài học kinh nghiệm từ thực tiễn. Quỹ AFCP đã đem đến cho Việt Nam những cơ hội tuyệt vời để di sản được “cứu nguy”, để chữa lành những vết thương do thời gian và những rủi ro gây ra như khí hậu, thời tiết.

Ra đời năm 1966, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã nghiên cứu, sưu tầm được gần 2 vạn tác phẩm, hiện vật, tài liệu của lịch sử mỹ thuật Việt Nam, trong đó có 9 bảo vật quốc gia và rất nhiều tác phẩm có giá trị. Được sự hỗ trợ tài chính của Quỹ AFCP từ năm 2005, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã bảo quản, tu sửa thành công hai tác phẩm sơn mài bị hư hại nghiêm trọng, đó là tác phẩm “Hội chùa” của họa sĩ Lê Quốc Lộc và Nguyễn Văn Quế, sáng tác năm 1939, và tác phẩm “Nam Bắc một nhà” của họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ, sáng tác năm 1961.

TS Nguyễn Anh Minh - Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam bày tỏ hy vọng quỹ bảo AFCP tiếp tục phát huy hiệu quả, ngày càng thiết thực và càng có nhiều hơn nữa các đơn vị được thụ hưởng sự hỗ trợ của quỹ trong việc bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam.

Phố cổ Hội An được bảo tồn.

Kế thừa và phát huy

Hiện nay, công tác bảo tồn di sản văn hóa đang là nhu cầu cấp bách của xã hội trước sự tác động mạnh mẽ của tự nhiên và con người. Trong những năm vừa qua, Đảng, Nhà nước đã rất nỗ lực đầu tư cho công tác bảo tồn di tích, hiện vật bảo tàng và di sản văn hóa phi vật thể. Tuy nhiên, những hạn chế về nguồn nhân lực, kinh phí... khiến hoạt động của công tác bảo tồn di sản văn hóa còn những khoảng trống trong hệ thống bảo tàng, di tích ở Việt Nam.

Mới đây, ông DC Martin Perschler - Giám đốc chương trình Quỹ Bảo tồn Văn hóa của Đại sứ Hoa Kỳ thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tại Washington mong muốn được hợp tác cùng Việt Nam trong tương lai ở lĩnh vực bảo tồn văn hóa thông qua Quỹ AFCP cũng như các chương trình và hoạt động của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.

“Năm nay, Chính phủ Việt Nam vừa đánh giá 20 năm thực thi Luật Di sản văn hóa và bắt đầu qui trình nghiên cứu chỉnh sửa, cập nhật bộ luật này. Một loại hình di sản đang được xem xét để bổ sung vào nội dung của Luật Di sản văn hóa đó là di sản tư liệu. Chúng tôi tin tưởng rằng dự án “Bảo tồn các mộc bản triều Nguyễn thế kỷ thứ XIX” mà quỹ AFCP vừa hỗ trợ cho Trung tâm Lưu trữ quốc gia 4 tại Đà Lạt năm 2020 sẽ là ví dụ rất tốt để xem xét và luật hóa loại hình di sản tư liệu này trong thời gian tới. Có thể nói Quỹ Bảo tồn Di sản văn hóa của Đại sứ Hoa Kỳ luôn thấu hiểu và gắn bó chặt chẽ với các hoạt động bảo vệ di sản văn hóa của Việt Nam” - TS Lê Thị Minh Lý nói.

Quỹ Bảo tồn Văn hóa của Đại sứ Hoa Kỳ (AFCP) hỗ trợ các dự án bảo tồn trên nhiều loại hình di sản văn hóa tại các quốc gia đang phát triển, bao gồm kiến trúc lịch sử, địa điểm khảo cổ, hiện vật dân tộc học, tranh vẽ, bản thảo, ngôn ngữ bản địa và các hình thức biểu đạt văn hóa truyền thống khác. Hỗ trợ của Quỹ đóng góp vào các nỗ lực phục hồi sau thảm họa và sau xung đột tại một số cộng đồng chịu thiệt hại nặng nề nhất trên thế giới...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chung tay bảo tồn di sản văn hóa Việt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO