Áp dụng công nghệ là nhiệm vụ quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy kho tàng đồ sộ các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Tuy nhiên, việc chuyển đổi số các di sản văn hóa bên cạnh những cơ hội là những thách thức.
Khối lượng công việc đồ sộ
Theo Chương trình số hóa Di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2030 đã được phê duyệt, thì mục tiêu cụ thể là 100% các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và di sản tư liệu được UNESCO ghi danh; 100% các di tích quốc gia đặc biệt được số hóa và ứng dụng trên các nền tảng số; 100% các bảo vật quốc gia, các di sản trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được số hóa và ứng dụng trên các nền tảng số; ưu tiên số hóa theo nhu cầu sử dụng của xã hội các di tích quốc gia và các hiện vật, nhóm hiện vật tại các bảo tàng, ban quản lý di tích...
Đây là khối lượng công việc đồ sộ bởi hiện nay cả nước có hơn 4.000 di tích được xếp hạng Quốc gia và 9.000 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Cùng với đó là gần 300 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, bao gồm các lễ hội truyền thống, di sản nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội và tín ngưỡng, nghề thủ công truyền thống, tri thức dân gian, tiếng nói, chữ viết và ngữ văn dân gian.
Mặc dù đang khởi động nhưng việc áp dụng công nghệ cũng đã thu được một số kết quả. Có thể kể đến việc Viện Bảo tồn di tích đã thực hiện việc số hóa di tích, trong đó tập trung vào việc số hóa các dữ liệu liên quan tới di tích và công tác bảo tồn di tích, số hóa 2D và 3D đối với một số di tích tiêu biểu. Hệ thống cơ sở dữ liệu này đã được công bố trên website Ngân hàng dữ liệu số về di tích và công tác bảo tồn di tích, với dữ liệu của 4000 di tích, thu hút đông đảo số lượng người tham gia truy cập.
Hoặc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế triển khai app hướng dẫn tham quan “Di tích Huế”, ứng dụng công nghệ trải nghiệm thực tế ảo VR3D, quét mã QR Code để xem thông tin hiện vật, xem hiện vật bằng tương tác - Model 3D và xoay 360 độ; phục dựng Hoàng Thành bằng công nghệ số, Scan số hóa 3D lăng vua Tự Đức công bố trên nền tảng Google Arts & Cultural/Open Heritage...
Cầu nối đưa di tích đến với cộng đồng
Ứng dụng công nghệ với các di sản văn hóa là hết sức cần thiết, là cầu nối đưa các di tích đến gần hơn với cộng đồng, đóng góp tích cực vào quá trình bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, đưa di sản văn hóa trở thành sản phẩm của du lịch, phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, để việc chuyển đổi số đảm bảo cả “chất” và “lượng” vẫn còn nhiều gian nan. Bởi hiện nay, việc chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa, di sản mới chỉ dừng ở mức tiếp cận ban đầu như số hóa các dữ liệu, tư liệu hiện vật dưới dạng thông tin, bản chụp hình ảnh, một số công trình di tích, cổ vật, bảo vật đã được số hóa, quét hình ảnh 3D nhưng rất ít, mới chỉ mang tính thử nghiệm; chưa có mô hình chuyển đổi số toàn diện trong lĩnh vực văn hóa di sản…
Trực tiếp nhiều năm tham gia công tác chuyển đổ số, bà Huỳnh Phương Lan - Phòng Tư liệu, Thông tin và Đào tạo (Viện Bảo tồn di tích) cho biết, thách thức lớn nhất là vấn đề kinh phí thực hiện các nội dung số hóa, chuyển đổi số. Hiện nay quá trình thực hiện số hóa di tích, di sản vẫn chưa được triển khai một cách toàn diện đối với các đơn vị trong ngành, đặc biệt là các đơn vị trong khối di sản văn hóa của mỗi địa phương. Từ việc khảo sát, tập hợp, xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ số hóa, đến việc xây dựng kho dữ liệu số dùng chung cần được thực hiện bài bản, theo quy chuẩn phù hợp, các đơn vị đã số hóa dữ liệu, có cơ sở dữ liệu riêng cần sớm thực hiện tích hợp, chia sẻ dữ liệu với các bên liên quan.
Còn theo Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Lê Thị Thu Hiền, việc xây dựng kho dữ liệu số về di sản chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục và bền vững, chưa tính đến việc liên kết dữ liệu để cùng khai thác đáp ứng nhu cầu phát triển; phần mềm dùng chung còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế; cơ sở dữ liệu được xây dựng và vận hành độc lập với ứng dụng công nghệ khác nhau, được quản lý và khai thác riêng, chưa có sự liên kết và phân cấp quản lý, khai thác.
“Nguyên nhân của vấn đề trên là do nguồn nhân lực còn mỏng chưa đáp ứng yêu cầu. Nguồn lực đầu tư quá ít, không đảm bảo sự đồng bộ. Mặt khác, trách nhiệm và sự tham gia của các tổ chức, cá nhân liên quan chưa chặt chẽ, thiếu quy chế liên kết triển khai hiệu quả” - bà Hiền nói.
Ngành di sản thời gian tới sẽ tập trung thực hiện số hóa và triển khai ứng dụng trên các nền tảng số đối với các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và di sản tư liệu được ghi danh và các di tích đã được xếp hạng. Đặc biệt ưu tiên số hóa các di sản UNESCO, các di tích quốc gia đặc biệt…