Chung tay tái tạo nguồn lợi thủy sản

Nhóm PV 05/06/2023 07:30

Ngày 4/6, hơn 12.000 con giống các loại đã được thả tại 3 địa điểm của vịnh Nha Trang. Những người tham gia hoạt động này cũng đã trồng gần 2ha đước nhằm phục hồi rừng ngập mặn từng hiện hữu ở đây.

Thả cá giống tạo nguồn lợi thủy sản tại Khu Bảo tồn biển Hòn Mun (Nha Trang), ngày 4/6.

Sự kiện do Ban Quản lý vịnh Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) phối hợp với Câu lạc bộ vịnh đẹp Nha Trang tổ chức. Theo đó, có 12.000 con giống, gồm 7.000 con cá bè vàng, 2.000 con cá chim và 3.000 con hải sâm cát đã được thả tại 3 địa điểm, gồm Khu Bảo tồn biển Hòn Mun, Bến Du thuyền quốc tế Ana Marina Nha Trang và vùng mặt nước Vạn San đảo, tại Vega City Nha Trang.

Những người tham gia lễ hội cũng đã trồng 1,4ha đước tại khu vực Đầm Bấy (phường Vĩnh Nguyên) và 0,6ha đước ở ven sông Tắc (xã Phước Đồng), TP Nha Trang, nhằm phục hồi lại rừng ngập mặn từng hiện hữu ở đây.

Vịnh Nha Trang có khí hậu ôn hòa và quy tụ hầu hết các hệ sinh thái điển hình, quý hiếm của vùng biển nhiệt đới như hệ sinh thái rạn san hô, rừng ngập mặn, thảm có biển, hệ sinh thái bãi cát ven bờ. Tuy nhiên, những năm qua, do tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, đô thị hóa diễn ra nhanh cùng việc khai thác, đánh bắt thủy sản tùy tiện, ô nhiễm môi trường… đã làm đa dạng sinh học biển trong vùng vịnh Nha Trang bị suy giảm.

Vịnh Nha Trang là một trong 16 khu bảo tồn biển quốc gia, là khu bảo tồn biển đầu tiên của Việt Nam, một trong những nơi có hệ sinh thái rạn san hô đa dạng sinh học cao thuộc hàng đầu của Việt Nam và thế giới. Thế nhưng, những năm qua, hệ sinh thái rạn san hô vịnh Nha Trang đã bị suy giảm. Kết quả nghiên cứu năm 1994 cho thấy độ phủ trung bình san hô vịnh Nha Trang khoảng 30%, nhưng tới tháng 10/2022 chỉ còn 22,8%. Nhiều khu vực tại Hòn Mun và một số địa điểm khác trong vịnh Nha Trang, tình trạng san hô chết, gãy bị sóng đánh lên bờ thành từng lớp dày; quan sát từ tàu đáy kính, có thể thấy ở vùng lõi Hòn Mun, nhiều rạn san hô bị gãy, chết ngổn ngang dưới đáy biển.

Vì thế, việc khôi phục hệ sinh thái biển Nha Trang được tỉnh Khánh Hòa đặt ra cấp thiết, việc thả cá và trồng đước vào ngày 4/6 cũng nằm trong nỗ lực ấy.

Điều đáng mừng là không chỉ có Nha Trang (Khánh Hòa) mà nhiều địa phương có biển, có nhiều sông trên cả nước thời gian qua cũng có những hoạt động bảo vệ nguồn tài nguyên và môi trường thủy sản. Trong đó, đạt nhiều kết quả phải kể đến Nam Định, khi lãnh đạo tỉnh xác định việc thả con giống là để tái tạo nguồn lợi thủy sản giúp cân bằng hệ sinh thái tự nhiên. Các hoạt động tuyên truyền được đẩy mạnh để cộng đồng cùng chung tay bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản.

Mới đây, tại Vườn Quốc gia Xuân Thủy (huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định), Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nam Định đã phát động Tháng hành động bảo vệ nguồn lợi thủy sản năm 2023 và thả 1 triệu con cá giống xuống sông Hồng nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Theo ông Trần Anh Dũng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định, những năm gần đây tình trạng khai thác quá mức khiến nguồn lợi thủy sản ngoài tự nhiên suy giảm nghiêm trọng, nhiều loài đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Việc thả con giống cũng là để tạo nguồn lợi thủy sản bền vững.

Tỉnh Nam Định có nhiều tiềm năng để phát triển ngành thủy sản với diện tích nuôi trồng thủy sản trên 17.000ha, có 72km bờ biển với hệ sinh thái bãi bồi ven biển đa dạng, phong phú. Tăng trưởng hằng năm của ngành thủy sản luôn đạt trên 4,5%. Riêng năm 2022, tổng sản lượng thủy sản đạt trên 187.300 tấn, giá trị sản xuất ngành thủy sản đạt 11.120 tỷ đồng, chiếm 31,5% cơ cấu ngành nông nghiệp, tăng 6,9% so với năm 2021, tạo việc làm và tăng thu nhập cho nhiều người dân trên địa bàn.

Hoạt động khai thác, đánh bắt quá mức đã làm phá vỡ cân bằng tự nhiên, đặc biệt việc sử dụng xung điện, kích điện, chất nổ để khai thác thủy sản... là hành vi vi phạm pháp luật, hủy diệt nguồn lợi thủy sản, phá hủy môi trường sống đối với các loài thủy sản khiến một số đối tượng giống, loài quý hiếm, có giá trị kinh tế cao có nguy cơ tiệt chủng. Theo ông Trần Đình Luân - Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, các địa phương cần truyền thông mạnh mẽ để nâng cao nhận thức của cộng đồng và vận động các tầng lớp nhân dân có những hành động thiết thực trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản và giữ gìn vệ sinh môi trường, tài nguyên thiên nhiên. Bên cạnh đó xử lý nghiêm những trường hợp sử dụng kích điện, thuốc nổ, hóa chất và ngư lưới cụ thuộc danh mục cấm để khai thác thủy sản.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chung tay tái tạo nguồn lợi thủy sản

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO