Nghệ An: Hàng nghìn hộ dân sử dụng nước nhiễm asen

Điền Bắc 12/09/2019 07:02

Quá trình quan trắc môi trường, cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An ghi nhận, nguồn nước đầu vào của nhà máy nước Quỳ Hợp bị nhiễm asen (một á kim gây ngộ độc) và crom vượt ngưỡng nhiều lần. Nguyên nhân dẫn tới thực trạng trên là do việc khai thác quặng thiếc vô tội vạ.

Nghệ An: Hàng nghìn hộ dân sử dụng nước nhiễm asen

Trạm cấp nước Quỳ Hợp, nơi có nguồn nước đầu vào bị nhiễm kim loại nặng như asen, crom.

Nguồn nước thô nhiễm asen

Trong thời gian qua, do xảy ra mưa lớn liên tục đã tác động xấu đối với nguồn nước thô mà trạm cấp nước thuộc nhà máy nước Quỳ Hợp. Sở TN&MT Nghệ An kết luận: Nguồn nước thô đầu vào của Trạm cấp nước Quỳ Hợp có thông số TSS (tổng rắn lơ lửng), asen và crom vượt tiêu chuẩn cho phép. Đặc biệt có một thông số kim loại nặng là asen vượt 1,3 lần so với quy chuẩn QCVN08MT:2015/BTNMTG cột A2...

Trước đó, từ ngày 24 - 27/10/2017, Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) tỉnh Nghệ An cũng đã lấy mẫu nước thô từ đầu nguồn; mẫu nước máy của trạm cấp nước Quỳ Hợp ở nhiều điểm khác nhau như: Tập thể Đài TT-TH Quỳ Hợp; nhà người dân ở khối 11, TTYT Quỳ Hợp và bể chứa trạm cấp nước Quỳ Hợp. Tất cả 4 mẫu nước được tiến hành xét nghiệm, đánh giá chất lượng theo QCVN01/2009/BYT gồm 15 tiêu chí nhóm A. Đến ngày 9/11/2017, TTYTDP Nghệ An đã có thông báo số 284/YTDP – SKHMT7SKTH về kết quả kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm tại trạm cấp nước Qùy Hợp. Theo đó, 3/4 mẫu nước không đạt, đều có chỉ số dư clo; riêng 1 mẫu nước không đạt, có vi khuẩn phổ biến trong đất, nước mặt vượt QCVN01/2009/BYT.

Sau khi có kết luận nói trên, người dân thị trấn Quỳ Hợp lo lắng, họ bắt đầu tìm nhiều cách để “tự xử lý” nước cho sinh hoạt như sử dụng nước mưa, tìm nguồn nước ngầm hay mua máy RO để lọc.

Hiện nay, trên địa bàn thị trấn Quỳ Hợp có khoảng hơn 2.400 hộ dân sử dụng nước sinh hoạt từ trạm cấp nước nói trên. Trong khi đó, nguồn nước thô đầu vào của trạm được lấy từ thượng nguồn suối Nậm Huống. Phía thượng nguồn sông Nậm Huống có 3 mỏ quặng thiếc đang khai thác, trong đó có mỏ đã khai thác suốt 15 năm qua. Quá trình khai thác, chế biến làm giàu quặng thiếc đã phát sinh các kim loại nặng như asen, crom… Những kim loại nặng là nhân tố ảnh hưởng trực tiếp và nghiêm trọng đến sức khỏe người dân.

Cần 10 tỷ đồng để mở nguồn nước mới

Phải khẳng định rằng, hơn 10 năm qua, việc khai thác quặng thiếc diễn ra tại huyện Quỳ Hợp để lại nhiều hệ lụy về môi trường. Không chỉ mất đất, người dân nơi đây còn phải sử dụng nguồn nước, đất canh tác bị ô nhiễm nặng nề. Các mỏ thiếc nằm trên thượng nguồn suối Nậm Huống, cách thị trấn Quỳ Hợp khoảng 10 km, khi hoạt động hết công suất, nước thải chảy xuống đỏ quạch, đặc quánh. Nguồn nước ô nhiễm gần như không thể sử dụng được, ngay cả việc tưới ruộng.

Bên dòng Nậm Huống, người dân xã Châu Quang cũng là nạn nhân của hoạt động khai thác quặng thiếc. Hai con suối Nậm Tôn và Nậm Huống chảy qua địa bàn, cung cấp nước cho 20 bản của xã từ khi hoạt động khai khoáng bắt đầu rầm rộ đều biến thành suối “chết”. Chính quyền địa phương từng ghi nhận hiện tượng trâu bò chết sau khi uống nước suối Nậm Tôn. Ông Võ Xuân Thanh, một người dân xã Châu Quang cho biết: Trước đây, hai con suối này rất nhiều tôm cá, nhưng nay rất ít, thậm chí có thời điểm đã “sạch bóng” cá tôm. Năm 2018, do mưa lớn tại bản Nhọi, xã Châu Cường, nước từ trên nguồn tràn về, kéo theo bùn của các mỏ khai thác thiếc, phủ lên các cánh đồng một lớp khá dày, nó tràn vào ruộng lúa, ngô, hoa màu.

Ông Nguyễn Cảnh Duy – Cán bộ môi trường, xã Châu Cường cho biết: 75/210 ha đất trồng lúa và ngô dọc theo suối Nậm Huống của xã có dấu hiệu hoang hóa, những diện tích bị ngập sâu, bùn lũ phủ nhiều thì lúa và hoa màu không sống được. Năng suất lúa năm ngoái đã giảm 50% so với trước khi các mỏ khai thác chưa hoạt động. Được biết, UBND huyện Quỳ Hợp kiến nghị thay nguồn nước đầu vào từ suối Nậm Huống sang lấy nguồn nước tại vị trí hạ nguồn dòng suối Nậm Choọng. Vị trí này đã được UBND huyện, Sở TNMT và các sở, ngành liên quan xác định. Tuy nhiên, từ đó đến nay kiến nghị của địa phương vẫn chưa được thực hiện.

Ông Nguyễn Minh Khôi - Phó Trưởng phòng TNMT huyện Quỳ Hợp bày tỏ: “Chúng tôi cần khoảng hơn 10 tỷ đồng để đầu tư hạ tầng thay nguồn nước đầu vào, cách nhà máy khoảng 2km. Nhưng huyện không có đủ kinh phí thực hiện mà phải chờ tỉnh hỗ trợ”.

Lợi nhuận từ khai thác, chế biến khoáng sản đương nhiên doanh nghiệp hưởng, nhưng hàng loạt những hệ lụy, nhất là về vấn đề môi trường thì người dân địa phương lại phải gánh chịu?

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nghệ An: Hàng nghìn hộ dân sử dụng nước nhiễm asen

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO