Chương trình đào tạo tài năng: Để không 'đứt gánh' giữa chừng

Thu Hương 23/06/2022 06:59

Cũng giống như nhiều bậc học khác, sinh viên hiện có thể lựa chọn không chỉ ngành học, trường học mà còn cả chương trình học truyền thống, chất lượng cao, tiên tiến, đào tạo tài năng, liên kết đào tạo với các đối tác nước ngoài...Tuy nhiên, để đi đường dài với các chương trình tài năng thì còn nhiều việc cần phải làm, để không “đứt gánh” giữa chừng.

Sinh viên Học viện Nông nghiệp. Ảnh: Quang Vinh

Cơ hội rộng mở cho sinh viên

Trường ĐH Bách khoa Hà Nội thông báo nhà trường tuyển sinh các ngành đào tạo tài năng bao gồm: Khoa học Máy tính Hệ thống Cơ điện tử thông minh và Rô bốt, Hệ thống Điện tử thông minh và IoT, Điều khiển và Tự động hóa thông minh, Toán tin, Công nghệ hóa dược, Công nghệ Nano và Quang điện tử. Cấu trúc và khung chương trình đào tạo của Đào tạo tài năng không khác nhiều so với chương trình đào tạo của ĐH hệ chính quy thông thường. Sự khác biệt là việc tổ chức đào tạo theo hướng phát huy tối đa khả năng sáng tạo của người học, yêu cầu cao hơn về trình độ ngoại ngữ (TOEIC 600 và tương đương), chú trọng phát triển các kỹ năng mềm cần thiết đối với các chuyên gia trình độ cao và người quản lý giỏi trong tương lai.

Sinh viên của chương trình đào tạo tài năng là những người có năng lực tư duy tốt và đầy đam mê nhiệt huyết đối với khoa học, được tuyển chọn trong số các thí sinh trúng tuyển bằng một bài kiểm tra nội bộ gồm các kiến thức Toán và Vật lý thuộc chương trình lớp 12 THPT ngay sau khi thí sinh làm thủ tục nhập học. Mức học phí của chương trình này chỉ bằng mức học phí ĐH hệ chính quy đại trà đối với nhóm ngành công nghệ thông tin/cơ điện tử và điện tử - viễn thông.

Trường ĐH Kinh tế TPHCM thông tin, năm 2022, bên cạnh chương trình đào tạo chuẩn, nhà trường còn tuyển sinh chương trình Chất lượng cao tiếng Việt (20% khối lượng kiến thức ngành/chuyên ngành học bằng tiếng Anh) và Chương trình Chất lượng cao tiếng Anh (100% học hoàn toàn bằng tiếng Anh). Điều kiện đầu vào đối với các chương trình này đó là trúng tuyển vào trường và đạt điều kiện tiếng Anh đầu vào. Bên cạnh ưu thế về sĩ số lớp học vắng hơn, cơ sở vật chất khang trang, hiện đại, giảng viên tuyển chọn, sinh viên chương trình chất lượng cao sẽ thường xuyên được tham quan thực tế, chia sẻ kiến thức, trải nghiệm học kỳ doanh nghiệp…

Trường ĐH Công nghệ thông tin, ĐH Quốc Gia TPHCM thiết kế chương trình tài năng là một trong những giải pháp chiến lược với mục tiêu đào tạo những sinh viên xuất sắc nhất, cung cấp nguồn nhân lực nghiên cứu, giảng viên và chuyên gia giỏi của các ngành công nghệ mũi nhọn. Có 2 ngành đào tạo là cử nhân tài năng - ngành Khoa học Máy tính (thời gian đào tạo: 3,5 năm) và kỹ sư tài năng - ngành An toàn Thông tin (thời gian đào tạo 4 năm). Chương trình đào tạo được xây dựng dựa trên chương trình kỹ sư đại trà, bổ sung kiến thức khoa học nền tảng và chuyên ngành nâng cao theo định hướng nghiên cứu. Chương trình được thiết kế với yêu cầu về nội dung rộng và sâu hơn, đề cao tư duy sáng tạo, khả năng tự học, tăng cường kỹ năng thực hành, kiến thức thực tế nên nếu không nỗ lực thì không thể hoàn thành chương trình.

Năm 2022, Trường ĐH Cần Thơ tuyển sinh chương trình chất lượng cao với ngành Kỹ thuật phần mềm, Quản trị kinh doanh, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành. Theo đại diện nhà trường, việc có thêm một số chương trình đào tạo chất lượng cao nhằm phục tiến trình hội nhập quốc tế hiện nay. Thực tế, khoảng 15 năm trước, trường đã triển khai thực hiện chương trình tiên tiến ở 2 ngành Công nghệ sinh học và Nuôi trồng thủy sản và sau này tiếp tục triển khai chương trình chất lượng cao. Đây là các chương trình đào tạo được thực hiện trên cơ sở vận dụng linh hoạt chương trình đào tạo các nước tiên tiến tại trường.

Trường ĐH Gia Định mở thêm chương trình đào tạo tài năng với 5 ngành học: Công nghệ thông tin, Quản trị kinh doanh, Kinh doanh quốc tế, Marketing và Ngôn ngữ Anh. Đây là những ngành đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng, được đào tạo có lộ trình, giỏi tay nghề, giỏi ngoại ngữ…. Trường dự kiến tập trung đầu tư chất lượng về chương trình học, cơ sở vật chất, tạo cơ hội cho sinh viên giao lưu với các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Sinh viên được học tăng cường tiếng Anh, học với các doanh nhân, các chuyên gia đầu ngành. Sinh viên được thực tập, trải nghiệm công việc thực tế từ năm nhất. “Đây là chương trình mà Trường ĐH Gia Định muốn ươm mầm những tài năng và giúp sinh viên xây dựng lộ trình phát triển sự nghiệp của riêng mình khi còn ở giảng đường ĐH” - lãnh đạo nhà trường khẳng định.

Sinh viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội thực tập tại doanh nghiệp.

Chất lượng đào tạo phải xứng tầm

Nhìn nhận về các chương trình đào tạo tài năng trong các trường ĐH hiện nay, PGS. TS Phạm Tất Dong - nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, khi mức độ cạnh tranh giữa các trường ĐH cùng ngành ngày càng tăng cao, các chương trình tài năng được đầu tư có trọng điểm sẽ giúp nhà trường tạo dựng thương hiệu, tăng tính hấp dẫn và khẳng định uy tín, thương hiệu của trường trong lĩnh vực đào tạo đó. Điều này có thể ví như mô hình “lớp chọn” trong trường phổ thông đã tồn tại nhiều năm qua. Với lợi thế lớp ít sinh viên và đã được sàng lọc một lần nữa về học lực, năng lực tiếng Anh, việc đầu tư cho các lớp này sẽ dễ dàng hơn so với lớp đại trà. Tuy nhiên, để các sinh viên tốt nghiệp Chương trình cử nhân tài năng tài năng sẽ là những “sản phẩm chất lượng cao” cung cấp cho xã hội như kỳ vọng ban đầu của các nhà trường đòi hỏi một chính sách đường dài từ phía nhà trường cũng như sự nỗ lực của mỗi sinh viên.

“Vào ĐH ở Việt Nam những năm gần đây đã đỡ căng thẳng hơn trước, kể cả các trường top đầu do các thí sinh có nhiều lựa chọn về phương thức xét tuyển ngoài điểm thi tốt nghiệp THPT. Đơn cử như những thí sinh sở hữu chứng chỉ ngoại ngữ đạt chuẩn kết hợp với học bạ đẹp là cơ hội vào ĐH rộng mở. Vấn đề là khi vào ĐH, sinh viên có tâm trạng xả hơi hoặc bận rộn với việc làm thêm,... không chú trọng việc học còn nhà trường không sát sao với sinh viên dẫn đến kết quả học tập, kiến thức, kỹ năng không đạt như kỳ vọng dù vẫn đủ điểm tốt nghiệp, ra trường. Thực tế rất nhiều học sinh giỏi phổ thông khi lên ĐH đã không phát huy được năng lực, thậm chí bị đuổi học giữa chừng nên bên cạnh việc rèn kiến thức, cần chú ý trau dồi kỹ năng, thái độ cho sinh viên” - ông Dong nhấn mạnh.

Về phía nhà trường, TS Lê Trường Tùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam cho rằng, khi thiết kế các chương trình tài năng, bản thân mỗi nhà trường cần chỉ ra được sự khác biệt so với các chương trình đại trà không chỉ ở việc sĩ số lớp, giảng viên tuyển chọn, cơ sở vật chất… mà quan trọng nhất là chương trình đào tạo phải thực sự ưu tú, khác biệt. Bởi định hướng đầu ra của các chương trình này là những “sản phẩm chất lượng cao”.

“Điều kiện đầu vào của các chương trình đào tạo tài năng luôn đề cao yếu tố ngoại ngữ nhưng ngoại ngữ chỉ là phương tiện học tập còn kiến thức chuyên ngành, việc thực tập, thực hành, gắn kết với các doanh nghiệp mới là yếu tố cần được nhà trường quan tâm, đầu tư để tạo nên những sản phẩm xứng tầm, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và uy tín của nhà trường” - ông Tùng khẳng định.

TS Lê Viết Khuyến - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo:

Cần công khai mức học phí chương trình đào tạo tài năng

Cùng tên gọi chương trình đào tạo tài năng, chất lượng cao… nhưng mô hình ở mỗi trường mỗi khác, người học cần tìm hiểu thật kỹ trước khi lựa chọn đăng ký xét tuyển. Ngoài điều kiện về năng lực ngoại ngữ luôn được các trường nhấn mạnh trong thông báo tuyển sinh thì một yếu tố quan trọng khác đó là mức học phí của chương trình này ra sao so với chương trình đại trà thì nhiều trường lại bỏ qua.

Theo khảo sát của tôi, có nhiều chương trình tài năng có mức học phí không khác biệt với chương trình đào tạo đại trà trong khi một số trường khác mức học phí lại cao gấp đôi nên cần xem xét điều kiện tài chính của gia đình khi đăng ký, nhất là trong bối cảnh học phí ĐH của nhiều trường có lộ trình tăng cao như hiện nay.

Thứ hai, một số trường khi tuyển đầu vào, điểm chuẩn của hệ chất lượng cao thấp hơn hệ đại trà. Mặc dù đỗ ĐH đúng chuyên ngành mình yêu thích là điều ai cũng mong muốn nhưng cũng cần cân nhắc đến 2 yếu tố học phí và năng lực tiếng Anh có đáp ứng được việc học tập hay không để đăng ký xét tuyển. Phải xác định chương trình hệ tài năng, chất lượng cao sẽ nặng hơn, đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn so với chương trình đại trà nên nếu không thực sự sẵn sàng, hãy cân nhắc về ứng tuyển.

PGS. TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo:

Phải thực sự là ươm mầm tài năng

Mục tiêu của các chương trình tài năng, chất lượng cao đó là tập trung vào việc tuyển chọn và tạo điều kiện phát triển cho các sinh viên ưu tú thông qua đó đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường lao động. Nhưng để thực sự là ươm mầm tài năng, các nhà trường cần có lộ trình đào tạo tương xứng với từng giai đoạn của học viên, sinh viên. Trong đó, phải có tính cạnh tranh giữa sinh viên các hệ đào tạo.

Tuy nhiên, việc này không dễ với nhiều trường do mức học phí giữa các hệ đào tạo trong một trường là khác nhau, sinh viên muốn chuyển từ hệ đại trà lên chương trình chất lượng cao không được do mức học phí cao hơn và ngược lại, sinh viên không đáp ứng yêu cầu chương trình chất lượng cao, muốn chuyển về chương trình đại trà cũng không được. Vì vậy, theo tôi, cần có sự linh hoạt giữa các chương trình này cũng như các trường cần tăng cường thêm học bổng, cơ chế khuyến khích, hỗ trợ sinh viên giỏi tham gia hệ đào tạo tài năng.

Lâm An (ghi)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chương trình đào tạo tài năng: Để không 'đứt gánh' giữa chừng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO