Chuyển đổi số để minh bạch dòng tiền

T.Hằng – M.Sang 06/10/2022 06:30

Chuyển đổi số ngành ngân hàng có tác động tích cực tới tất cả các ngành kinh tế, trong mọi lĩnh vực đời sống. Theo các chuyên gia kinh tế, chuyển đổi số ngân hàng càng được thực hiện tốt thì việc minh bạch dòng tiền, truy xuất nguồn gốc dòng tiền càng đơn giản.

Việc chuyển đổi số trong ngành ngân hàng được kỳ vọng sẽ góp phần minh bạch hóa thị trường, kiểm soát dòng tiền đi vào nền kinh tế hiệu quả. Ảnh: Quang Vinh.

Biết rõ dòng tiền đang chảy vào đâu

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng cho hay: Nhiều ngân hàng hiện có giao dịch trên kênh số đạt 90%, giúp tiết giảm chi phí rất lớn. Chuyển đổi số ngành ngân hàng (NH) có tác động tích cực tới tất cả các lĩnh vực kinh tế, đời sống. Nhưng yếu tố quan trọng để làm chuyển đổi số, đó là cần sự hỗ trợ của tất cả các ngành và các lĩnh vực như an ninh bảo mật, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư….

Dữ liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, 95% NH đã xây dựng chiến lược chuyển đổi số và các NH Việt Nam đã tích cực, chủ động trong việc nắm vững công nghệ 4.0. Ngành ngân hàng bước đầu đã đầu tư 15.000 tỷ đồng cho hoạt động này và đã thu được những thành quả rất tích cực, giúp tỷ lệ tăng trưởng NH số đạt 40% chỉ trong thời gian ngắn.

Ngoài ra, chuyển đổi số NH đã giúp 95% các nghiệp vụ về thanh toán cũng như tiền gửi về cơ bản được thực hiện qua công nghệ số và có những khách hàng cá nhân gần như giao dịch 100% qua công nghệ số.

Số liệu từ NHNN cũng cho thấy, hệ sinh thái số, thanh toán số đã được thiết lập với việc kết nối dịch vụ NH số với nhiều dịch vụ số khác trong nền kinh tế mang lại các trải nghiệm liền mạch và lợi ích to lớn cho người sử dụng dịch vụ trên không gian số.

Đồng thời, nhiều nghiệp vụ NH như mở tài khoản thanh toán, thanh toán chuyển tiền, gửi tiền tiết kiệm đã được số hóa toàn diện 100%, cho phép khách hàng thực hiện hoàn toàn trên kênh số. Nhiều NH Việt Nam chuyển đổi số ở tốp đầu đã ghi nhận tỷ lệ hơn 90% giao dịch của khách hàng được thực hiện qua kênh số với tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) ở mức tối ưu, chỉ từ 30-40%, phản ánh hiệu quả từ chuyển đổi số, phát triển dịch vụ ngân hàng số. Trong 8 tháng đầu năm 2022, thanh toán trên thiết bị di động tăng 107% về số lượng và 92% về giá trị.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để thúc đẩy nhanh tiến trình số hóa ngành ngân hàng. Ảnh:Quang Vinh.

Đáng chú ý nhờ chuyển đổi số và phát triển dịch vụ số nên lượng thanh toán không tiền mặt bùng nổ. Ngày càng nhiều người tiêu dùng không sử dụng tiền mặt gia tăng. Cứ 3 người thì 2 người nỗ lực thanh toán không dùng tiền mặt, đồng thời 50% thành công trong việc sử dụng không dùng tiền mặt.

Ông Nguyễn Minh Tâm - Phó Tổng giám đốc Sacombank cho hay, hiện nay, tỷ lệ giao dịch qua online ở nhiều ngân hàng lên tới 90%. “Việc thanh toán hiện nay rất phổ biến và thích ứng thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng phổ cập” - ông Tâm nói.

Ông Nguyễn Phúc Dương - Phó Giám đốc Khối Công nghệ thông tin và ngân hàng điện tử HDBank kiêm Phó Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số cho biết, HDBank đã chú trọng nền tảng thanh toán trực tuyến để dịch chuyển dần các giao dịch tại quầy truyền thống sang giao dịch số. Đặc biệt, ngân hàng còn triển khai các kênh hỗ trợ cho khách hàng doanh nghiệp có thể mở tài khoản trực tuyến, giải ngân trực tuyến, phát hành các hợp đồng L/C trực tuyến nhằm hỗ trợ xuất nhập khẩu…

Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường tài chính còn nhiều rủi ro như hiện nay, việc chuyển đổi số được kỳ vọng sẽ góp phần minh bạch hóa thị trường, kiểm soát dòng tiền đi vào nền kinh tế hiệu quả.

Theo ông Phạm Xuân Hòe - nguyên Phó viện trưởng Viện chiến lược NHNN, khi chuyển đổi số, ngành NH có một thuận lợi là từ các tài khoản hoạch toán, dùng công nghệ số tổng hợp lên, phân tích các dữ liệu. Nhờ đó, cơ quan quản lý có thể nắm được chính xác dòng tiền chảy vào bất động sản là bao nhiêu, chảy vào chứng khoán là bao nhiêu, từ đó đưa ra được biện pháp và cách quản lý tốt hơn. Điều này sẽ giúp cách quản lý thị trường tài chính được chuyên sâu và chính xác hơn. Tín dụng, dòng vốn được phân bổ một cách hiệu quả nhất thì cũng đóng góp tích cực trong tăng trưởng GDP.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, chuyển đổi số thể hiện minh bạch hóa và càng minh bạch bao nhiêu thì chuyển đổi số càng mạnh.

Lấy ví dụ về việc thu phí giao thông thời gian qua, rất lâu mới chuyển đổi sang được thu phí không dừng, ông Hùng cho rằng, số hóa sẽ tạo sự minh bạch, doanh thu bao nhiêu sẽ rất rõ ràng. Trong chuyển đổi số, nếu theo dõi, đánh giá được về các lĩnh vực rủi ro như bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp… thì ngành NH sẽ kiểm soát được dòng tiền. Lúc đó, NHNN có thể sẵn sàng trao quyền chủ động cho các tổ chức tín dụng trên cơ sở nguồn lực của mình để tự quyết định chịu trách nhiệm trong hoạt động kinh doanh của từng tổ chức tín dụng.

Gia tăng tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt.

Đối diện không ít thách thức

Tuy nhiên, quá trình chuyển đối số cũng mang đến những khó khăn và thách thức cho các NH thương mại từ cả bên trong đến bên ngoài, từ những quy định về mặt pháp lý, sự thiếu hụt nhân sự chất lượng cao đến hạn chế về nền tảng công nghệ.

TS. Phạm Xuân Hòe đã chỉ ra 5 thách thức lớn, đó là vấn đề thiếu đồng bộ về hành lang pháp lý. Ví dụ như Luật giao dịch điện tử chưa kịp sửa, hay như Luật kế toán cũng đã có những khúc mắc cho số hóa ngành NH, đơn giản chỉ là dấu chấm hay dấu phẩy…

Thách thức thứ hai là vốn đầu tư cho công nghệ thông tin rất lớn. Thứ ba là nhân sự, bởi trong môi trường số mà những người không hiểu về số, không hiểu về CNTT, về bảo mật an toàn thì chắc chắn sẽ dẫn đến sai phạm. Thứ tư là vấn đề hacker tấn công trên không gian mạng và luôn có rủi ro mất tiền. Và cuối cùng là thách thức về mặt bằng nhận thức chung của đại bộ phận khách hàng về chuyển đổi số, cũng như sử dụng sản phẩm số vẫn chưa theo kịp với công nghệ phát triển ngày nay. Chính vì thế mà nhiều người chủ quan, cho mượn tài khoản, thậm chí cho cả người thân, con cái mật khẩu, mã số giao dịch, dẫn đến bị mất tiền.

Cho rằng chuyển đổi số là cuộc cách mạng về tư duy hơn là cuộc cách mạng về công nghệ, ông Lê Anh Dũng - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán NHNN nhấn mạnh, “số” chỉ là công cụ, đòn bẩy, còn chuyển đổi là thay đổi rất lớn, từ tư duy, nhận thức đến văn hóa, khả năng thích ứng với sự thay đổi của thị trường và người dùng.

Đối với các NH thương mại, ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng lưu ý, điều đầu tiên là chuyển đổi nhận thức tới toàn thể lãnh đạo, cán bộ, nhân viên trong hệ thống, xác định lấy khách hàng là trọng tâm. Và muốn lấy khách hàng là trọng tâm thì trong quá trình chuyển đổi số, đảm bảo an toàn cho khách hàng là điều đầu tiên.

Cùng với đó, cần đào tạo, nâng cao năng lực, chất lượng đội ngũ nhân viên để phù hợp với cả quá trình chuyển đổi số, chứ không phải chuyển đổi công nghệ là xong. “Phải đào tạo nhân lực phù hợp với cả quá trình chuyển đổi số về quy trình, kỹ năng sử dụng, tư cách đạo đức. Ngoài ra, phải có quy trình phòng ngừa rủi ro tới mức cao nhất, và trong thời gian tới, đối với chuyển đổi số phải có ứng dụng phòng chống rửa tiền” – ông Hùng nói.

Vấn đề nữa là các NH thương mại phải đặt mục tiêu chiến lược của mình trong việc truyền thông quảng bá, giới thiệu sản phẩm của mình để người dân hiểu, chia sẻ, sử dụng một cách an toàn hiệu quả, bảo đảm làm sao người dân có thể bảo mật thông tin, không bị kẻ gian lợi dụng, không bị hack. Khi người dân hiểu biết được thì chắc chắn sẽ hạn chế, ngăn chặn được rủi ro.

Tại một hội nghị về chuyển đổi số ngành NH diễn ra mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã nhấn mạnh, công tác chuyển đổi số phải bảo đảm an ninh, an toàn, bao gồm an ninh, an toàn hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, bảo mật thông tin khách hàng; cơ sở dữ liệu, thông tin dữ liệu, kết nối theo chuẩn; tăng cường cơ chế kiểm tra, giám sát; phân tích dữ liệu để bảo đảm an ninh, an toàn cho toàn bộ hệ thống, cũng như phòng, chống tội phạm, rửa tiền do hiện nay xu hướng gia tăng tội phạm công nghệ cao với nhiều thủ đoạn mới và ngày càng tinh vi.

Thủ tướng yêu cầu tăng cường tuyên truyền về lợi ích của chuyển đổi số trong lĩnh vực NH đến người dân, doanh nghiệp, giúp người dân, doanh nghiệp hiểu rõ về lợi ích và hiệu quả. “Nhận thức sẽ đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số và chuyển đổi số chỉ thực sự thành công khi mỗi một người dân, doanh nghiệp hiểu, tích cực tham gia và thụ hưởng các lợi ích mà chuyển đổi số mang lại” - Thủ tướng nêu rõ đồng thời yêu cầu, ngành NH quan tâm tới công tác đào đạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là về nhân lực công nghệ; tăng cường kỷ cương, kỷ luật và đạo đức nghề nghiệp để phát huy cao nhất năng lực, trí tuệ của người lao động ngành NH nhằm phục vụ tốt hơn nữa nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực chuyển đổi số để phát triển, tiếp nhận các công nghệ mới vào các hoạt động ngân hàng như công nghệ giao tiếp tầm ngắn, công nghệ thẻ thanh toán không tiếp xúc...

Ông Lê Anh Dũng - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước:

Tận dụng tốt các sản phẩm số của ngân hàng

Chúng tôi cũng đẩy mạnh phối hợp với Bộ Công an trong việc kết nối nền tảng dữ liệu đang có như cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ cho việc định danh, xác thực điện tử chính xác và cung cấp những dịch vụ an toàn, tiện lợi, nhanh chóng, uy tín, hợp lý.

Phải xác định trong kỷ nguyên số thì rủi ro là rất lớn và thường trực. Bởi vậy, chúng tôi cũng xác định các ngân hàng và NHNN phải an toàn trong dịch vụ. Chúng ta cũng đã chứng kiến những vụ gian lận, tấn công vào người dùng… Chính vì vậy người dùng cũng phải được cung cấp thông tin, kiến thức, được giáo dục kỹ năng an toàn tài chính để tận dụng tốt nhất các sản phẩm số của ngân hàng.

H.Hương(ghi)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuyển đổi số để minh bạch dòng tiền

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO