Chuyển đổi số: Khơi thông điểm nghẽn trong nông nghiệp

Tâm Lê 15/03/2022 10:00

Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 nhưng nhờ có sự linh hoạt ứng dụng kỹ thuật trong sản nông nghiệp mà đặc biệt là đưa sản phẩm chủ đạo lên sàn thương mại điện tử nên kinh tế nông nghiệp của tỉnh Hải Dương đã vượt khó, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của tỉnh.

Dấu ấn chuyển đổi số

Dịch Covid-19 diễn ra trong một thời gian dài đã làm xáo trộn mọi hoạt động sản xuất, tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh Hải Dương nói riêng và cả nước nói chung. Tuy nhiên đây cũng là cơ hội để các chủ thể tiếp cận và tham gia chuỗi cung-cầu với chuyển đổi số. Nhờ đó, tạo ra chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy, nhận thức của người dân về sản xuất nông nghiệp. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm cho ngành nông nghiệp của tỉnh Hải Dương tăng trưởng ấn tượng bất chấp dịch bệnh.

Tỉnh Hải Dương đang đẩy mạnh việc ứng dụng thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0 vào lĩnh vực nông nghiệp.

Rõ nét nhất là cơ hội chinh phục thị trường trong nước và thế giới khi các sản phẩm nông nghiệp được có mặt trên các gian hàng trực tuyến. Đơn cử, trái vải của Hải Dương tham gia các sàn thương mại điện tử uy tín trong và ngoài nước đã từng bước khẳng định được giá trị của mình. Từ đây, nhiều sản phẩm nông sản khác của tỉnh cũng đã được đưa lên các gian hàng online, mở ra hướng phát triển mới của ngành nông nghiệp tỉnh nhà. Thông qua kênh tiêu thụ này, nông sản của Hải Dương không chỉ nâng cao giá trị mà hình ảnh, thương hiệu cũng được củng cố trên cả thị trường trong nước và quốc tế.

Có thể thấy, chuyển đổi số đã hỗ trợ đắc lực trong sản xuất, phân phối, tiêu thụ nông sản song cũng đòi hỏi người dân đổi mới cách nghĩ, cách làm. Và thực tế cho thấy, người nông dân cũng đang dần thay đổi để thích ứng. Nhật ký sản xuất điện tử, mã QR phục vụ truy xuất nguồn gốc… đã không còn xa lạ với nhiều nông dân. Để thực hiện điều này, người dân phải có nền tảng về sản xuất sạch, ứng dụng công nghệ cao vào trồng trọt, chăn nuôi.

Năm 2021, bên cạnh việc duy trì gần 1.300 ha rau màu, cây ăn quả đã được chứng nhận VietGAP, tỉnh Hải Dương đã xây dựng 500 ha vải, nhãn và lần đầu tiên quy vùng rau màu xuất khẩu. Trong chăn nuôi, bà con nông dân đầu tư nhiều cho công nghệ cao và sản xuất theo VietGAP. Điều này cho thấy tỉnh Hải Dương không chỉ muốn giữ vững danh hiệu vựa nông sản của miền Bắc mà còn đặt mục tiêu là vùng nguyên liệu nông sản xuất khẩu dồi dào. Nhờ chú trọng tới sản xuất sạch, tích cực thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp nên ngoài gỡ được nút thắt trong tiêu thụ, nông sản của tỉnh còn tạo được tiếng vang xuất khẩu. Đây cũng là năm mà vải, nhãn và các loại rau màu như cà rốt, cải bắp, súp lơ… được xuất khẩu chính ngạch sang một số thị trường khó tính như Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, … với số lượng lớn chưa từng có.

Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương Phạm Xuân Thăng khẳng định: “Những bước đi đầu tiên rất thuyết phục của ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp đã giúp cho Hải Dương rút ra được bài học kinh nghiệm: Chuyển đổi số là một xu thế tất yếu, cần phải nhanh chóng nắm bắt lấy thời cơ phát triển do quá trình này mang lại”.

Thúc đẩy phát triển nông nghiệp xanh

Trong những năm gần đây, nông nghiệp Hải Dương đã hình thành những vùng sản xuất tập trung, từng bước ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, cho năng suất chất lượng cao, gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, cho hiệu quả kinh tế cao.

Điển hình như: vùng hành, tỏi; vùng cà rốt; vùng rau su hào, bắp cải, súp lơ chuyên canh; các vùng cây ăn quả đặc sản phát huy thế mạnh theo lợi thế vùng như vùng vải thiều Thanh Hà, Chí Linh; vùng ổi Thanh Hà, Ninh Giang; vùng na, nhãn Chí Linh; vùng chuối Tứ Kỳ, Thanh Hà...

Trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ngành nông nghiệp Hải Dương đứng trước yêu cầu đổi mới từ bỏ phương thức sản xuất cũ, lạc hậu, thay vào đó là việc ứng dụng kịp thời có chọn lọc các kỹ thuật tiên tiến của thời kỳ cách mạng 4.0 trong sản xuất nông nghiệp.

Theo ông Vũ Việt Anh - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương, việc thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng khoa học kỹ thuật, tự động hóa, công nghệ thông minh vào quá trình sản xuất nông nghiệp từ khâu canh tác cho tới khâu phân phối sản phẩm ra thị trường, giúp tăng năng suất và chất lượng nông sản, giảm công lao động, tiết kiệm chi phí, đa dạng hóa hình thức và nâng cao hiệu quả công tác tiêu thụ, góp phần phát triển chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp. Đây cũng là một trong những giải pháp căn cơ, hiệu quả “Kết nối, bảo vệ và phát huy giá trị sản phẩm hàng nông sản trong thời kỳ đại dịch Covid-19” trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuyển đổi số: Khơi thông điểm nghẽn trong nông nghiệp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO