Chuyên gia cảnh báo về chủ nghĩa cực đoan trỗi dậy ở Đông Nam Á

22/07/2017 07:00

Cuộc chiến ở thành phố Marawi, miền Nam Philippines, có khả năng sẽ gây ảnh hưởng lâu dài tới khu vực Đông Nam Á, khơi dậy chủ nghĩa cực đoan trong khu vực, dù cho quân đội Philippines có giành lại được quyền kiểm soát thành phố này, báo cáo của Viện Nghiên cứu Chính sách Xung đột (IPAC) hôm 21/7 cảnh báo.

Chiến sự ở Marawi có thể khuấy động chủ nghĩa cực đoan ở khu vực Đông Nam Á. (Nguồn: AP).

Ảnh hưởng từ cuộc chiến này có thể bao gồm cả rủi ro cao xảy ra các vụ tấn công bạo lực ở nhiều thành phố khác của Philippines, Indonesia và Malaysia; thúc đẩy sự hợp tác lớn hơn giữa những kẻ cực đoan ở Đông Nam Á, và một tầng lớp thủ lĩnh mới của các chi nhánh thân phiến quân IS ở Indonesia và Malaysia trong số những chiến binh trở về từ Marawi.

“Rủi ro này không chấm dứt ngay cả khi quân đội giành chiến thắng ở Marawi” - bà Sidney Jones, Giám đốc của IPAC, nhấn mạnh trong một thông cáo báo chí.

Vị chuyên gia trên thêm rằng: “Indonesia và Malaysia sẽ đối mặt với những mối đe dọa mới, do những chiến binh trở về từ Mindanao và Philippines có khả năng sẽ xuất hiện nhiều chi nhánh cực đoan đủ khả năng để gây ra tình trạng bạo lực”.

Theo đánh giá của IPAC, các chiến dịch quân sự của những kẻ phiến quân ở Marawi đã nhận được nguồn vốn trực tiếp từ IS, và cho thấy một chuỗi các chỉ thị từ giới thủ lĩnh phiến quân chạy dọc từ Syria đến Philippines, Indonesia và xa hơn nữa. Báo cáo cho hay đại diện của IS trong khu vực có thể là Khatibah Nusantara, một đơn vị chiến binh được dẫn dắt bởi một phiến quân người Indonesia có tên Bahrumsyah cùng đồng bọn là Abu Walid.

Khatibah Nusantara sau đó cung cấp nguồn vốn trực tiếp thông qua Mahmud Ahmad, một công dân Malaysia được cho là nằm trong giới thủ lĩnh của những kẻ phiến quân đang đánh chiếm Marawi. Theo báo cáo, Mahmud là kẻ đứng đầu đơn vị tuyển mộ và tìm nguồn tài chính cho tổ chức và là đầu mối liên hệ của những chiến binh muốn gia nhập liên minh thân IS ở Philippines.

Báo cáo của IPAC cảnh báo rằng chính phủ các nước Đông Nam Á cần phải cảnh giác trước việc IS đang nhắm tới khu vực này, và cả về nguồn chiến binh người Indonesia đang ở Syria có thể sẽ tìm cách đổ về Marawi. Theo ước tính, có khoảng 20 chiến binh người Indonesia đang tham chiến ở Marawi, và nếu con số này được xác nhận, chính quyền Indonesia sẽ phải tính đến các viễn cảnh đáng ngại liên quan tới sự trở về của số chiến binh này.

Trong khi một số kẻ trong đó đến từ liên minh thân IS lớn nhất ở Indonesia, Jamaah Ansharut Daulah (JAD), một số khác đến từ một tổ chức nhỏ hơn có tên al-Hawariyun, tổ chức có thủ lĩnh Abu Nusaibah bị bắt giữ hồi tháng 11-2016 vì âm mưu gây ra tình trạng bạo lực trong một cuộc biểu tình đường phố ở Jakarta.

Theo báo cáo, Philippines hiện chưa được coi là một “wilayah” - đơn vị tỉnh của IS - nhưng cấu trúc đưa ra chỉ thị ở Marawi hiện nay cho thấy những kẻ phiến quân đã tự gọi thành phố này là một “wilayah ở khu vực Đông Á”.

Báo cáo cũng nói rằng Bahrun Naim, một phiến quân người Indonesia ở Syria, đã im hơi lặng tiếng trước tình hình ở Marawi. Sự im lặng này có thể có nghĩa rằng hắn không có khả năng tham chiến, bị mất uy tín hoặc bị thuyên chuyển tới một địa điểm khác.

Trước đây, Bahrun Naim thông qua mạng xã hội đã liên tiếp kêu gọi các vụ tấn công trên lãnh thổ Indonesia. Kẻ này sử dụng dịch vụ nhắn tin mã hóa Telegram, điều khiến cho chính quyền nước này hồi đầu tháng đã cấm sử dụng dịch vụ này. Trong quá khứ Naim cũng thường đăng tải các hướng dẫn chế bom lên mạng xã hội, thông qua nhiều tài khoản khác nhau.

Cung theo báo cáo thì tình hình ở Marawi đã giúp cho 2 phong trào chính ủng hộ IS ở Indonesia hợp tác với nhau, đứng ra kêu gọi tổ chức các vụ tấn công kiểu “sói đơn độc”.

Bất chấp những lời kêu gọi hợp tác chặt chẽ hơn các lực lượng chống khủng bố trong khu vực trong bối cảnh chiến dịch Marawi đang diễn ra, IPAC nhấn mạnh rằng vẫn còn nhiều cản trở về mặt chính trị và thể chế, bao gồm cả bất đồng trong chia sẻ thông tin tình báo giữa Philippines và Malaysia.

IPAC đề xuất rằng chính phủ các nước nên xây dựng một bản danh sách theo dõi các nghi phạm khủng bố chung của toàn khu vực. Tổ chức này cũng đề xuất rằng Indonesia, Malaysia và Philippines nên xây dựng các bản nghiên cứu thực chất về chủ nghĩa cực đoan xuyên biên giới.

Một trong những hiệu quả từ đề xuất này là nhằm vạch ra một bản đồ chi tiết và cập nhật các mạng lưới cực đoan xuyên quốc gia trong khu vực, đặc biệt là chú ý hơn tới vai trò của phụ nữ trong các mạng lưới này.

Theo báo cáo của IPAC, việc cần thiết nhất hiện tại ở Marawi chính là vấn đề người dân đi sơ tán, và các nỗ lực tái xây dựng lại thành phố này của chính phủ Philippines, để đảm bảo rằng nơi đây không bị biến thành mảnh đất màu mỡ cho những kẻ tuyển mộ phiến quân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuyên gia cảnh báo về chủ nghĩa cực đoan trỗi dậy ở Đông Nam Á

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO