Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu: Tôi trở về để phụng sự quê hương

Minh Hải (thực hiện) 29/08/2021 08:00

Với mục tiêu trong cuộc đời là được trở về Việt Nam để phụng sự quê hương, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu bày tỏ: “Những năm đầu khi tôi về Việt Nam, mỗi năm về tôi xin phép vợ gia hạn 1 năm nữa, đến năm thứ 3 vợ tôi nói anh ở bên đó làm việc đi, khi nào xong rồi hãy về. Và sau đó công việc của tôi ngày càng nhiều, cho đến bây giờ vẫn chưa xong… Đúng là sống tại Mỹ cuộc sống thuận lợi hơn rất nhiều, nhưng đó không phải là quê hương nơi tôi sinh ra. Tôi về Việt Nam để thực hiện mục tiêu trong cuộc đời là phục vụ quê hương”.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu.

PV: Thưa ông, Hà Nội vẫn tiếp tục trong những ngày giãn cách xã hội do dịch bệnh Covid-19. Ông phải xoay xở như thế nào để thích ứng với cuộc sống và nhất là công việc, khi mọi người biết đến ông là một chuyên gia kinh tế luôn bận rộn và sẵn sàng hợp tác báo giới?

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu: Covid-19 đối với tôi là một sự kiện chưa từng có ở trong đời. Tôi đã trải qua rất nhiều những biến cố trên thế giới và tại đất nước của chúng ta. Vào tuổi 18, đó là cuối năm 1966 sau khi tốt nghiệp Trung học Trương Vĩnh Ký ở Sài Gòn, tôi đi du học tại Tây Đức. Lúc đó nước Đức còn chia ra 2 vùng Tây Đức và Đông Đức. Tôi sang Đức vào thời kỳ của chiến tranh lạnh, lúc đó giữa 2 khối phương Tây và khối Xã hội Chủ nghĩa đi vào một giai đoạn rất khốc liệt. Năm 1975, khi cả 2 miền thống nhất và chiến tranh Việt Nam qua đi. Đó là năm tôi đã chuẩn bị để trở về Việt Nam sau khi du học. Thế nhưng, gia đình tôi khuyên nên ở lại Tây Đức để tiếp tục học tiến sĩ. Sau năm 1975, cho đến năm 1979, tôi tốt nghiệp Tiến sĩ ngành quản trị kinh doanh và chuyên ngành tài chính ngân hàng. Rồi tôi sang Mỹ làm việc từ năm 1980 tại TP New York .

Trong cuộc đời của tôi từng chứng kiến rất nhiều biến cố trên thế giới, từ cuộc chiến tranh lạnh, sụp đổ bức tường Berlin, và sự sụp đổ của Xô viết và khối Đông Âu, rồi sau đó thế giới đi vào giai đoạn mới sau chiến tranh lạnh…Nhưng đấy, sau 11 năm làm việc tại Việt Nam, hiện tôi sống ở Hà Nội. Tại thời điểm này thay vì đến các hội nghị, gặp gỡ trực tiếp các lãnh đạo, đối tác, các nhà báo… thì giờ tôi phải họp trực tuyến trên Zoom và trả lời các cuộc phỏng vấn qua điện thoại do dịch Covid-19. Đây là một biến cố như tôi đã nói là chưa từng thấy trong cuộc đời của tôi. Và có lẽ, cũng chưa từng thấy trong lịch sử thế giới.

Chúng ta đã có những lần dịch bệnh từ thế kỷ 17, 18. Thế nhưng lần dịch bệnh này tôi nghĩ là lớn nhất. Tôi so sánh dịch bệnh Covid-19 trên toàn thế giới như là một đám cháy rừng khổng lồ, dập chỗ này nó lại bùng lên chỗ kia. Hiện tại thế giới vẫn rất chao đảo với cơn dịch bệnh, khi mà hàng chục triệu người nhiễm bệnh, và hàng triệu người tử vong.

Ông có thể chia sẻ những công việc ông đang làm ở Việt Nam?

- Tôi đã làm việc với Chính phủ và các bộ ngành, trong đó có Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Giáo dục và đào tạo và 8 ngân hành với tư cách là thành viên của Hội đồng quản trị cũng như là cố vấn cấp cao và thành phần Ban lãnh đạo của một vài ngân hàng. Ngoài ra, tôi đang tư vấn cho một số công ty Tài chính ở Hà Nội và cũng tham dự một chương trình của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đó là chương trình cho vay trực tiếp của Quỹ Phát triển cho các DN Nhỏ và vừa thuộc Bộ Kế hoạch đầu tư. Và tham gia một số chương trình với UNDP của Liên hiệp quốc về Hỗ trợ Chính phủ Việt Nam xây dựng một nền kinh tế tuần hoàn… Với những công việc như vậy, tôi rất vui để có một cuộc sống làm việc và đóng góp cho nền kinh tế tại thời điểm này.

Năm 1990 là lần đầu tiên ông trở về Việt Nam sau quãng thời gian xa quê hương, ông còn nhớ về Hà Nội của hơn 30 năm trước?

Với con người Việt Nam, với trí tuệ Việt Nam với gần 100 triệu dân và dưới sự chỉ đạo của Đảng và Nhà nước đã tạo được những bước tiến quan trọng cho nền kinh tế Việt Nam trong 30 năm qua, có thể nói là sau 46 năm qua, sau ngày thống nhất đất nước 30/4/1975. Tôi cho rằng, trong 25 năm tới đất nước Việt Nam có thể vào trong nhóm các nước công nghiệp của thế giới. Tuy nhiên, đây là một con đường cần sự cố gắng lớn lao của tất cả chúng ta.

- Trong những năm qua tôi đã 3 lần có cơ hội về Việt Nam: Lần đầu vào năm 1990 khi tham gia một phái đoàn thương mại về California, Mỹ. Lần thứ hai năm 1995 về Việt Nam làm việc với Deutsche Bank. Và lần thứ ba năm 2009 khi tôi trở về Việt Nam và ở từ đó cho đến bây giờ.

Nhưng còn nhớ chuyến về đầu tiên, tôi gặp Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch, trong phái đoàn hơn 10 người. Tôi đã đưa bà xã và 2 cháu nhỏ về Việt Nam lúc đó. Nơi chúng tôi đến là khách sạn Thắng Lợi bên Hồ Tây. Lúc bấy giờ Hà Nội chỉ có khách sạn Thắng Lợi là duy nhất. Hà Nội cũng chưa có siêu thị, chỉ có các tiệm bán lẻ, tạp hoá. Mọi người ra đường phần lớn là đi dép, rất ít ô tô, xe máy cũng ít, người Hà Nội chủ yếu đi xe đạp. Có thể nói là mức sống của chúng ta lúc đó ở trong nhóm một số nước nghèo của thế giới. Nhưng từ đó cho tới nay, tôi theo dõi thường xuyên những biến chuyển của đất nước. Thực sự là sau hơn 30 năm, Việt Nam đã đi một quãng đường rất dài và có một sự phát triển vượt bậc.

Ông có thể nói cụ thể hơn về chặng đường phát triển của Việt Nam sau hơn 30 năm qua?

- Chúng ta nhìn thấy một Hà Nội khác hẳn, giờ Hà Nội là một đô thị lớn trong vùng Châu Á Thái Bình Dương. Đời sống của người dân được nâng cao rất nhiều, chúng ta có nhiều khách sạn 5 sao, rồi rất nhiều nhà cao tầng tại thủ đô... Có thể nói, đất nước đã đi vào một giai đoạn phát triển mạnh mẽ.

Tuy nhiên, xét trên bình diện chung thì Việt Nam vẫn ở trong các quốc gia có thu nhập trung bình. Nếu tính GDP đầu người, những nước ở trong nhóm đó phải có thu nhập đầu người từ 1.000 USD cho đến 10.000USD. Việt Nam năm 2020 thu nhập bình quân đầu người là 3.500 USD. Chúng ta vẫn ở nhóm thu nhập trung bình nhưng ở các nước có trung bình thấp. Đảng và Nhà nước đã đưa ra lộ trình phát triển với 3 mốc thời gian năm 2025, năm 2030 và năm 2045. Vào năm 2045 chúng ta sẽ bước vào trong các nước công nghiệp có thu nhập bình quân đầu người rất cao. Đây là lộ trình và mục tiêu tham vọng nhưng không có gì là không thể. Với con người Việt Nam, với trí tuệ Việt Nam với dân số gần 100 triệu người và dưới sự chỉ đạo của Đảng và Nhà nước đã tạo được những bước tiến quan trọng cho nền kinh tế Việt Nam trong 30 năm qua, có thể nói là sau 46 năm qua, sau ngày thống nhất đất nước 30/4/1975. Tôi cho rằng, trong 25 năm tới đất nước Việt Nam có thể vào trong nhóm các nước công nghiệp của thế giới. Tuy nhiên, đây là một con đường cần sự cố gắng lớn lao của tất cả chúng ta.

Không chỉ là chuyên gia kinh tế, ông còn là võ sư của môn Akido.

Trở lại với tình hình dịch bệnh Covid-19, thưa ông, hiện Chính phủ và các địa phương đã có các gói hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên vẫn còn đó những khó khăn, rào cản. Cần phải gỡ khó ra sao để tiền hỗ trợ sớm đến tay người dân, hoặc các doanh nghiệp?

- Như tại thời điểm này, Chính phủ đã có kế hoạch sẽ phát tiền cho lao động tự do mỗi người 1,5 triệu đồng tại các TP lớn. Tuy nhiên, nhiều người còn chưa nhận được do vướng mắc các thủ tục hành chính, các khai báo còn quá phức tạp. Chẳng hạn như tại TP HCM, những người lĩnh tiền phải có giấy chứng nhận tạm trú. Nếu muốn nhận số tiền đó họ phải trở về chỗ thường trú và lấy giấy chứng nhận tại phường xã của họ là họ không nhận tiền cứu trợ tại nơi thường trú. Họ đang tạm trú và giờ sẽ lĩnh tiền ở nơi tạm trú để tránh vấn đề lợi dụng hoặc có những tiêu cực. Những chuyện như vậy rất khó vì người dân lúc này người lao động không thể trở về quê quán – nơi thường trú của họ để xin xác nhận. Chính vì thế tôi thấy chính sách đã có, kế hoạch đã có, tiền cũng đã sẵn, thế nhưng tiền đến tay người dân có lẽ cũng phải một thời gian nữa. Tôi mong chính quyền từ Trung ương đến địa phương làm sao đơn giản thủ tục để tiền cứu trợ đến tay người dân một cách nhanh chóng nhất.

Còn với DN, cụ thể tại TP HCM, các DN đang rất lao đao, trước nhất là chủ trương là 3 tại chỗ: ăn tại chỗ, làm viêc tại chỗ và nghỉ tại chỗ với kế hoạch 2 điểm đến một cung đường những biên pháp như vậy là cần thiết để chống dịch, để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan. Nhưng mà rất nhiều DN đóng cửa vì không thể chịu nổi chi phí. Trước đó, những DN lớn ở Bắc Ninh, Bắc Giang có thể làm được việc này bởi họ là DN FDI có vốn đầu tư nước ngoài, cơ sở khang trang họ có thể thu xếp để người lao động làm việc tại chỗ. Nhưng rất nhiều khu CN ở TP HCM, Bình Dương sống rất chật chội. Để những DN đó tuân thủ được 3 tại chỗ cũng như 2 điểm đến 1 cung đường thì nhiều DN không chịu nổi. Họ làm được 1-2 tuần rồi không thể tiếp tục. Thành ra, việc thực hiện những biện pháp chống dịch là cần thiết, nhưng nó tạo rất nhiều khó khăn cho DN.

Tôi đã nhiều lần đề nghị với Chính phủ là phải hỗ trợ tài chính cho các DN. Vấn đề tiền là quan trọng, và Chính phủ phải lấy ngân sách quốc gia để chi cho các DN. Tôi đã đề nghị qua Ngân hàng Nhà nước cần phải xây dựng Tổ hợp tín dụng với các ngân hàng cùng tham gia, rồi hạn mức lên đến 300 nghìn tỷ đồng dùng tiền đó để hỗ trợ DN, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa đang bị tác động bởi dịch bệnh. Chỉ có cách đó, khi các DN có tài chính họ mới có thể thực hiện được các biện pháp phòng chống dịch bệnh như Chính phủ đưa ra. Đồng thời có thể duy trì được lực lượng lao động, và đặc biệt là duy trì được năng lực sản xuất kinh doanh. Còn nếu chúng ta để cho những DN đó tạm nghỉ, hoặc ngưng hoạt động, thì đến lúc phục hồi nền kinh tế lực lượng lao động không còn, các DN đó cũng không còn để có thể phục hồi nền kinh tế. Thành ra, tại thời điểm này là sự khó khăn cho cả hệ thống chính trị và đặc biệt cho tất cả cộng đồng DN.

Ông có thể dự báo hoặc đưa ra các kịch bản về nền kinh tế Việt Nam từ nay đến cuối năm?

- Tại thời điểm này, đưa ra dự báo là rất khó khăn. Nhưng tôi đặt ra 3 kịch bản: Kịch bản tốt nhất, kịch bản có thể xảy ra và kịch bản xấu nhất. Với kịch bản tốt nhất cho đến cuối năm nay hoặc qua quý I/2022 chúng ta kiểm soát được dịch bệnh. Chúng ta có thể tiêm chủng cho ít nhất 70-80% dân số. Hiện tại chúng ta biết rằng tỉ lệ tiêm chủng của ta còn thấp, đạt được mức độ tiêm chủng đầy đủ cho 70-80% dân số vào cuối năm 2021 hoặc qua quý I/2022 tôi nghĩ là khó thực hiện được. Nhưng với kịch bản tốt nếu thực hiện được với chương tình tiêm chủng đại trà như hiện nay thì từ quý II/2022 trở đi DN sẽ bắt đầu phục hồi. Những lĩnh vực bất động sản, sản xuất kinh doanh và xuất nhập khẩu sẽ trở lại bình thường và phát triển rất mạnh, rất nhanh vì nó giống như quả bóng bị đè nén đến lúc bung sẽ rất mạnh.

Với kịch bản ở mức bình thường, có thể chúng ta kiểm soát được dịch bệnh vào quý II/2022, và còn nửa năm của năm 2022 để có thể phục hồi nền kinh tế. Trong trường hợp đó, tôi nghĩ rằng sẽ rất nhiều DN từ đây cho đến lúc đó sẽ phải ngưng hoạt động, phá sản. Trong 6 tháng đầu năm 2021, có khoảng 80.000 DN đã tạm ngưng hoạt động hoặc phá sản. Nếu quý II/2022 chúng ta mới có thể phục hồi, có thể kiểm soát được dịch bệnh thì số DN tạm ngưng hoạt động, phá sản sẽ lên tới khoảng 200.000 DN. Ngay cả kịch bản trung bình, dễ xảy ra, trong trường hợp đó nền kinh tế của chúng ta sẽ bị tác động rất mạnh.

Với kịch bản xấu, có lẽ chúng ta chỉ có thể kiểm soát được dịch bệnh vào cuối năm 2022. Nếu trong trường hợp đó nền kinh tế của chúng ta sẽ bị tác động rất nặng nề. Số DN phá sản theo ước tính của tôi là 500.000 DN sẽ ngưng hoạt động đi vào phá sản. Số người lao động không có việc làm rất lớn, và tạo nên một gánh nặng cho ngân sách quốc gia, cho an sinh xã hội và cho y tế của Việt Nam. Và tất nhiên chúng ta không mong muốn kịch bản xấu nhất xảy ra.

Sản xuất kinh doanh và xuất khẩu được dự báo sẽ phục hồi mạnh sau dịch bệnh Ảnh: Minh Đức.

Không chỉ là một chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế, tài chính-ngân hàng, ông còn là võ sư của môn Aikido có tiếng tại Mỹ. Vậy tập luyện Aikido mang lại cho ông điều gì cho ông trong sống và công việc?

- Cách đây khoảng 40 năm, tôi theo môn Aikido – Hiệp Khí Đạo của Nhật Bản. Môn võ này có đặc thù không phải là môn võ tấn công, nó là võ tự vệ, dùng nhu thắng cương. Chẳng hạn như một người tấn công tôi. Thay vì đánh trả, tấn công thì tôi lùi, khi bị đẩy thì tôi kéo. Nghĩa là tôi dựa theo lực của phía tấn công, từ đó tôi có thể kiểm soát được lực tấn công tôi. Và tôi khống chế được lực đó, nghĩa là dựa theo lực bị tấn công để khống chế lực đó. Nó không có lực đối lực, mà là lực theo lực hoặc bị kéo hoặc bị đẩy. Đó là môn chúng tôi không gọi là võ thuật, vì nó không chỉ là vấn đề kỹ thuật, nó là võ đạo. Loại võ đạo có tính nhân văn là không dùng sức để khống chế địch thủ, làm hại địch thủ, mà tôi kiểm soát được địch thủ để họ không làm hại tôi. Cuối cùng, là giải hoà trong sự êm thấm.

Tôi còn nhớ câu chuyện một lần đi thu hồi nợ khi làm trong một ngân hàng tại Mỹ. Khi thu hồi nợ nần xong thì ông chủ ở công ty đó trở về trong trạng thái say rượu và ông ta gặp tôi ở bãi đỗ xe. Lúc đó, ông ta có hành động mang tính cách đe doạ tôi. Ông ta đưa tay vào túi quần và có lẽ trong đó có súng. Đề phòng bị tấn công, trong lúc đó, nếu không có võ có thể tôi bị mất bình tĩnh, hoặc tìm cách tấn công trước. Nhưng hành động đầu tiên của tôi là thả lỏng cơ thể thay vì sợ hãi. Tôi nói với ông ta: Ông có thể mất doanh nghiệp của ông ngày hôm nay và có thể xây dựng lại. Nhưng ông hãy nghĩ đến ông, đến gia đình của ông. Qua lời nói đó, tôi thấy ông ta xúc động và gục xuống xe khóc. Vậy đó, Aikido đã tránh cho tôi được sự xung đột về thể lực không cần thiết.

Ở trong võ đạo khi tiếp xúc với khách hàng, đường lối của tôi là không đối đầu. Chẳng hạn mỗi khi khách hàng không đồng ý, tôi tìm cách giảng giải, thuyết phục để 2 bên đi đến sự hoà giải, đó là sự ảnh hưởng từ võ đạo, từ cái tâm của tôi được bình yên.

Hiện ông vẫn sống xa gia đình? Tại sao ông không đưa gia đình về Việt Nam?

- Vào năm 2009, tôi đã đưa vợ về Việt Nam và bà ấy làm hiệu trưởng của một trường học tại TP HCM, nhưng sau 2 năm thì bà ấy quyết định trở về Mỹ. Tôi hỏi tại sao em không ở lại Việt Nam. Câu trả lời là bà ấy rất yêu Việt Nam, đặc biệt là văn hoá Việt Nam, nhưng cách làm việc của người Việt Nam lại không hợp với bà ấy.

Việc xa gia đình có cái lợi và bất lợi. Cái lợi là công việc của mình tự thu xếp, tự tổ chức và không có bất cứ tác nhân cũng như yếu tố nào ảnh hưởng đến công việc của mình. Thế nhưng, mặt khác xa gia đình cũng là sự mất mát. Bà xã tôi là người Mỹ gốc Đức, tôi có 3 cháu gái đều đã đi làm, gia đình tôi hiện ở Mỹ, một mình tôi ở Việt Nam. Những năm đầu khi tôi về Việt Nam, mỗi năm về tôi xin phép vợ gia hạn 1 năm nữa, đến năm thứ 3 vợ tôi nói anh ở bên đó làm việc đi, khi nào xong rồi hãy về. Và sau đó công việc của tôi ngày càng nhiều, cho đến bây giờ vẫn chưa xong. Đúng là sống tại Mỹ cuộc sống thuận lợi hơn rất nhiều, nhưng đó không phải là quê hương nơi tôi sinh ra. Tôi về Việt Nam để thực hiện mục tiêu trong cuộc đời là phục vụ quê hương.

Trong bối cảnh nguồn vaccine trên thế giới tiếp tục khan hiếm nghiêm trọng, Việt Nam đang triển khai chiến dịch ngoại giao vaccine hết sức khẩn trương, hướng tới mục tiêu có vaccine nhiều nhất, nhanh nhất để tiêm chủng cho nhân dân. Là một Việt kiều Mỹ, ông có đề xuất gì cho chính sách ngoại giao vaccine của Việt Nam?

- Hiện nay Chính phủ và Bộ Ngoại giao đang tìm tất cả mối quan hệ để có thể đem vaccine về cho Việt Nam. Tôi nghĩ Chính phủ cần tận dụng tốt hơn nữa mối quan hệ của kiều bào và người lao động ở nước ngoài. Họ là người nằm trong các hệ thống chính quyền, hệ thống chính trị, hệ thống tài chính ở nước sở tại. Họ là những người có rất nhiều ảnh hưởng và tác động đến chính quyền nước sở tại. Ví dụ ở Mỹ có những vị dân biểu tiểu bang, có những người Việt trong bộ máy chính quyền của Mỹ và dưới áp lực của họ, họ có thể mang về nhiều vaccine cho Việt Nam. Tôi nghĩ vấn đề đại đoàn kết lúc này không chỉ trong gần 100 triệu người Việt trong nước, mà còn nằm ở 5 triệu kiều bào và người lao động của chúng ta ở nước ngoài. Chúng ta phải tận dụng được nguồn lực lớn lao đó.

Trân trọng cảm ơn ông!

Tại thời điểm này, đưa ra dự báo là rất khó khăn. Nhưng tôi đặt ra 3 kịch bản: Kịch bản tốt nhất, kịch bản có thể xảy ra và kịch bản xấu nhất. Với kịch bản tốt nhất cho đến cuối năm nay hoặc qua quý I/2022 chúng ta kiểm soát được dịch bệnh. Chúng ta có thể tiêm chủng cho ít nhất 70-80% dân số. Hiện tại chúng ta biết rằng tỉ lệ tiêm chủng của ta còn thấp, đạt được mức độ tiêm chủng đầy đủ cho 70-80% dân số vào cuối năm 2021 hoặc qua quý I/2022 tôi nghĩ là khó thực hiện được. Nhưng với kịch bản tốt nếu thực hiện được với chương tình tiêm chủng đại trà như hiện nay thì từ quý II/2022 trở đi DN sẽ bắt đầu phục hồi. Những lĩnh vực bất động sản, sản xuất kinh doanh và xuất nhập khẩu sẽ trở lại bình thường và phát triển rất mạnh, rất nhanh vì nó giống như quả bóng bị đè nén đến lúc bung sẽ rất mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu: Tôi trở về để phụng sự quê hương

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO