Chuyện kể ở vùng biên

Khúc Hà Linh 14/08/2021 14:00

Sắp đặt mãi, cuối cùng chúng tôi cũng tổ chức được chuyến đi biên giới, nơi địa đầu Tổ quốc. Ở đây đồng bào các dân tộc đang sinh sống, lao động, sản xuất, xóa đói giảm nghèo, xây dựng những khu dân cư biên giới, hòa bình bền vững.

Bạn đồng hành

Bắt đầu từ Hạ Long xe băng băng trên đường cao tốc hướng về Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh. Đường rộng, phẳng phiu xuyên qua những cánh rừng, phong cảnh thiên nhiên thật là ngoạn mục. Tới ngã ba thị trấn Tiên Yên, rẽ trái ngược lên Bình Liêu cách đó chừng bốn chục cây số. Gần tới cửa khẩu Hoành Mô, xe bỗng quặt trái tiến vào vùng rừng núi thuộc bản văn hóa Bắc Cương, địa phận huyện Bình Liêu.

Đường vành đai biên giới ban đầu rộng, rồi cứ hẹp dần, có chỗ thắt miệng chai, thăm thẳm lao xuống dốc, rồi xe lại ì ạch lên dốc. Đi hàng chục cây số, qua miên man màu xanh của rừng nguyên sơ, rừng tân tạo, tịnh không gặp chiếc xe nào, họa hoằn mới thấy một vài con trâu đeo mõ kêu lốc cốc. Một cụ bà người Dao cầm chiếc que đi theo sau, nhấp nhô lọt thỏm trong rừng chiều.

Bỗng xuất hiện một cái cổng bằng gỗ, kiểu như cổng chào dưới xuôi, bên trên là tấm biển kẻ dòng chữ “Bản văn hóa Bắc Cương”. Nằm trên điểm cao 790, từ mốc giới 1306 đến 1310, đây là cụm dân cư Trình Tường, thuộc bản Bắc Cương (xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu) như là “cột mốc chủ quyền sống” ở vành đai biên giới phía Bắc của Tổ quốc.

Lâm trường 156 (tương đương cấp trung đoàn) - Đoàn kinh tế quốc phòng 327 thuộc Quân khu Ba, đứng chân trên mảnh đất bản Bắc Cương. Họ có nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, giúp đồng bào dân tộc sản xuất, xóa đói giảm nghèo và thực hiện các dự án đầu tư xây dựng khu kinh tế quốc phòng.

Địa bàn có 33 thôn bản, trong đó 11 bản sát biên giới Trung Quốc, với chiều dài gần 40 km. Địa hình phức tạp, núi cao, nước hiếm, ẩm thấp mù sương, giao thông cực kỳ khó khăn. Từ bao đời, dân bản địa người Dao, Tày, Sán Chỉ an phận trông vào củ măng, bó củi trên rừng…

Gần 20 năm nay, những thế hệ người lính Lâm trường 156 trở thành người bạn đồng hành của bản làng, chung tay xây dựng cuộc sống. Họ đã mang đến vùng đất biên cương này một luồng sinh khí mới.

Chung tay xây dựng đường biên giới hòa bình.

Họ tìm hiểu phong tục tập quán, thực hiện “bốn cùng”, kiên trì “nói cho dân hiểu”, tạo niềm tin để làm thay đổi nếp cũ, xóa bỏ hủ tục lâu đời.

Từ chỗ ngôn ngữ bất đồng, khi giao tiếp phải làm động tác ra hiệu, bộ đội tự học tiếng Dao, tiếng Tày để có tiếng nói chung, giúp đỡ đồng bào cải tạo nơi ăn, chỗ ở hợp vệ sinh; làm chuồng trâu bò ra xa nhà, xóa nhà tạm bợ ẩm thấp… Bộ đội trích quỹ vốn để hỗ trợ mua phân bón, cây con giống, thuê san ủi mặt bằng giúp dân làm vườn, và hướng dẫn làm các giàn bầu, bí, mướp, su su, chăm sóc theo khoa học kỹ thuật. Với hình thức “cầm tay chỉ việc” để người dân tin tưởng làm theo...

Lặn lội leo núi, vượt đồi tìm nguồn nước từ Cổng Trời, lắp đặt gần chục cây số đường ống dẫn nước về các bể chứa, để sinh hoạt và phục vụ tưới tiêu. Vì thế, ở vùng biên giới núi cao đã thấy những vạt ruộng bậc thang, rực lên màu óng vàng của cây lúa nước giữa lưng đồi.

Dự án trồng rừng được triển khai. Cây thông, cây hồi, quế đã phủ xanh vùng núi cao, xen kẽ những loại cây ăn quả như hồng, đào, mít , mận.

Cụ Tằng Tài Múi, người Dao Thanh Phán, ngoài 70 tuổi, sống ở cụm dân cư Trình Tường, bản Bắc Cương nói: “Dân bản biết ơn bộ đội lâm trường nhiều lắm. Bộ đội bảo cho cách làm chuồng trâu xa nhà, không nhốt dưới sàn, bẩn quá. Phải trồng cây quế, cây hồi và cây ăn quả. Phải bảo vệ rừng, đừng có phá rừng”.

Người ở bản Bắc Cương thường bảo nhau: Xưa, ngủ dậy là nghe thấy tiếng chim. Mở cửa đã thấy rừng... Bây giờ nhìn xa nhìn gần, từ sân vườn ra chuồng trại; từ giàn cây bí, cây mướp đến những cánh rừng thông; từ con đường mới mở đến những dòng suối, cây cầu... chỗ nào cũng có hình ảnh anh bộ đội Lâm trường 156. Mồ hôi, nước mắt của các anh chiến sĩ đã thành màu xanh của rừng quế, rừng hồi bản Bắc Cương rồi.

Xưa, đường ở Bắc Cương rất bé, chỉ đặt vừa bàn chân trần miết vào khổ đau hoang dại. Nay, đường bê tông phẳng phiu. Có đường, là có thiết chế văn hóa, có ánh sáng điện, có trường học chữ, trạm y tế quân dân... đã làm thay đổi diện mạo bản làng.

Và những đổi thay

Chúng tôi tới thăm một gia đình dân tộc Tày ở bản Nà Sa. Vợ chồng anh Dân tách hộ vừa được 9 năm. Ngôi nhà nhỏ ép vào sườn núi, giống như tổ ấm của đôi chim rừng với những con.

Anh Dân nói tiếng Kinh không sõi lắm, nhưng nghe cũng hiểu: “Từ ngày có nhà, an cư lạc nghiệp, chúng em bảo nhau, trồng cây lâm nghiệp, nuôi lợn, làm đậu phụ... nên đã thoát nghèo, còn tự xây thêm một gian phòng mới”. Ở đây có nhiều nhà như thế.

Thật mừng, miền đất hẻo lánh này, từng bước giảm hộ nghèo, từ 30% xuống 10%. Người vùng biên sống yên bình khi có những người bạn đồng hành thật chung thủy. Họ là những chiến sĩ quê hương ở xa, rất xa trên khắp 9 tỉnh, thành thuộc quân khu Ba được điều về đây công tác .

Giám đốc Lâm trường 156, thiếu tá Nguyễn Huy Hoàng quê ở tỉnh Hải Dương là một người từng trải. Anh kể rằng: Ở mặt trận này, người lính cụ Hồ không chỉ có sức khỏe, tính kiên trì bền bỉ mà còn phải biết làm nhiều việc, miệng nói tay làm mới có thể gần gũi dân, được dân tin yêu.

Trên miền đất khát khô sỏi đá này, rễ cây rừng đang bám chắc trong từng tấc đất biên cương. Bây giờ không chỉ có rừng quế, rừng hồi, mà còn có rừng xạ đen. Mô hình trồng 2000 m2 cây xạ đen đã được “Ban xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh” quyết định công nhận là sản phẩm có lợi thế của địa phương sẽ được nhân rộng trên địa bàn. Và, đặc biệt cây mận đã được trồng trên các sườn núi ở Bắc Cương. So với khu Tây Bắc, cây mận ở đây chỉ như một vì sao giữa muôn ngàn tinh tú giữa bầu trời. Nhưng lần đầu hàng nghìn cây mận mỡ màng lên búp mới, lấp lánh một ánh sáng, báo hiệu một niềm vui người vùng biên.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuyện kể ở vùng biên

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO