Chuyên nghiệp kiểu nghiệp dư

Thanh Hà 21/08/2020 14:00

Bóng đá Việt bỗng trở nên nóng bỏng chỉ trong vòng 24 giờ sau những động thái trái ngược xung quanh sự việc CLB Thanh Hóa xin dừng cuộc chơi ở V-League.

Tuyên bố bỏ rồi lại chơi của Thanh Hóa cho thấy dù V-League khoác lên mình chiếc áo chuyên nghiệp mà vẫn còn cách hành xử theo kiểu cực kỳ... nghiệp dư. Không chỉ vậy, nó còn chỉ ra việc đội bóng là con tin, là công cụ sử dụng của các ông bầu để họ thực hiện những toan tính riêng chứ còn CĐV “tài sản lớn nhất” của CLB cũng sẽ chỉ là câu khẩu hiệu khi họ cần.

Chủ tịch CLB Thanh Hóa Nguyễn Văn Đệ.

Đội bóng là con tin

Tiếng sét đánh vào V-League lúc này không chỉ bởi dịch Covid-19 khiến tất cả các giải đấu phải tạm dừng mà nó còn đến từ những quyết định gây sốc của các ông bầu ở V-League. Đó là quyết định đánh công văn không thi đấu tiếp ở V-League của bầu Đệ hay quyết định đem những cầu thủ tốt nhất của mình đang sở hữu đi cho đội bóng khác mượn của bầu Hùng. Gây bão nhất chính là CLB bóng đá Thanh Hoá quyết định không tiếp tục tham gia các trận đấu còn lại của Giải bóng đá vô địch quốc gia Việt Nam LS 2020 do không biết thời điểm chính thức giải sẽ được thi đấu trở lại trong khi tình hình hoạt động của CLB bóng đá Thanh Hoá đang gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt là nguồn tài chính để duy trì hoạt động. Chủ tịch Nguyễn Văn Đệ gửi công văn xin dừng không thi đấu tiếp nhưng trong chính công văn đó ông vẫn “bỏ ngỏ” nhiều chi tiết khó hiểu, nửa vời như: Để đảm bảo an toàn cho các VĐV và Ban huấn luyện, trước mắt, CLB Thanh Hoá cho phép các thành viên về với gia đình nghỉ ngơi, thực hiện những biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, duy trì tập luyện trực tuyến tại nhà theo giáo án được Ban huấn luyện đề ra và chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để tham gia thi đấu tại Giải bóng đá vô địch quốc gia Việt Nam LS 2020.

Cùng với đó, ông bầu này cũng thòng tiếp trong công văn thông điệp sẽ thi đấu tiếp nếu được hỗ trợ tài chính: Trong trường hợp VFF, VPF có kế hoạch hỗ trợ tài chính cho các CLB bóng đá, trong đó có CLB bóng đá Thanh Hoá để duy trì hoạt động cho đến khi có thông báo Giải bóng đá LS V-League 2020 tiếp tục thi đấu trở lại, CLB bóng đá Thanh Hoá sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền tiếp tục tham gia Giải. Những vấn đề này khiến nhiều người thẳng thắn chỉ ra rằng mục đích thật sự và chiêu trò doạ dẫm bỏ giải để đạt được yêu sách nào đấy đã trở nên quá mức quen thuộc ở V-League, quen thuộc tới mức không ai nghĩ rằng tới thời điểm hiện tại vẫn còn có người lôi ra sử dụng. Giả sử nếu không có cuộc họp ngày 29/7 vừa rồi của FIFA cùng các LĐBĐ quốc gia kèm thông báo FIFA sẽ hỗ trợ 1,5 triệu USD cho mỗi LĐBĐ thì hẳn là không có chuyện gì, bởi ở lần tạm hoãn trước đó của V-League 2020, các CLB phải nghỉ đến 70 ngày mà có thấy ai lên tiếng đòi bỏ giải, còn lần này thì V-League 2020 mới hoãn chưa được 2 tuần và vừa có tin VFF sẽ được FIFA bơm tiền thì lập tức xảy ra chuyện.

Chỉ chưa đầy 24h sau công văn gửi VFF và VPF, “bầu” Đệ đã bị lãnh đạo Sở VHTTDL Thanh Hóa tuýt còi buộc phải xin rút công văn vì không phù hợp với chủ trương của tỉnh. Tiếp tục tham gia và hoàn thành giải VĐQG V-League 2020 khi BTC giải quyết định phương án, xác định thời gian tổ chức trở lại là chỉ đạo mới nhất của tỉnh Thanh Hóa đối với CLB bóng đá Thanh Hóa sau khi đội bóng này gửi công văn xin thôi không tham gia giải.

Ông Phạm Nguyên Hồng, Giám đốc Sở VHTTDL Thanh Hóa cho biết: “Sau khi nhận được công văn số 310/CLBBĐTH-CV của CLB Thanh Hóa về việc xin thôi không tham gia giải vô địch bóng đá quốc gia V-League 2020, Sở VHTTDL đã báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Thanh Hóa. Mùa giải năm nay, CLB bóng đá Thanh Hóa gặp nhiều khó khăn, nhất là về vấn đề tài chính và giải vô địch quốc gia V-League đã 2 lần phải tạm hoãn, buộc phải thay đổi thể thức thi đấu do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên, đây là khó khăn chung của bóng đá nước nhà và các CLB đều phải cố gắng khắc phục”.

Ngay sau khi có yêu cầu từ Sở VHTTDL Thanh Hóa, bầu Đệ cho biết ông ủng hộ chủ trương của lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo Sở bởi bóng đá là của nhân dân Thanh Hoá, do tỉnh lãnh đạo. Bầu Đệ cho biết ông cũng đã nói chuyện với lãnh đạo VFF; VPF và tìm được tiếng nói chung để đi đến quyết định rút lại công văn đã gửi. Trong một phát biểu mới nhất. Chủ tịch CLB Thanh Hóa Nguyễn Văn Đệ cho biết: “Sau khi CLB gửi công văn, LĐBĐ Việt Nam, Công ty CP bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) và Ban điều hành các giải bóng đá quốc gia có những trao đổi thẳng thắn, động viên CLB Thanh Hóa tiếp tục tham gia giải V-League 2020 khi có phương án, xác định thời gian. Nếu phương án tổ chức giải trở lại được quyết định, CLB Thanh Hóa nói riêng và các đội bóng khác cũng thuận lợi hơn trong việc đề ra các kế hoach, giải pháp và sự chuẩn bị kịp thời nhất. Khi đó, CLB Thanh Hóa sẽ tiếp tục thi đấu, hoàn thành mùa giải theo đúng lịch thi đấu do ban tổ chức đề ra”.

Việc tuyên bố “nghỉ chơi” V-League 2020 và ngay sau đó lại xin rút công văn của lãnh đạo CLB Thanh Hóa càng chứng minh sự thiếu chuyên nghiệp của nhiều CLB ở V-League. Tất cả đều dễ dàng nhận thấy “thông điệp” mà Thanh Hóa gửi đến VFF, VPF là cần được hỗ trợ tài chính. Tuy nhiên, cách tuyên bố “nghỉ chơi” như vậy là rất không chuyên nghiệp, bất chấp hậu quả và nó càng cho thấy V-League vẫn chưa thể là giải chuyên nghiệp khi tính nghiệp dư nơi thượng tầng lãnh đạo CLB vẫn còn cao. Câu chuyện của CLB Thanh Hóa chỉ là một lát cắt điển hình khi nhìn về những gì còn chưa ở vào mức độ chuyên nghiệp, bài bản, có lớp lang của bóng đá Việt. Tổng thể hơn sẽ thấy lộ ra những bất cập về tổ chức, quản lý và điều hành. Khó khăn của Thanh Hóa hay của bất kỳ đội bóng nào đó trong tình thế giải đấu tạm dừng lại vì dịch bệnh thế này chắc chắn là có. Tuy vậy, đã tham gia vào giải chuyên nghiệp cần mỗi đội phải có được sự tích lũy căn bản về mọi thứ liên quan để tham gia cuộc chơi một cách chuyên nghiệp nhất, chứ không phải đụng khó khăn sẽ lộ ra những thiếu hụt của mình và ứng xử thiếu chuyên nghiệp.

“Tài sản lớn nhất” bị lãng quên

Những ai đã tới sân Thanh Hóa theo dõi đều ấn tượng với một câu slogan được treo hoành tráng trong SVĐ Thanh Hóa từ bao năm qua: “Tài sản lớn nhất của CLB Thanh Hóa chính là người hâm mộ”. Vậy khi tuyên bố bỏ giải, người đang lãnh đạo đội bóng xứ Thanh có nghĩ đến “tài sản lớn nhất”?
Cũng liên quan tới “tài sản lớn nhất”, trước đó, câu chuyện coi thường CĐV nhà cũng đã xuất hiện ở V-League mùa này khi Than Quảng Ninh sau khi đã có được vị trí an toàn đã cho quân đi “tiếp viện” Hải Phòng đang trong cuộc chiến trụ hạng. Than Quảng Ninh gây sốc khi để Fagan, Nghiêm Xuân Tú và Mạc Hồng Quân chuyển tới Hải Phòng theo dạng cho mượn tới cuối mùa giải. Điều đáng nói, đội bóng đất Mỏ còn nguyên cơ hội đua vô địch khi đang xếp thứ ba trên BXH và chỉ kém đội đầu bảng Sài Gòn 4 điểm trong bối cảnh mùa giải vẫn chưa trôi qua nửa chặng đường. Điều này khiến các CĐV đội bóng đất Mỏ phản ứng dữ dội. Những cầu thủ thứ 12 của Than Quảng Ninh tuyên bố sẽ không tiếp tục đồng hành cùng đội bóng trong thời gian tới khi cảm thấy không còn được tôn trọng và phản bội tình yêu của họ. Sau khi chứng kiến động thái cho mượn quân của lãnh đội Than Quảng Ninh, một CĐV trung thành với họ là Vũ Thanh Thúy - một CĐV trung thành và là người có tiếng nói của Hội CĐV Than Quảng Ninh suốt nhiều năm qua đã phải lên tiếng phản ứng trên trang cá nhân. Chị Thúy chẳng phải người quá xa lạ với các CĐV Việt Nam khi là tác giả của câu hát “Bay lên trời là em bay ra ngoài” mỗi khi cổ vũ cho đội chủ sân Cẩm Phả và ĐT Việt Nam đã bày tỏ sự thất vọng với đội bóng và tuyên bố sẽ không đồng hành ủng hộ đội bóng quê hương trong thời gian tới. Tuyên bố của nữ CĐV này nhận được nhiều sự tán đồng của các thành viên trong Hội CĐV Than Quảng Ninh.

Người hâm mộ Quảng Ninh hoàn toàn có cơ sở để tin rằng lãnh đạo đội nhà đang quay lưng với tình yêu, khát vọng của họ nên dẫn đến lựa chọn phản đối bằng việc không tiếp tục “cháy” trên khán đài trong thời gian tới. Trước việc làm của “bầu” Hùng, nhiều người cho rằng, có lẽ vì toan tính đặc biệt đã buộc Chủ tịch CLB Than Quảng Ninh đành gạt đi “cái chung” của đội nhà. Người ta đoán già đoán non rằng, việc cho mượn 3 trụ cột để Hải Phòng chống rớt hạng liên quan mật thiết đến cuộc chạy đua vào ghế Phó Chủ tịch tài chính VFF của ông Hùng. Dĩ nhiên, ông Hùng phủ nhận, với lý do muốn tạo cơ hội cho cầu thủ trẻ. Tính toán của ông Hùng cụ thể ra sao, chỉ mình ông bầu này biết rõ. Nhưng nếu quyết định trên mang nhiều toan tính cá nhân và sẵn sang đem “con tin” của mình cũng như “tài sản lớn nhất” phục vụ mục đích đó thì việc CĐV đất Mỏ nổi giận và tẩy chay đội nhà thì đó là cái tát lớn vào bóng đá vùng mỏ nói riêng và bóng đá Việt Nam nói chung.

V-League đang tạm hoãn do dịch Covid-19 và chưa biết ngày trở lại. Nhưng vị đắng thì không chỉ đến từ việc bị gãy cảm xúc, mà cay đắng là khi tình yêu bị phản bội. Những hành xử của các ông bầu ở V-League lúc này càng cho thấy dù mang cái mác chuyên nghiệp nhưng thực tế khó đạt được điều đó khi mà nhiều đội bóng vẫn sống bằng ngân sách, bằng tiền túi của các ông bầu, khi bóng đá không thể nuôi nổi bóng đá.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuyên nghiệp kiểu nghiệp dư

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO