Chuyến tàu vét…

Vi Cầm 07/02/2018 07:00

Những ngày qua, cụm từ “chuyến tàu vét” được nhắc tới nhiều lần chính là câu chuyện hơn 1.200 Giáo sư (GS), Phó Giáo sư (PGS) được phong danh năm 2017. Nhiều người băn khoăn về chuyến tàu “chạy vét” chức danh lần này có ảnh hưởng đến chất lượng GS, PGS năm 2017 hay không? Rồi việc đạt chuẩn và việc được công nhận chức danh GS, PGS khác nhau như thế nào?

Thậm chí nhiều chuyên gia cho rằng tiêu chí xét duyệt các chức danh nói trên ở Việt Nam đang có nhiều bất cập, cần phải thay đổi tiệm cận tiêu chuẩn quốc tế.

Một thống kê cho thấy, 34% GS, trên 53% PGS được xét duyệt năm 2017 không có bài báo khoa học đăng trên các tạp chí nổi tiếng quốc tế. Cụ thể, trong số 85 GS được xét duyệt lần này có 56 GS có bài báo đăng trên tạp chí ISI và Scopus với số lượng 924 bài; trung bình 16,5 bài/GS có bài trên tạp chí ISI/Scopus, chiếm gần 66%. Đối với PGS, trong số 1.141 người được xét duyệt thì có 532 người có bài báo đăng trên các tạp chí nổi tiếng thế giới, chiếm 46,6%.

Trước những băn khoăn của dư luận về số lượng cũng như chất lượng GS, PGS được phong hàm lần này, GS.TSKH Trần Văn Nhung- tổng thư ký Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước cho hay: Việc đạt chuẩn, tức là so với các tiêu chuẩn đặt ra, các ứng viên đã đạt được. Theo các quy định về tiêu chuẩn hiện hành, cho đến nay chưa có yêu cầu cụ thể, bắt buộc đối với ứng viên GS, PGS phải có bài báo quốc tế ISI, Scopus. Mặc dù vậy, HĐCDGSNN đã khuyến khích và hoan nghênh các công bố quốc tế. Thực tế cho thấy, các ứng viên thuộc các ngành Khoa học Tự nhiên, Kỹ thuật và Công nghệ đã có nhiều công bố quốc tế có giá trị. Đây chính là nền tảng để trong tương lai gần, yêu cầu có công bố quốc tế sẽ chính thức được đưa vào quyết định mới của Thủ tướng Chính phủ thay thế cho Quyết định số 174/2008/QĐ-TTg và Quyết định số 20/2012/QĐ-TTg. Trong quá trình xem xét hồ sơ ứng viên, các Hội đồng Chức danh GS cơ sở, Hội đồng Chức danh GS ngành, liên ngành đã thực hiện nghiêm túc việc xét hồ sơ, đánh giá trình độ chuyên môn và khả năng sử dụng ngoại ngữ của ứng viên. Nhiều hội đồng ngành/liên ngành có số lượng ứng viên đạt chỉ chiếm khoảng 50-60% số ứng viên do hội đồng cơ sở chuyển lên.

Ông Nhung cho rằng, năm nay cũng là năm đầu tiên Bộ GD&ĐT cử Thanh tra Bộ đến các hội đồng cơ sở, hội đồng ngành để kiểm tra hồ sơ, quy trình xét của các hội đồng. Tỷ lệ ứng viên đạt kết quả qua 3 cấp cho thấy, khâu “sàng” ở các Hội đồng Chức danh giáo sư cơ sở, khâu “lọc” ở Hội đồng Chức danh giáo sư ngành, liên ngành và khâu “xét duyệt” của Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước đã có sự phối hợp rất tốt để nâng cao và đảm bảo mặt bằng chất lượng chung trong phạm vi cả nước, các ngành, liên ngành và chú ý đặc thù vùng miền, dân tộc ít người.

Theo tinh thần dự thảo mới, từ năm 2019 trở đi, để được công nhận chức danh GS thì ứng viên ít nhất 2 bài báo khoa học trên tạp chí khoa học quốc tế thuộc hệ thống ISI, Scopus… Về điều này, GS Nguyễn Văn Tuấn - Viện Garvan, Úc cho rằng: Những quy định về số bài báo khoa học là cần thiết nhưng chưa đủ. Nếu chỉ có 2 bài báo khoa học thì vẫn là quá thấp và quá đơn giản. Đơn cử như một nghiên cứu sinh ở Úc cũng đã có ít nhất 2 bài báo khoa học trước khi bảo vệ luận án tiến sĩ. Do đó, quy định 2 bài báo vẫn chưa đủ, bởi vì đó chỉ là lượng; cần phải xem xét đến chất nữa. Vấn đề không phải là bao nhiêu bài báo khoa học, mà là những bài đó được công bố ở đâu, ứng viên đóng vai trò gì trong bài báo, và bài báo có tác động như thế nào đến chuyên ngành. Tất cả những khía cạnh vừa kể không có trong qui định.

Theo như lý giải của Hội đồng chức danh GS nhà nước, sở dĩ số lượng GS, PGS tăng đột biến là do tâm lý các ứng viên mong muốn được xét theo quy định hiện hành (Quyết định số 174 – của Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2008 về quy định tiêu chuẩn thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh GS, PGS), trước khi có sự thay đổi về tiêu chuẩn chức danh. Dù thế nào, lượng GS, PGS năm 2017 tăng nhanh, cùng sự bùng nổ các cơ sở đào tạo bậc thạc sĩ, tiến sĩ đang khiến dư luận không khỏi lo ngại về chất lượng và những đóng góp thiết thực của các nhà khoa học đối với cộng đồng. Bởi trên thực tế lâu nay chức danh GS, PGS của Việt Nam không hề ít, nhưng những công trình sáng chế của họ lại vô cùng khiêm tốn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuyến tàu vét…

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO