Chuyện tử tế - nhân lên những mầm thiện

Thu Hương - Lam Nhi (ghi) 21/06/2019 09:00

Nếu một ngày bạn than thở trước sự bất công của cuộc đời, bạn khóc lóc trước những trái ngang của cuộc sống thì có lẽ bạn đã tìm được câu trả lời khi nghe chương trình này.

Đó là tâm sự của một phóng viên nhắn nhủ với bạn nghe đài, cũng là nhắc nhở chính mình hãy lạc quan lên vì được sống trên đời đã là một hạnh phúc. Lựa chọn nghề báo là cơ hội để được đi, được gặp gỡ những thân phận người khác nhau trong xã hội. Lắng nghe những câu chuyện của họ và truyền tải một cách chân thực nhất đến với bạn đọc. Những hành động đẹp, có ích cho cộng đồng, những tấm gương giàu nghị lực vươn lên trong cuộc sống, những ước mơ thơ ngây của con trẻ mong được là “một người bình thường” – nghĩa là hàng ngày không phải tiêm truyền, không phải đến bệnh viện, không phải đối mặt với căn bệnh ung thư quái ác mà ở tuổi lên 5, lên 6 các em còn chưa hiểu hết nghĩa của từ ung thư là thế nào…

Báo chí với chức năng nhiệm vụ của mình lâu nay vẫn phản ánh, đưa tin và tuyên truyền về người tốt việc tốt, những chuyện tử tế - những “phần sáng” trong cuộc sống hàng ngày. Vạn lời nói hay không bằng một hành động đẹp thực sự. Trong thời đại cạnh tranh thông tin khốc liệt vẫn cần lắm những bài báo hay, những câu chuyện đẹp được phản ánh để lay động độc giả, để nhân lên những điều tốt đẹp trong cuộc sống này.

Chuyện tử tế - nhân lên những mầm thiện

Nhà báo Nguyễn Trần Anh Thu.

Nhà báo Nguyễn Trần Anh Thu, Đài Tiếng nói Việt Nam:Tôi muốn truyền cảm hứng lạc quan tới mọi người

Nhiều khán thính giả nghe đài VOV2 đã quen thuộc với giọng kể lạc quan, tươi tắn và đầy cuốn hút của nữ phóng viên Nguyễn Trần Anh Thu, ban Văn hóa - Xã hội. Chị chính là người thực hiện số đầu tiên của chương trình Đời như cổ tích. Và đến bây giờ, Anh Thu cũng là người viết nhiều nhất từ khi chương trình ra đời.

Chương trình phát vào lúc 6h50’ và phát lại lúc 10h5’ thứ 7, thứ 3, thứ 5 cũng khung giờ đấy. Với thời lượng 10 phút, chương trình nói về những người tốt việc tốt, những người có nghị lực vươn lên trong cuộc sống với hành động đẹp có ích cho cộng đồng.
Mỗi tuần một nhân vật, một câu chuyện tử tế được phản ánh trong suốt hơn 3 năm qua là một hành trình bền bỉ của cả êkip thực hiện chương trình, trong đó có Anh Thu. Chị bảo, việc được đi nhiều nơi, gặp gỡ với nhiều người, mắt thấy tai nghe nhiều câu chuyện xúc động – với tôi, đó là niềm vui làm nghề.

PV: Hàng trăm chương trình Đời như cổ tích đã được phát sóng, chị và những người thực hiện có khó khăn khi tìm kiếm đề tài không?

Nhà báo Nguyễn Trần Anh Thu: Khi bắt đầu làm, chúng tôi đặt ra tiêu chí là phải tìm kiếm những nhân vật rất lay động, những câu chuyện mới. Những số đầu của chương trình rất thành công. Có những thính giả tìm kiếm facebook của tôi và comment là: “Em cảm giác như chị đang viết câu chuyện cổ tích về thời hiện đại vậy”.

Bất kể một format chương trình nào cũng vậy, khi nó tồn tại một thời gian thì cũng xảy ra tình trạng khan hiếm nhân vật hay. Nên không phải số nào cũng đều tay. Nói thật là đôi khi để tìm được nhân vật tử tế thôi đã khó rồi.

Chúng tôi hay nói đùa với nhau là, mỗi tuần 1 nhân vật tử tế có mà ngất à? 10 phút lên sóng, tưởng như ngắn thôi nhưng bao gồm rất nhiều công phu trong đó: Phóng sự, phỏng vấn, kể chuyện, âm thanh,... Phóng viên thực hiện chương trình cũng phải liên tục thay đổi để tránh nhàm chán.

Cũng có những nhân vật cực kỳ hay, để lại trong lòng những người thực hiện như chúng tôi rất nhiều ấn tượng nhớ mãi không quên. Nhưng cũng có những nhân vật, mình phải chấp nhận là câu chuyện của họ chỉ có như vậy thôi.

Cụ thể, chị tìm kiếm nguồn tin như thế nào?

- Những nhân vật, đối tượng ở trong chương trình này thường được “khoanh vùng”, chẳng hạn người tốt trên đời này có thể rất nhiều: Thầy giáo giúp đỡ học sinh của mình bằng cách nhịn ăn sáng để dành tiền, hoặc một bác dành nhà của mình để cho các bạn học sinh lên ở miễn phí những ngày thi... Ngoài những đối tượng trong đời sống xã hội ra, chúng tôi còn quan tâm đến những người khuyết tật, người yếu thế trong xã hội. Viết về nghị lực của họ, đã vươn lên như thế nào, sống như thế nào khi thiếu đi một bộ phận nào đó trên cơ thể. Những con người vượt qua nghịch cảnh để trở thành một công dân bình thường, có ích cho xã hội thôi đã là một tấm gương khích lệ đối với những người khác...

Với những người làm báo một thời gian, mối quan hệ cũng nhiều và khoanh vùng đối tượng cũng tốt hơn, nhưng không phải lúc nào cũng tìm được nhân vật hay. Chẳng hạn có thể tham khảo từ báo bạn nhưng phải tìm được góc cạnh khác của nhân vật để khai thác.

Chị tận dụng ưu thế của loại hình báo nói như thế nào để xây dựng câu chuyện lay động khán giả?

- Lợi thế của phát thanh là lợi thế về âm thanh tiếng động và âm nhạc. Chúng tôi cũng phỏng vấn nhân vật, đắp những ý tứ hay nhất... nhưng quan trọng nhất là lựa chọn cách kể nào cho hấp dẫn. Không bao giờ tôi nghĩ rằng mình đang làm một bài phản ánh về nhân vật mà là đang kể một câu chuyện cho khán thính giả.

Nhiều người đặt tiêu chí xúc động lên đầu còn cá nhân tôi lại đặt tiêu chí chân thật và mang lại cảm giác lạc quan, vui tươi, cho người nghe. Tôi không muốn người ta nghe chương trình của mình thấy buồn, cảm thấy sao mà đời nhiều người khổ thế, sao lắm nước mắt thế. Tôi không muốn nhân vật của mình khi phát sóng lên trở thành một hiện tượng trong xã hội khiến người khác phải quá chú tâm. Tôi chỉ nghĩ đó là một người bình thường với những việc làm tốt đẹp.

Hãy nhìn cuộc đời bằng sự lạc quan bởi có rất nhiều người tốt như thế. Tôi luôn luôn thích kể một câu chuyện chân thật, đơn giản và mang lại sự vui tươi lạc quan là vì thế.

Không nhất định phải là một câu chuyện quá nổi trội và đặc biệt mà quan trọng là cách kể. Trở lại số đầu tiên chị làm, chị còn ấn tượng về nó không?

- Tôi nhớ rõ phản hồi của thính giả khi tôi thực hiện số đầu tiên của Đời như cổ tích. Trước đó là chương trình Nhân đạo, sau đó đổi format, tên chương trình từ tháng 4/2016. Tôi viết về em sinh viên ở trường ĐH Bách khoa Hà Nội chạy xe ôm để kiếm tiền cho bạn chữa bệnh.

Nói thật đó là chương trình duy nhất tôi không bao giờ nghe lại. Bất ngờ là rất nhiều bạn bè của nhân vật nghe được chương trình đó, họ nói đó là một góc nhìn khác về bạn mình mà không phải theo cách tung hô, tô hồng hay bôi đen nhân vật. Sau phóng sự đó, tôi và nhân vật trở thành những người bạn thân thiết đến tận bây giờ.

Nhiều chương trình khác tôi cũng chăm chỉ đưa lên mạng xã hội và từ đó, rất nhiều người đã tìm đến facebook để kết bạn với tôi. Tôi cũng nhận được nhiều cuộc điện thoại của khán thính giả... Lúc ấy, tôi thấy mạng xã hội thật tuyệt vời!

Tôi nghĩ rằng sự quan tâm của khán giả, dù là khen hay chê cũng là phần thưởng cho phóng viên, nhất là với báo phát thanh không lên hình, “lời nói gió bay”... Nhưng niềm vui lớn hơn đó là nhân vật. Thông qua mỗi số của chương trình, tôi được làm việc với những tấm gương lạc quan trong cuộc sống. Chưa có một nhân vật nào cảm thấy hổ thẹn khi nghe lại chương trình tôi thực hiện vì phóng viên nói về họ hay quá so với thực tế. Có những người cảm ơn tôi vì đã hiểu họ. Và chúng tôi luôn giữ mối quan hệ tốt đẹp với nhau sau mỗi chương trình được phát đi....

Để viết thật về nhân vật nhưng đủ sức lay động khán giả thì không dễ?

- Viết chân thật giản dị không có nghĩa là bê nguyên lời của nhân vật vào. Quan trọng là góc nhìn của nhà báo, cách hiểu, cách cảm về câu chuyện. Nhiều người khuyết tật tâm sự với tôi, mọi người cứ khen ngợi những người khuyết tật nhiều quá. Họ không hề như thế, hoàn cảnh buộc họ phải như thế. Mình kể câu chuyện dưới góc độ hành trình vượt lên của chính họ như thế nào thay vì dùng những tính từ, cách ví von để nói quá lên về nỗi đau, sự tủi hờn của họ...

Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!

Chuyện tử tế - nhân lên những mầm thiện - 1

TS Nguyễn Tùng Lâm.

TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội: Đừng để số lượng lấn át chất lượng

Báo chí với chức năng định hướng dư luận xã hội, việc truyền thông những câu chuyện tử tế, những tấm gương giàu lòng nhân ái, nghị lực vươn lên trong cuộc sống là một mảng đề tài quan trọng. Đó là yêu cầu của xã hội, là trách nhiệm của phóng viên. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở việc hô hào viết về người tốt việc tốt thì rất khó.

Trong bối cảnh những tin tức nóng sốt liên quan đến mặt trái trong xã hội, những tiêu cực xảy ra ở nơi này nơi kia được nhiều người quan tâm thì nhà báo đưa tin nhanh chóng, kịp thời là đúng và cần khuyến khích. Nhưng tôi cho rằng, mỗi tòa soạn cần dành đất, dành vị trí xứng đáng cho việc nêu gương tử tế thì mới đẩy lùi được cái xấu trong xã hội.

Ngay trong lĩnh vực giáo dục, mỗi ngày mở trang báo ra toàn thấy những chuyện buồn, chuyện tiêu cực. Nhiều thầy cô giáo hy sinh cống hiến làm cho học trò thay đổi tiến bộ hơn thì đâu có mấy bài viết? Nếu so sánh về tỷ lệ thì chắc phải hàng trăm bài tiêu cực mới có 1 bài nêu gương người tốt.

Tôi cho rằng, mọi người đều phải chung tay mới làm được. Từ phía các nhà trường cũng phải hợp tác trong việc giới thiệu còn từ phía phóng viên cũng phải tìm kiếm những gương tích cực. Nếu chỉ đổ xô vào những chuyện tiêu cực để câu view thì sẽ không thể giúp xã hội tiến bộ hơn. Sự thay đổi trước hết ở lãnh đạo tòa soạn báo, không phải cứ kêu gọi bài tích cực nhưng lại trả thù lao không đủ khuyến khích thì rất khó.

Thứ hai là hiện nay độc giả không phải tất cả đều có trình độ và không phải ai cũng thích thú nhiều với những bài viết về người tốt việc tốt, chuyện tử tế. Nhiệm vụ của báo chí là định hướng dư luận nên cần biểu dương những phóng viên có nhiều sáng kiến, nhiều cách làm để thay đổi.

Một khó khăn tôi hiểu là người tốt cũng ngại xuất hiện trên mặt báo, vì không ai có thể nắm tay được cả ngày. Quan trọng là cách tiếp cận với họ ra sao, kể câu chuyện thế nào để đừng tô hồng bôi đen nhân vật quá đáng khiến họ “sợ” truyền thông.

Như thời Cụ Hồ, sự khuyến khích hết sức thiết thực, hàng ngày phải có gương người tốt việc tốt, báo nào cũng phải làm. Cần kêu gọi cả ở các báo chí địa phương vào cuộc, không chỉ tập trung ở các thành phố mà ở đâu cũng có người tốt, việc tốt, quan trọng là chịu đi, chịu lắng nghe. Cách viết cũng cần linh hoạt, mềm mại và viết xúc động nhưng vẫn phải đảm bảo chân thực, tuyệt đối không bịa đặt. Chúng ta quan tâm đến số lượng nhưng cũng cần chất lượng, đọc xong mỗi bài báo phải đọng lại trong lòng độc giả điều gì đó, cao hơn nữa là phải lay động được độc giả…

Chuyện tử tế - nhân lên những mầm thiện - 2

TS Khuất Thu Hồng.

TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội:Nhân lên những điều tốt đẹp

Bản chất con người ở đâu cũng thế, người ta tò mò với tin tiêu cực, lo lắng về sự an toàn, an nguy, những mặt trái của xã hội, đó là điều bình thường. Viết về những cái đó dễ thu hút người đọc hơn, chưa kể một số tờ báo cũng muốn câu view nên không thể phủ nhận thực tế như vậy tạo ra tình trạng một số nhà báo dễ dàng để viết, đưa tin về những vụ việc mặt trái hơn là tích cực.

Chưa kể những từ ngữ bi ai thống thiết hoặc viết kiểu giật tít khiến mọi người quan tâm hơn, tờ báo cũng dễ bán hơn. Trong khi viết về người tốt việc tốt rất khó vì không cẩn thận dễ khiến cho người đọc nhàm chán, dễ gây cảm giác sáo rỗng, công thức. Đó chính là một thách thức với các nhà báo. Viết như thế nào để người lay động được người đọc, sau đó là đọc rút ra được bài học.

Muốn vậy, phải đầu tư công sức rất nhiều, phải đi sâu tìm hiểu về nhân vật và tìm được góc nhìn đặc biệt, hấp dẫn ở người đó hoặc câu chuyện xung quanh họ. Cũng có thể kể câu chuyện của họ dưới góc nhìn của người khác vì để người khác nói về họ có thể khách quan hơn chính họ nói về mình... Có thể tận dụng các góc nhìn đa chiều cho bài viết sinh động...

Nhưng trong thời đại cạnh tranh thông tin thế này, liệu người ta có sẵn sàng bỏ thời gian ra để viết ra những bài lắng đọng như vậy? Một câu chuyện hay phải có tình tiết, có kịch tính, có cao trào... thì nhà báo phải bỏ công sức vào đấy. Thay vì một ngày viết một bài thì đưa ba bài theo dạng phản ánh sẽ dễ dàng hơn nhiều…

Các tờ báo muốn đưa tin về người tử tế cần có sự khuyến khích hỗ trợ cho phóng viên của mình có định hướng về nghiệp vụ, cách tác nghiệp, cách truyền cảm hứng cho phóng viên và nhân vật. Phải dành thời gian đầu tư công sức, viết để lay động độc giả, để người đọc cảm thấy cần thay đổi theo hướng tích cực...

Nhưng tất cả các tờ báo có nhận thấy điều đó hay không? Đã có chính sách gì, phương pháp gì, cách làm nào để khuyến khích cho các phóng viên của mình để đưa tin về các tấm gương như thế. Đó là câu hỏi mình đặt ra.

Nhiều người lo lắng về tần suất xuất hiện của những tin tiêu cực lấn át những tin về người tốt việc tốt nhưng tôi nhận thấy rằng, thực ra những tin bài tích cực như vậy cũng nhiều, không hề ít. Tuy nhiên, cách viết chưa đủ thu hút người đọc, khiến độc giả “quay lưng” đi, viết theo cách nhàm chán, công thức, thậm chí là sáo rỗng. Tại sao mình viết vụ án ly kỳ rùng rợn như vậy nhưng viết về người tốt lại nhạt nhẽo như vậy? Có phải vì câu chuyện về họ chưa đủ hấp dẫn hay phóng viên của chúng ta chưa đầu tư?

Chẳng hạn chúng ta đưa tin về một em học sinh nhặt được của rơi trả lại người đánh mất, nếu chỉ đơn thuần nói về việc em được trao bằng khen thì chỉ vài dòng là... hết chuyện. Nhưng có thể chọn cách phỏng vấn em đó, gặp gỡ những người xung quanh em tìm hiểu về hoàn cảnh gia đình, tính cách của em, phân tích về hành động đó để từ đó rút ra bài học để trở thành một tấm gương và nhân rộng những điều tốt trong cuộc sống.

Nhìn lại, có những gương người tốt việc tốt được lan truyền trên mạng xã hội lại có sức lan tỏa rất lớn trong cộng đồng bởi đó là câu chuyện thật, người đưa câu chuyện lên là vì người ta thấy thực sự cảm động. Còn nhà báo, đôi khi viết bài khi được phân công chứ không phải vì sự rung động, cảm xúc hay cảm hứng. Bản thân nhà báo cũng cần nhìn sâu hơn để thấy vẻ đẹp của những câu chuyện người tốt việc tốt đấy và nghĩ ra cách để câu chuyện trở nên hấp dẫn. Có thể chỉ một chi tiết nhỏ thôi, không hề màu mè mà giản dị thôi... nhưng lại lay động người đọc.

Chuyện tử tế - nhân lên những mầm thiện - 3

Nhà báo Phan Thủy.

Nhà báo Phan Thủy báo Pháp luật và Xã hội:Những thanh âm trong trẻo của cuộc sống

Việc duy trì những chuyên mục về chuyện tử tế, người tốt việc tốt trên của mỗi tòa soạn chính là giữ lại “những thanh âm trong trẻo” của cuộc sống. Nó có rất nhiều tác dụng: Cổ vũ những cách sống đẹp, lan rộng những hành động đẹp, và giới thiệu những tâm gương sống đẹp đến với mọi người. Ngay như tờ báo nơi tôi công tác – Báo Pháp luật và Xã hội, 13 năm hình thành và phát triển, chuyên mục Sống đẹp chưa bao giờ “dừng” lại, vẫn được duy trì thường xuyên.

Nếu căn cứ vào lượt view trên báo mạng thì tin tức thu hút độc giả nhất không phải là tin người tốt việc tốt. Nếu không muốn nói là tràn lan trên các phương tiện thông tin đại chúng là tin tức về nơi này, nơi kia xảy ra tiêu cực. Đơn cử trong lĩnh vực giáo dục tôi theo dõi, mỗi ngày mở mạng đều thấy rất nhiều tin tức tiêu cực được một số tờ báo mạng nhiệt tình khai thác. Nhưng ngược lại, với tư cách là một nhà báo, tôi cũng biết có những thầy cô giáo như thầy hiệu trưởng của cậu học trò người chim Đinh Văn K’Rể, hay đại úy Trần Bình Phục ở đảo Hòn Chuối, thầy giáo Trà ở làng cổ Kim Liên, Hà Nội, hay chính một bác sĩ đã để lại gia đình 30 năm ở đất liền để công tác ở đảo… Tôi cũng đã đi lên các vùng biên giới, hải đảo và tâm sự với nhiều thầy cô giáo, họ thực sự không có thành tích gì nổi bật. Họ đơn giản là ở chỗ heo hút, điều kiện còn khó khăn vẫn ngày ngày đến lớp với học trò, gắn bó, làm tốt công việc của mình.

Tại sao tôi nhớ những thông tin đó? Bởi vì câu chuyện của họ rất tích cực, rất cảm động, bằng cách này hay cách khác được báo chí đăng tải, hoặc tôi tiếp xúc trực tiếp nên đã khiến bản thân cảm động.

Câu chuyện tôi chia sẻ ở đây là gì: Là cách tiếp cận thông tin của người đọc. Ngày ngày trên mặt báo, nhà báo chỉ bày ra cho họ chuyện sai, chuyện tiêu cực, thì người ta sẽ chỉ nghĩ đến tiêu cực. Tôi xin nhấn mạnh, các vụ việc sai phạm chỉ là cá nhân, nó không điển hình cho một ngành, một tập thể, nhưng cứ bị đẩy quá lên.

Là một phóng viên nhiều năm viết mảng đề tài này ở báo Pháp luật và Xã hội, tôi nhận thấy có một số khó khăn khi viết về người tốt việc tốt.

Một là: Người tốt việc tốt trong xã hội không thiếu, nhưng để họ đồng ý trả lời báo chí không dễ dàng. Người tốt thường có xu hướng “giấu mình” vì mấy lý do: Họ cho rằng việc mình làm rất bình thường, giản dị, không phải quá lên làm gì. Chính cái quá lên của báo chí khiến đôi khi họ bị tập thể, người xung quanh để ý nhiều hơn.

Hai là: Viết người tốt việc tốt dễ sa đà vào báo cáo thành tích – điều này trả lời các câu hỏi bên trên là tại sao những tin tiêu cực có vẻ như lấn át các tấm gương, câu chuyện sống tích cực. Bởi vì cách viết những tấm gương cũ mòn thì khó khiến độc giả chú ý được.

Ba là: Đề tài người tốt việc tốt đa phần giao cho phóng viên mới vào nghề viết, vì một nhà báo chuyên sâu mảng, có kinh nghiệm thì có nhiều việc hơn… trong khi để viết tốt, cần sự tương đồng nhất định về trải nghiệm cuộc sống của cả người viết lẫn người được viết. Viết về một con người, suy cho cùng không thể hời hợt, nhà báo gặp họ qua một vài giờ nói chuyện, rất khó để hay và cảm động được. Phải có sự trao đổi, tìm hiểu, đầu tư dày công hơn cho bài viết, điều này ít người, ít cơ quan báo chí làm được, nên giải thích cho câu hỏi không lay động, không lay động thì khó hút được sự quan tâm của độc giả lắm (Nhưng tôi cũng lưu ý, lay động là sự chân thật cảm động, chứ không phải là cố dàn xếp cho thành lay động).

Một đơn cử dễ thấy, những năm trước còn thi ĐH “3 chung”, nhiều phóng viên đến các trường ĐH thường hỏi: Buổi thi này có bao nhiêu thí sinh vi phạm? Một PGS phụ trách điểm thi của ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) đã hỏi ngược lại: Buổi hôm nay chúng tôi có khoảng 12.000 thí sinh dự thi, 3 em vi phạm quy chế, nghĩa là khoảng 11997 em còn lại là đúng quy chế thi đúng không? Tại sao hơn 11.900 em tốt không được nhắc đến, mà 3 em vi phạm lại được hỏi nhiều vậy?

Hiểu được cách tiếp cận thông tin thì báo chí mới tuyên truyền tốt được. Muốn thế viết về các tấm gương phải lay động hơn đi, phải chân thực, gần gũi và đánh thức được xúc cảm của người đọc đi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuyện tử tế - nhân lên những mầm thiện

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO