CLB Bóng đá Hải Phòng: Có nên tiếp tục vận hành bằng tiền thuế?

Hải Dương 28/02/2022 14:30

Mỗi năm, CLB Bóng đá Hải Phòng được ngân sách cấp từ 40 - 50 tỷ đồng. Thế nhưng, nhiều năm qua thành tích của CLB vẫn chỉ ở mức… trụ hạng. Trong “khuyến nghị” của Kiểm toán Nhà nước mới đây, việc chi ngân sách cho một đội bóng chuyên nghiệp chưa phù hợp quy định Luật tổ chức chính quyền địa phương, Luật Ngân sách nhà nước.

Chủ yếu từ "bầu sữa" ngân sách?

Theo thông tin từ Sở Văn hoá - Thể thao TP Hải Phòng, giai đoạn 2016 - 2020, mỗi năm ngân sách TP Hải Phòng hỗ trợ CLB Bóng đá chuyên nghiệp Hải Phòng 40 tỷ đồng.

Với 200 tỷ đồng hỗ trợ cho CLB bóng đá, Hải Phòng được xác định là địa phương chi nhiều tiền nhất cho một CLB bóng đá chuyên nghiệp.

Kết quả khảo sát của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, mỗi năm, một CLB chuyên nghiệp cần khoảng 35 tỷ đồng/năm để duy trì đội bóng.

Như vậy, với nguồn ngân sách cấp lên tới 40 tỷ đồng/năm trong những năm qua, CLB Bóng đá Hải Phòng cơ bản đảm bảo nguồn hoạt động ổn định.

CLB Bóng đá Hải Phòng trong ngày nhận tài trợ trang phục thi đấu mùa giải mới.

Mặc dù được sự quan tâm từ nguồn ngân sách thuộc diện top đầu các CLB bóng đá cả nước nhưng từ nhiều năm nay, thành tích của đội bóng Hải Phòng chưa được như kỳ vọng.

Mùa giải 2021, Hải Phòng đã quyết tâm cải tổ CLB Bóng đá khi đầu tư gần 100 tỷ sửa chữa, nâng cấp sân vận động Lạch Tray, tìm HLV giàu thành tích, thay Chủ tịch CLB… để phấn đấu đạt thành tích nằm trong Top 5 -V.League 2022.

Một vị nguyên lãnh đạo TP Hải Phòng đánh giá, CLB bóng đá chuyên nghiệp là để phát triển trên đôi chân của mình, CLB cần chủ động kinh doanh, kêu gọi tài trợ, khai thác thương quyền, tài trợ; mua, bán, chuyền nhượng cầu thủ để độc lập tài chính, không nằm trong sự kiểm soát, “nuôi dưỡng” của chính quyền, phù hợp với tiêu chí CLB chuyên nghiệp.

Nguồn tài chính ngân sách phải được phân bổ đến mục tiêu, mục đích sử dụng cho từng công việc thuộc chức năng nhà nước, ngân sách nhà nước không thể phân bổ chung chung duy trì hoạt động CLB bóng đá chuyên nghiệp - một đơn vị độc lập, không thuộc sở hữu của TP tại giải bóng đá vô địch quốc gia...

Bởi vậy, đã đến lúc Hải Phòng cần có những giải pháp thích ứng để CLB thoát khỏi “bầu sữa” ngân sách, để CLB, doanh nghiệp bóng đá tự giải quyết bài toán kinh tế bằng quy luật phát triển bóng đá chuyên nghiệp. V

iệc dựa vào ngân sách để duy trì, phát triển CLB bóng đá chuyên nghiệp là cách làm không phù hợp với bóng đá chuyên nghiệp. Nhà nước chỉ có thể giúp đỡ, can thiệp để CLB phát triển chứ không thể trực tiếp “nuôi” đội bóng.

Phải “đứng trên đôi chân của mình”

Ngày 25/12/2021, UBND TP Hải Phòng đã có quyết định số 3668/QĐ-UBND về việc giao dự toán thu, chi ngân sách năm 2022.

Điều đáng nói, theo quyết định này, CLB bóng đá Hải Phòng được xác định là 1 trong tổng số 151 đầu mối các “đơn vị sự nghiệp” hưởng ngân sách TP với mức hưởng lên đến 50 tỷ đồng, thuộc diện “top” trong các đơn vị sự nghiệp hưởng ngân sách cho hoạt động chi thường xuyên.

Mặc dù vậy, số tiền trên chưa vẫn được giải ngân. Hiện Sở Văn hóa - Thể thao thành phố đang xây dựng Đề án hỗ trợ tài chính duy trì và phát triển CLB Bóng đá Hải Phòng giai đoạn 2022 - 2026 để UBND TP Hải Phòng trình HĐND TP xem xét, phê duyệt.

Một lãnh đạo Sở Tài chính thông tin, nếu được HĐND TP Hải Phòng thông qua cơ chế hỗ trợ tài chính, cơ quan có thẩm quyền mới có thể cấp kinh phí cho đội bóng hoạt động.

Theo đó, trước khi được HĐND TP Hải Phòng thông qua nghị quyết hỗ trợ tài chính, CLB Bóng đá Hải Phòng vẫn được tạm cấp kinh phí từ nguồn ngân sách đã được UBND TP Hải Phòng phê duyệt.

Ông Nguyễn Văn Q., cựu công chức, một cổ động viên nhiệt thành đội bóng Hải Phòng nói, tiếng là đội bóng thuộc doanh nghiệp (Công ty Cổ phần Sông Hồng) nhưng kinh phí đội bóng chưa độc lập, thường xuyên dựa hoàn toàn vào ngân sách thì quá trình phát triển đội bóng sẽ khó bền vững.

Dùng tiền thuế của dân cho đội bóng không phải là hướng đi phù hợp của bóng đá chuyên nghiệp, trái với chủ trương xã hội hoá, tăng đầu tư xã hội để bóng đá chuyên nghiệp ngày càng phát triển…

Được biết, đây không phải lần đầu Kiểm toán Nhà nước cảnh báo việc dùng ngân sách chi cho CLB bóng đá chuyên nghiệp chưa phù hợp quy định Luật Ngân sách.

Đơn cử, trước đây, tỉnh Quảng Ninh đã từng cấp ngân sách hàng năm khoảng 10 tỷ đồng để hỗ trợ CLB Bóng đá Than Quảng Ninh thi đấu giải bóng đá chuyên nghiệp.

Năm 2018, Kiểm toán Nhà nước khu vực 6 có khuyến cáo, yêu cầu CLB Bóng đá Than Quảng Ninh xuất toán, hoàn trả lại ngân sách khoản hỗ trợ không đúng Luật Ngân sách.

Từ đó, CLB Bóng đá Than Quảng Ninh không nhận được hỗ trợ từ ngân sách. Cùng với đó, một số khoản tài trợ của các đơn vị ngành than hàng năm cũng không còn nên tình hình tài chính của CLB ngày càng khó khăn, không đủ điều kiện tài chính dẫn đến giải thể, không còn tham gia tại giải đấu chuyên nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    CLB Bóng đá Hải Phòng: Có nên tiếp tục vận hành bằng tiền thuế?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO