Cơ chế cho vay lại: Vừa làm vừa rút kinh nghiệm?

Hồ Hương 25/06/2019 08:00

Cơ chế cho vay lại đối với chính quyền địa phương đã được thực hiện từ nhiều năm nay, đặc biệt là từ sau khi Luật Quản lý nợ công năm 2009 được Quốc hội ban hành. Thế nhưng, thực tế cho thấy vẫn còn nhiều địa phương lúng túng khi áp dụng.

Theo thống kê từ Bộ Tài chính, trong giai đoạn 2005-2015, trong tổng số 45 tỷ USD nền kinh tế huy động được đã dành khoảng 15 tỷ USD để cho địa phương vay lại. Cũng trong quãng thời gian này, việc cho vay chủ yếu thực hiện theo hình thức cấp phát, các khoản vay lại rất nhỏ, chỉ chiếm khoảng 7% trong số 15 tỷ USD.

Giai đoạn 2016-2020, cơ chế cho vay được áp dụng theo phương thức mới. Cụ thể là tùy thuộc vào tình hình thu ngân sách, các địa phương sẽ được cho vay lại với tỷ lệ từ 30 - 100% nguồn vốn; nghĩa là địa phương nào có tình hình ngân sách tốt, có khả năng trả nợ sẽ có thể được vay nhiều hơn. Ngoài ra, nguồn vốn cho vay lại cũng chỉ được ưu tiên cho các dự án nằm trong kế hoạch đầu tư trung hạn. Trước mắt, các dự án chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sẽ được ưu tiên vay lại từ nguồn vốn của các tổ chức quốc tế. Với cơ chế vay lại này, các địa phương đã huy động được nguồn vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đồng thời gắn với trách nhiệm chia sẻ nghĩa vụ nợ đối với Chính phủ, Trung ương.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, nhiều chương trình, dự án đã phát huy kết quả tốt, sử dụng vốn đúng mục đích, đảm bảo khả năng trả nợ. Tuy nhiên, cũng có một số chương trình, dự án có khó khăn do nguồn thu ngân sách ở địa phương tương đối nhỏ, hạn mức vốn vay không được nhiều, mặt khác trình tự thủ tục vẫn còn phức tạp, chưa có nhiều kinh nghiệm trong quản lý.
Ông Nguyễn Văn Tuấn – Sở Tài chính Hà Tĩnh cho biết, hạn mức dư nợ vay năm 2019 của tỉnh là 1.030 tỷ đồng. Tính đến ngày 31/5/2019, dư nợ vay của tỉnh là 474 tỷ đồng, chưa vượt hạn mức dư nợ vay năm. Tuy nhiên, theo ông Tuấn, vẫn còn một số tồn tại như một số dự án đã được ký kết nhưng đến nay vẫn chưa được giao kế hoạch vốn nguồn cấp phát để triển khai thực hiện. Mặt khác, các dự án này đã được Bộ Tài chính giao dự toán nguồn vốn vay lại nhưng không thể giải ngân vì không được giao kế hoạch vốn cấp phát.

Giới chuyên gia cho rằng cần sớm xây dựng công cụ hỗ trợ việc quản lý vốn vay và trả nợ thống nhất trên toàn quốc.

Ông Trương Hùng Long – Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính cho rằng, việc thay đổi liên tục các luật và văn bản hướng dẫn dẫn tới các quy định pháp luật không ổn định. Các dự án sử dụng vốn vay nước ngoài có quá trình dài từ khi đề xuất danh mục tới hoàn chỉnh thủ tục để đàm phán ký kết. Ngoài ra, khâu tổ chức thực hiện dự án lại nằm trong giai đoạn dài sau nữa. Việc thay đổi liên tục dẫn tới khó khăn cho chủ dự án, địa phương khi triển khai vì họ phải thay đổi theo các quy định mới. Tuy nhiên, điểm khó khăn lớn nhất với địa phương hiện nay là thói quen. Vay nợ địa phương là vấn đề mới đặt ra, vì thế các địa phương, nhất là những nơi trước kia ít được tiếp cận nguồn vốn, có nhiều lúng túng từ khâu chủ trương tới triển khai, phối hợp với nhà tài trợ để giải ngân cũng như tổ chức quản lý các kênh thông tin,...

Được biết, Bộ Tài chính đang cùng các bộ ngành cố gắng thiết lập hệ thống thông tin cũng như quản lý địa phương được xuyên suốt sớm nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cơ chế cho vay lại: Vừa làm vừa rút kinh nghiệm?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO