Cơ chế đặc thù

Chu Ninh 22/02/2017 08:35

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cùng đại diện các bộ, ngành và lãnh đạo TP Hồ Chí Minh vừa tiếp tục bàn thảo về cơ chế đặc thù áp dụng đối với chính quyền địa phương lớn nhất nước. Cơ chế đặc thù không phải để tạo nên những mặt trái đặc quyền, đặc lợi, cát cứ.

Cơ chế đặc thù ở đây chính là những quy định phân cấp, phân quyền triệt để, phù hợp với đặc điểm riêng để TP.Hồ Chí Minh “vì cả nước, cùng cả nước” đẩy nhanh tiến trình phát triển kinh tế - xã hội.

Ảnh minh họa (Nguồn: Tuổi trẻ).

Từ trước đến nay chưa ai phủ nhận vai trò quan trọng đặc biệt của TP Hồ Chí Minh trong sự nghiệp chung của cả dân tộc. TP Hồ Chí Minh có đủ thế và lực để tiếp tục phát huy vai trò, vị trí to lớn của mình đối với cả nước cả về chính trị, an ninh, quốc phòng, kinh tế, văn hóa, khoa học, công nghệ trong tình hình mới.

Tuy nhiên, để thực sự khơi dậy một cách mạnh mẽ hơn nữa năng lực phát triển, mạnh dạn đột phá tiên phong, khai thác tối ưu các nguồn lực, phát huy vai trò hạt nhân dẫn dắt toàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong bối cảnh hội nhập hiện nay, TP Hồ Chí Minh cần phải sớm được mặc chiếc áo cơ chế tương thích với đặc điểm cơ thể đô thị lớn nhất nước.

Đây chính là yêu cầu cấp thiết mà giới chức lãnh đạo chính quyền và người dân TP Hồ Chí Minh trăn trở, tâm huyết trong nhiều năm qua. Lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương bày tỏ sự nhất trí ủng hộ chủ trương trao cơ chế đặc thù cho TP Hồ Chí Minh nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã khẳng định “TP Hồ Chí Minh kiến nghị cái gì Chính phủ giải quyết được sẽ tháo gỡ ngay”. Người đứng đầu Chính phủ từng nhấn mạnh, Nghị quyết 16 năm 2012 của Bộ Chính trị là cơ sở pháp lý tiếp tục cho phép thành phố thí điểm những vấn đề mới phát sinh, những vấn đề được đặt ra trong quá trình phát triển mà chưa có quy định.

Do đó, việc TP Hồ Chí Minh đề xuất những vấn đề cụ thể để Chính phủ xem xét và thông qua là cơ sở thực hiện chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và tự chịu trách nhiệm.

Quả thật trong thời gian qua, chính quyền TP Hồ Chí Minh đã kiến nghị Chính phủ không ít chủ trương thực hiện những công việc cụ thể phát sinh từ thực tiễn quản lý nhà nước về kinh tế - xã hội.

Trong đó có cả những vấn đề mang tính sự vụ vẫn cần phải kiến nghị chủ trương trong hoàn cảnh chưa có những văn bản quy phạm pháp luật thể hiện sự phân quyền đáp ứng đòi hỏi thực tiễn quản lý nhà nước ở đô thị đặc biệt như TP Hồ Chí Minh.

Chẳng hạn như UBND TP Hồ Chí Minh kiến nghị phân cấp ủy quyền cho các UBND quận huyện thực hiện việc kiểm định, thẩm định phương án tháo dỡ nhà chung cư hư hỏng nặng, nhà chung cư bị nguy hiểm; kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính phối hợp thành phố tăng cường hậu kiểm đối với 102 địa chỉ, xem xét thu hồi nhà đất đang sử dụng chưa đúng mục đích, công năng, bỏ trống, cho thuê mượn không đúng quy định.

UBND TP Hồ Chí Minh cũng xin được phân cấp phân quyền cho ban hành văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh một số ngành, lĩnh vực cho phù hợp với đặc thù hoặc để cụ thể hóa các quy định của Trung ương sát với thực tế địa phương.

Hay việc TP Hồ Chí Minh đề xuất thí điểm xử phạt vi phạm hành chính về xâm phạm trật tự an toàn văn minh đô thị phát sinh; thí điểm thành lập Ban quản lý an toàn thực phẩm; thành lập một số cơ quan chuyên môn tham mưu giúp việc cho UBND TP Hồ Chí Minh thực hiện một số chức năng nhiệm vụ xuất phát từ đặc thù của đô thị đặc biệt và được phân cấp cho cấp dưới.

Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh cũng kiến nghị Thủ tướng về cơ chế tài chính đặc thù cho thành phố như tỷ lệ điều tiết cho ngân sách, phân cấp nguồn thu cấp lại tỷ lệ cho thành phố từ thuế xuất nhập khẩu, thu tiền sử dụng đất; cơ chế thưởng vượt thu và bổ sung có mục tiêu cho TP Hồ Chí Minh từ số tăng thu ngân sách Trung ương.

Cho đến lĩnh vực quản lý trật tự xã hội, UBND TP Hồ Chí Minh cũng phải kiến nghị cấp trên xem xét tháo gỡ vướng mắc trong việc việc lập hồ sơ đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiệp bắt buộc, cho phép Công an TP Hồ Chí Minh được áp dụng cơ chế đặc thù về tăng cường biên chế, đầu tư trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật… v.v.

Tất cả đã mặc nhiên chứng tỏ chính quyền TP Hồ Chí Minh chưa được pháp luật hiện hành trao quyền đầy đủ, đáp ứng việc kịp thời giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội nảy sinh trên địa bàn có dân số đông nhất nước.

Phải thấy rằng, không chỉ riêng TP Hồ Chí Minh mà toàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là một điển hình đặc biệt với sự gắn kết, quan hệ hữu cơ giữa khu vực và nền kinh tế cả nước.

Khu vực này chỉ chiếm khoảng 20% dân số, 9,2% diện tích đất tự nhiên nhưng chiếm tới 38 đến 39% GDP quốc gia, thu ngân sách và kim ngạch xuất nhập khẩu hơn 64% cả nước.

Việc áp dụng chính sách vùng kinh tế trọng điểm, trong đó trao cơ chế đặc thù cho TP Hồ Chí Minh phát huy vai trò đầu tàu điều phối, làm động lực thúc đẩy phát triển cho cả vùng kinh tế phía Nam từ lâu đã được đặt ra.

Vậy vì sao cơ chế đặc thù cho chính quyền đô thị lớn nhất nước đến nay vẫn chưa được hiện thực hóa như mong đợi? Phải chăng việc xem xét cơ chế phải bảo đảm tính đồng bộ, hợp hiến, hợp pháp đòi hỏi phải mất thời gian dài, hay chính tư duy lo ngại xung đột lợi ích cục bộ giữa địa phương và lợi ích chung, đã trở thành căn nguyên rào cản làm trì hoãn tiến trình thiết kế, thi công “chiếc áo cơ chế” phù hợp cho TP Hồ Chí Minh?

Lý giải một cách thẳng thắn dễ hiểu như ông Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, rằng: “Phải có sự tự chủ lớn nhất cho thành phố, không phải thành phố muốn cơ chế đặc thù để thành vương quốc riêng mà mong muốn tự chủ nhiều hơn, làm ra tiền nhiều hơn, đóng góp nhiều hơn cho đất nước”.

Việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý, phù hợp không chỉ vì đòi hỏi thực tiễn riêng của TP Hồ Chí Minh mà vì lợi ích chung của đất nước. Phân quyền là hình thức tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước theo lãnh thổ đáp ứng đầy đủ nhất tư tưởng chỉ đạo mà các Đại hội Đảng đã đề ra, đặc biệt là Đại hội Đảng lần thứ VI và lần thứ X.

Bởi, phân cấp, phân quyền hợp lý sẽ loại bỏ “văn hóa” xin - cho, kết hợp tối ưu các hình thức dân chủ trực tiếp và gián tiếp, phát huy khả năng vận dụng cơ chế tự điều chỉnh trong quản lý xã hội ở từng địa phương trên cả nước.

Không phải ngẫu nhiên mà trong những năm qua đã nảy sinh hiện tượng xé rào ở không ít tỉnh thành trong việc ban hành các quy định về khuyến khích đầu tư, thực hiện chính sách thuế, thậm chí cả về xử lý vi phạm hành chính.

Điều đó cho thấy “chiếc áo” khoác cho các tỉnh thành quá cứng nhắc, có nơi thì quá chật, nơi bị ngắn, nơi bị dài, không vừa vặn nên phải tìm cách tự điều chỉnh “xé rào”.

Nghĩa là việc thiết kế may áo một kiểu, một cỡ, bằng một loại vải chung cho “cơ thể” kinh tế xã hội tất cả các tỉnh thành khắp mọi vùng miền, đô thị, nông thôn miền xuôi, miền núi, hải đảo, … cả ở miền Bắc, Trung, Nam, nơi khí hậu khác nhau hẳn nhiên sẽ phát sinh những bất cập cần tháo gỡ là điều dễ hiểu.

Trao cho chính quyền TP Hồ Chí Minh cơ chế đặc thù, hơn thế nữa là việc đẩy mạnh phân cấp quản lý, thực hiện chế độ phân quyền, tự quản địa phương hợp lý đang là đỏi hỏi cấp thiết để đất nước không để lỡ mất thời cơ và rơi vào tụt hậu trong thời hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới hôm nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cơ chế đặc thù

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO