Cơ chế đặc thù

Minh Thủy 10/06/2023 07:36

Chiều 8/6, tiến hành thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội đã đóng góp về dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách, đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh. Đại biểu Quốc hội tin tưởng Nghị quyết mới sẽ tạo ra một xung lực mới thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của TPHCM.

TP HCM có vị trí địa chính trị, địa kinh tế đặc biệt quan trọng. Nhân dân cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài đều rất mong muốn, kỳ vọng TPHCM ngày càng phát triển, thực sự là đô thị hạt nhân, là cực và động lực mạnh mẽ thúc đẩy tăng trưởng, phát triển của toàn vùng và của cả nước.

Tuy nhiên, tới thời điểm này, TP HCM cần có thêm những chính sách đặc thù để có xung lực mới phát triển. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, có lúc tăng trưởng của thành phố ở mức âm. Khởi đầu quý I/2023, tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) TPHCM bất ngờ đạt thấp hơn nhiều so với dự báo, chỉ tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2022. Tới nay, báo cáo của Cục Thống kê TPHCM cho thấy, tốc độ tăng trưởng GRDP của thành phố trong quý II/2023 đã có dấu hiệu khởi sắc, ước tăng trưởng 5,87% so với cùng kỳ, đứng thứ 2 trong số 5 thành phố trực thuộc Trung ương và đứng thứ 35/63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Đây là tín hiệu cho thấy TP HCM đang từng bước vượt qua khó khăn. Nếu có cơ chế, chính sách đặc thù cho đô thị đông dân nhất cả nước thì tình hình nhất định sẽ khả quan hơn.

Với ý nghĩa đó, ĐBQH hoàn toàn nhất trí với sự cần thiết ban hành cũng như nội dung dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Cùng đó, các vị ĐBQH cũng góp ý, đề xuất nhiều vấn đề cụ thể, tăng quyền, tạo sự chủ động cho thành phố, trong đó có việc UBND thành phố được quyết định điều chỉnh mật độ xây dựng, chỉ tiêu hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật so với quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy chuẩn xây dựng đối với khu vực đô thị hiện hữu; được áp dụng hợp đồng BOT đối với dự án đầu tư công trình đường bộ hiện hữu; HĐND thành phố quyết định áp dụng trên địa bàn phí, lệ phí; chủ động cơ chế thu hút nhà đầu tư chiến lược...

Trước đó, chiều 30/5, thảo luận tại Tổ, các ĐBQH đều tán thành về sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM (hiện TPHCM đang điều tiết số thu về ngân sách Trung ương cao nhất, khoảng 27%). Các vị ĐBQH cho rằng, việc có chính sách vượt trội tạo bước đột phá theo đúng tinh thần Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị là cần thiết, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không chỉ đối với TPHCM mà cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.

Nói như ĐBQH Nguyễn Quốc Hận (đoàn Cà Mau) thì TPHCM vẫn được ví là Hòn ngọc Viễn Đông, “nhưng nay hòn ngọc đó đã bớt chói sáng”. Trong đó có nguyên nhân đến từ cơ chế, chính sách chưa được tháo gỡ triệt để, chưa tạo được điều kiện thuận lợi phát triển tốt hơn. Trong đó, nhất trí có cơ chế chính sách đặc biệt cho TPHCM, nhưng theo ĐBQH Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) dù có trao cho thành phố nhiều thẩm quyền tích cực hơn, nhiều cơ chế, chính sách hơn nhưng bộ máy không đủ năng lực, không tương xứng thì các chính sách ưu đãi cũng không phát huy được hiệu quả. Do đó, ông Vân đề nghị cần trao cho TPHCM thẩm quyền được chủ động thiết kế tổ chức bộ máy sở, ban, ngành trên cơ sở khung chung để vận hành, quy định chức năng nhiệm vụ phù hợp. Cùng mối quan tâm, ĐBQH Nguyễn Chu Hồi (đoàn Hải Phòng), “lo xa” khi đặt vấn đề cần làm rõ tính khả thi của chính sách thu hút nhân tài. Nếu lấy nhân tài trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo để làm việc chuyên môn có thể phát huy được năng lực, nhưng nếu sử dụng làm giám đốc sở, dùng không đúng vị trí thì sẽ không phát huy mà còn làm thui chột nhân tài.

Đã đến lúc có cơ chế, chính sách đặc thù cho TPHCM mà không thể chậm trễ hơn. Ngày 27/2, tại cuộc họp trực tuyến của Thường trực Chính phủ với lãnh đạo TPHCM về nội dung Đề án xây dựng Nghị quyết của Quốc hội thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, thực hiện các nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ đã khẩn trương ban hành các chương trình hành động, các đề án, dự án… theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Quá trình xây dựng dự thảo nghị quyết, Ban soạn thảo, Tổ biên tập đã tổ chức 15 cuộc họp, hội thảo với các bộ, ngành và TPHCM, các chuyên gia, nhà khoa học. Trước đó, theo sự phân công của Thủ tướng, Phó Thủ tướng, ngày 22/2, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã chủ trì cuộc họp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp và TPHCM về dự thảo nghị quyết; tập trung vào các lĩnh vực: Quản lý đầu tư; tài chính - ngân sách; quản lý đô thị và tài nguyên môi trường; ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược; quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; tổ chức bộ máy của TPHCM và TP Thủ Đức...

Rất hy vọng với cơ chế, chính sách đặc thù, TPHCM sẽ một lần nữa cánh, cùng cả nước, vì cả nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cơ chế đặc thù

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO