Cơ hội mới cho xuất khẩu rau quả

Quốc Định 04/01/2021 07:09

2020 được xem là năm đầy thách thức của xuất khẩu nói chung và ngành rau quả nói riêng, bởi tác động nặng nề của đại dịch Covid-19. Nhưng cũng thời gian này đã tạo “bước đệm” để ngành rau quả tạo cho mình những cơ hội mới.

Trái cây là một trong những mặt hàng nông sản rất cần các thị trường mới để phát triển bền vững.

Trao đổi tại một buổi giao lưu với các doanh nghiệp (DN) Việt Nam tại TP HCM, ông Atul Kumar Saxena - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp các nhà nhập khẩu Ấn Độ (IICCI) cho biết, Việt Nam có nhiều sản phẩm nông sản tươi, điển hình như trái thanh long, đang rất được ưa chuộng tại thị trường Ấn Độ. Ấn Độ đã mở cửa cho nhập khẩu thanh long Việt Nam từ đầu năm 2014. Cách đây 5 năm, các thành viên của IICCI đã nhập khẩu trái thanh long của Việt Nam. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu thanh long từ Việt Nam sang Ấn Độ vẫn còn khá khiêm tốn so với tiềm năng.

Sở dĩ nhắc đến trái thanh long vào thị trường Ấn Độ vì đây là một trong những thị trường tiêu thụ lớn với 1,3 tỷ dân mà xuất khẩu rau quả cần nhắm đến để tránh phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc. Ông Mohit Singla, Chủ tịch Hội đồng Xúc tiến Thương mại Ấn Độ (TPCI) cho rằng, cần tăng cường quảng bá, xây dựng thương hiệu cho mặt hàng trái cây này hơn nữa trong thời gian tới để mọi tầng lớp nhân dân Ấn Độ biết đến và tiêu dùng trái thanh long Việt. Bên cạnh trái thanh long, các loại quả khác của Việt Nam như vải, nhãn, chôm chôm cũng được cho là có thể cạnh tranh tại thị trường Ấn Độ.

Theo giới chuyên gia, trước những biến động thị trường do ảnh hưởng của dịch Covid-19 cũng chính là quãng thời gian để tạo bước chuyển thâm nhập thị trường mới cho các DN xuất khẩu rau quả. Theo ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), cần đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại và hỗ trợ DN xuất khẩu trong giai đoạn mới.

Còn theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), việc kết nối giao thương trực tuyến như trong năm 2020 đã giúp các DN trong ngành hàng nông sản thực phẩm và rau quả tìm ra thị trường các nước Hồi giáo - vốn trước đây chưa tiếp cận nhiều. “Trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 như năm 2020 hay các năm tới, chúng ta gặp nhiều thách thức về khu vực thị trường. Do đó, cần tập trung vào những thị trường có giá trị gia tăng” - ông Toản nhấn mạnh.

Với EU, việc giảm thuế theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ giúp rau quả Việt Nam có lợi thế rất lớn trên con đường đến với thị trường lớn này trong năm 2021. Giới phân tích nhận định, sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, nhu cầu tiêu thụ trái cây của người dân EU trong năm 2021 sẽ tăng cao trở lại, xuất khẩu mặt hàng này sang EU sẽ có những bước tiến đột biến.

Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan cho rằng, EU là thị trường tiêu thụ rau quả đông lạnh lớn nhất trên thế giới - chiếm gần 50% tổng nhập khẩu thế giới. Các thị trường nhập khẩu và tiêu thụ lớn như Đức, Pháp, Bỉ và Vương quốc Anh (nay đã có hiệp định thương mại riêng với Việt Nam) mang đến cơ hội cho các nhà xuất khẩu từ các quốc gia phát triển.

Qua khảo sát cho thấy, một số loại trái cây được bán và tiêu thụ khá mạnh tại EU là lựu, chanh dây, vải, sung, sơn trà…Thương vụ Hà Lan cho rằng, các DN xuất khẩu lớn của Việt Nam có thể tận dụng nhu cầu đang tăng ở EU để cung cấp hàng hóa cho thị trường này.

Theo ông Nguyễn Quốc Toản, để nâng giá trị xuất khẩu của ngành hàng rau quả và nông sản thực phẩm thì phải đến từ những sản phẩm đã qua chế biến. Đây cũng là vấn đề mà ngành hàng này cần tái cơ cấu trong thời gian tới, nhất là liên kết vùng nguyên liệu của nông dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cơ hội mới cho xuất khẩu rau quả

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO