Có mặt khi dân cần

Tinh Anh 31/07/2021 09:00

Kiểm tra công tác phòng, chống đại dịch Covid-19 trên địa bàn quận 8, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi nhắc nhở: Không được để xảy ra tình trạng dân cần trợ giúp y tế mà không tới kịp dẫn đến tử vong.

Ý kiến của vị Phó Bí thư Thành ủy không chỉ khiến cấp dưới không dám lơ là, mà còn củng cố niềm tin của nhân dân. Làm việc với lãnh đạo phường 7 (quận 8), Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Phan Văn Mãi đánh giá, đây là nơi có nhiều ca mắc Covid-19, trong đó chợ đầu mối Bình Điền là một ổ dịch lớn của TP Hồ Chí Minh, nhưng thời gian qua lực lượng tuyến đầu ở đây đã nỗ lực chiến đấu với “giặc dịch”. Song, thời gian tới cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, bởi người dân cũng là lực lượng quan trọng, mang tính thành bại trong “cuộc chiến” với dịch Covid-19.

Giúp người dân trong khu vực phong tỏa đường Vườn Chuối phường 4, quận 3, TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần.

Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh cho rằng, chính quyền các cấp từ phường đến quận cần làm tốt công tác vận động, thuyết phục, để người dân trên địa bàn thực hiện nghiêm biện pháp phòng dịch, hạn chế tối đa sự di chuyển, tiếp xúc tạo nguồn lây mới... Bởi lẽ, chính người dân là phòng tuyến đầu tiên, quan trọng, không ai thay thế được trong phòng dịch.

Sự phân tích của Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh rất chính xác! Cho dù lực lượng chức năng như y tế, công an, quân đội... có nỗ lực đến đâu, nhưng nếu người dân thiếu ý thức, không đảm bảo các biện pháp phòng dịch thì mọi công sức bỏ ra cũng chỉ là vô ích, không thể khống chế được sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta.

Mà muốn thuyết phục được người dân thì phải làm cho dân tin, dân yêu và ủng hộ. Điều kiện tiên quyết trong công tác dân vận chính là cán bộ các cấp, ngành phải nói đi đôi với làm, thực sự gần dân, trọng dân, lập tức có mặt khi người dân cần sự trợ giúp. Khi đã nhận được sự ủng hộ của nhân dân, có khó khăn thử thách nào mà không thể vượt qua?

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, biến chủng SARS-CoV-2 Delta lây lan nhanh chóng, nếu mỗi người dân không trở thành một chiến sĩ thì rất khó để có thể khoanh vùng, dập dịch. Song, để phát huy tối đa sức mạnh của mỗi chiến sĩ không chỉ cần tới “quân lệnh”, mà còn cần có sự thấu cảm, sẻ chia, động viên kịp thời.

Trên thực tế, hầu hết người dân đều ủng hộ các biện pháp phòng, chống đại dịch Covid-19 của chính quyền TP Hồ Chí Minh. Song, cũng không tránh khỏi đôi lúc, ở chỗ này, chỗ khác có sự dao động, bởi vẫn có một số cán bộ thực thi công vụ chưa thực sự vì dân, hoặc do công việc quá căng thẳng mà chưa phục vụ chu đáo yêu cầu của người dân.

Tất nhiên, ai cũng biết hiện số lượng người mắc Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh mỗi ngày một tăng cao dẫn đến hạ tầng y tế quá tải cục bộ ở một vài nơi, không thể đáp ứng “ngay và luôn” yêu cầu trợ giúp của người dân. Song, điều đó không phải là vấn đề, mà quan trọng là thái độ ứng xử của lực lượng chức năng khi người dân “cầu cứu”.

Trong một vài trường hợp, khi nhận cuộc gọi yêu cầu trợ giúp y tế của người dân, lực lượng chức năng có thể linh hoạt điều phối từ nơi quá tải sang nơi khác, chứ không thể nhận lời rồi... mất tăm. Khi mà mỗi cán bộ thực thi nhiệm vụ đã làm hết khả năng, tận tình giúp đỡ thì dù có xảy ra chuyện xấu ngoài ý muốn, người dân cũng không nỡ oán trách.

Khi mỗi người dân hiểu rằng mọi việc làm của chính quyền các cấp, lực lượng chức năng và các cán bộ thực thi nhiệm vụ đều là vì sự an toàn của họ, thì lẽ nào không đáp lại “thịnh tình” đó? Chẳng phải dân gian vẫn có câu “có đi, có lại mới toại lòng nhau” hay sao? Vậy nên, muốn có được sự tin tưởng, ủng hộ của người dân, trước hết chính quyền các cấp cần phải vì dân, lo cho dân, lập tức có mặt khi dân cần tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Có mặt khi dân cần

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO