Có thông điệp cụ thể, khách hàng sẽ thận trọng hơn

Thuý Hằng (thực hiện) 02/11/2022 06:58

Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết về vấn nạn lừa đảo chiếm đoạt tiền qua tài khoản hiện nay, chuyên gia kinh tế trong lĩnh vực tài chính ngân hàng - TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, ngân hàng cần đưa ra cảnh báo hết sức cụ thể, khuyến cáo về những triêu trò mới của đối tượng lừa đảo để người dân cảnh giác, chủ động phòng ngừa

TS Nguyễn Trí Hiếu.

Thưa ông mặc dù tình trạng mạo danh ngân hàng lừa đảo xảy ra lâu nay nhưng vẫn chưa được ngăn chặn, thậm chí ngày càng tinh vi và gia tăng?

TS Nguyễn Trí Hiếu: Quả thực, vấn nạn lừa đảo tiền qua tài khoản của khách hàng đang có xu hướng gia tăng và các chiêu trò lừa đảo ngày càng tinh vi.

Tội phạm về công nghệ thông tin ngày càng có nhiều chiêu trò mới để “dụ”, đưa khách hàng vào bẫy. Trước đây các đối tượng thường sử dụng các webside giống, na ná với các ngân hàng, sau này chúng dùng chiêu trò mới hơn, mua thông tin khách hàng từ nhiều nguồn, tập hợp dữ liệu tên tuổi, điện thoại, sở thích…từ đó dễ dàng mời chào người dân tham gia với các giao dịch hấp dẫn. Có nghĩa rằng mạng lưới thông tin của tội phạm được mở rộng, chính vì thế nên nhiều người dân dù đã cảnh giác với chiêu trò lừa đảo này vẫn bị rơi vào chiêu trò lừa đảo khác.

Người dân hiện sử dụng mạng internet phổ biến, truy cập vào các trang mạng dễ dàng nên cũng vô tình tạo ra phạm vi rủi ro lớn hơn cho tội phạm xâm nhập. Do vậy các ngân hàng cần phổ cập kiến thức tài chính tốt hơn cho người dân, để người dân không bị dụ dỗ, không bị mắc lừa.

Ngân hàng nhà nước (NHNN) và các cơ quan an ninh tiền tệ cần lên tiếng. Trước hết là cần đưa ra cảnh báo hết sức cụ thể, khuyến cáo về những triêu trò mới của đối tượng lừa đảo để người dân cảnh giác. Chúng ta không thể nói chung chung, mà cần nói cụ thể vào từng trường hợp. Tôi đơn cử, trong bối cảnh cuộc đua lãi suất huy động “nóng” như hiện nay, có ngân hàng đẩy lãi suất tiết kiệm lên 10% thì chắc chắn trong những ngân hàng này có vấn đề thanh khoản. Vậy thì NHNN là cơ quan quản lý cần phải cảnh báo để người dân có sự dè chừng khi chọn ngân hàng gửi tiết kiệm.

Có ý kiến cho rằng các nhà mạng phải có trách nhiệm trong việc gia tăng bảo mật, ngăn ngừa và phối hợp với các ngân hàng “vá lỗ hổng” dịch vụ tin nhắn SMS nhằm đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống tài chính tiền tệ, ông nghĩ sao về điều này?

- Các công ty viễn thông phải có bộ sàng lọc, để khi các tin nhắn có dấu hiệu lừa đảo đi qua, bộ lọc tự động sẽ nhận diện và lưu giữ lại, và từ đó có dữ liệu ban đầu của các tội phạm lừa đảo để loại ra và xử lý. Các công ty viễn thông cần sớm vào cuộc cùng với ngân hàng trong việc gia tăng bảo mật, ngăn ngừa và phối hợp với các ngân hàng chặn dần tin nhắn brand name.

Bên cạnh đó các ngân hàng phải có quy định về việc cấm nhân viên sử dụng điện thoại cá nhân để liên hệ với khách hàng, chỉ được sử dụng điện thoại phòng giao dịch, của chi nhánh khi làm việc với khách hàng. Nếu khách hàng không nghe điện thoại trực tiếp thì nhân viên có thể để lại tin nhắn với các nội dung tương tự như: xin quý khách hàng có thể liên lạc lại với nhân viên A ở phòng giao dịch, ngân hàng B, số điện thoại phòng giao dịch là 123... Tạo ra quy chuẩn trong cách thức liên lạc giữa nhân viên ngân hàng và khách hàng cũng sẽ hạn chế tình trạng giả mạo ngân hàng như thời gian qua.

Tôi cho rằng, tâm lý của người dân nhất là những người lớn tuổi rất hoang mang khi nghe điện thoại mà đầu dây bên kia nói là người của ngân hàng hoặc công an. Chỉ cần nghe thông tin là, một khoản tiền của bác/anh/chị nghi ngờ bị hack, bộ phận ngân hàng cần phối hợp để tra soát… thì người nghe đã “hết hồn” và dễ làm theo hướng dẫn ngay. Đối tượng lừa đảo lại rất nhanh nhạy, thấy người dân bần thần mấy giây là đã có thể đưa được người dân vào “bẫy”để chiếm đoạt tiền.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Có thông điệp cụ thể, khách hàng sẽ thận trọng hơn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO