Có tiền mới làm được thương hiệu?

Minh Phương 16/09/2020 08:26

Quan điểm này được nhiều doanh nghiệp (DN) đặt ra ngay khi có ý tưởng bước chân vào thương trường. Nhiều DN cho rằng, khi khởi nghiệp, phải kiếm tiền trước, phải tạo ra lợi nhuận, doanh thu lớn trước rồi mới tính đến xây dựng thương hiệu. Theo giới chuyên gia, đây là quan điểm hoàn toàn sai lầm.

Văn hóa DN, đạo đức kinh doanh là yếu tố có tính chất quyết định tạo nên thương hiệu cho DN. Và chỉ có những DN chú trọng xây dựng thương hiệu mới có thể trụ vững và phát triển trong bối cảnh hội nhập hiện nay.

Tuy nhiên, đối với không ít DN hiện nay, xây dựng văn hóa, đạo đức kinh doanh lại là vấn đề không đơn giản. “Đừng nghĩ khi có tiền mới làm thương hiệu”, với quan điểm này, các chuyên gia phân tích, trên thực tế, có đến hơn 80% các DN khởi nghiệp nghĩ rằng họ chưa có tiền nên chưa làm thương hiệu. Đây hoàn toàn là tư duy sai lầm. Giới chuyên gia cho rằng, các DN hoàn toàn có thể xây dựng thương hiệu bằng các hoạt động hằng ngày, cố gắng tạo ra sự khác biệt cho hình tượng sản phẩm, về sự độc đáo trong văn hóa của họ tới khách hàng và công chúng.

Trong những năm gần đây, văn hóa lấy khách hàng làm trung tâm đã trở thành xu hướng nổi bật và được ngưỡng mộ. Zappos.com, Amazon, Blue air, Singapore Airlines, Khách sạn Ritz Carlton, Trung tâm thương mại Nordstrom hay các DN tại Việt Nam như Sofitel Metropole Hà Nội, Park Hyatt Sài Gòn, Thế giới di động... là những thương hiệu được nhắc đến nhiều khi nói đến văn hóa tận tâm. “Nếu được thiết kế một cách hợp lý, triển khai một cách có hệ thống và không khoan nhượng về chất lượng, văn hóa DN chính là một vũ khí cạnh tranh không đối thủ nào có thể bắt chước hay đuổi kịp được” - ông Nguyễn Đình Thành, đồng sáng lập Học viện truyền thông Elite PR School, Giám đốc điều hành công ty tư vấn chiến lược CSCI Indochina nhấn mạnh.

Ngay trong bối cảnh có nhiều khó khăn vì đại dịch Covid-19, sự chung tay gánh vác trách nhiệm với cộng đồng và đối tác của nhiều DN chính là một cách khẳng định thương hiệu, chinh phục niềm tin từ phía khách hàng. Đề cập vấn đề văn hóa DN thời Covid, ông Lê Quang Vũ, chuyên gia tư vấn truyền thông nội bộ và văn hóa DN, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần phát triển nội dung Blue C dẫn những câu chuyện thực tế về hành động ứng xử của các DN lớn giữa thời Covid-19.

Đó là Vietnam Airlines với tinh thần các chiến binh Sen vàng, phi công và tiếp viên xung phong tham gia hàng chục các chuyến bay giải cứu khi dịch bệnh bùng phát tại Vũ Hán (Trung Quốc), Mỹ, Guinea xích đạo; đồng hành giảm lương, giãn việc, tiếp động lực ở các khu cách ly; tăng cường an toàn cho nội bộ và hành khách... Đó là Vingroup với những đóng góp chống dịch nổi bật nhất châu Á; tặng 3200 máy thở và các sinh phẩm, bộ test (trị giá 100 tỉ đồng); sẵn sàng cho mượn trang thiết bị và điều động nhân lực từ hệ thống y tế Vinmec; chuyến bay Việt Nam- Ukraina; 3 dự án nghiên cứu ứng phó nhanh; 300 tỉ cho các đối tác bị ảnh hưởng....

Đề cập đến vấn đề văn hóa DN, đạo đức kinh doanh thời 4.0, PGS.TS Dương Thị Liễu, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Phát triển Văn hóa DN Việt Nam, Viện trưởng Viện văn hóa kinh doanh nêu quan điểm, khi công nghệ phát triển nhảy vọt, robot và trí tuệ nhân tạo có thể thay thế con người từ những công việc chân tay tới khả năng đánh giá tổng thể, hay kỹ năng quản lý nhưng robot vẫn không thể thay thế con người bởi những giá trị đặc trưng là niềm tin, đạo đức, sự tương tác và kết nối… “Với văn hóa, con người sẽ không trở thành nô lệ cho robot.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI Việt Nam: Văn hóa DN là “cái neo” nhân văn trong thời CMCN 4.0 đang diễn ra như vũ bão, thiếu cái neo nhân bản thì sự phát triển của kỹ thuật và công nghệ có thể dẫn đến thảm họa cho con người, DN và xã hội. Chính các doanh nhân sẽ vẫn là người thắp lửa và lo phần hồn và cốt cách cho DN, chăm lo các giá trị đạo đức, nhân văn của DN...” -PGS Dương Thị Liễu nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Có tiền mới làm được thương hiệu?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO