Đó là nhận định của giới chuyên gia, nhà kinh tế học khi trao đổi về câu chuyện văn hóa doanh nghiệp, đạo đức kinh doanh và phát triển thương hiệu tại Hội thảo “Văn hóa Doanh nghiệp và Phát triển Thương hiệu” được tổ chức sáng nay, 11/9.
Hội thảo do Báo Văn hóa phối hợp với Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh tổ chức.
Tại hội thảo, Tổng Biên tập Báo Văn Hóa Chu Thị Thu Hằng nhấn mạnh: “Văn hóa doanh nghiệp và đạo đức kinh doanh trong bối cảnh kinh tế thị trường luôn là yếu tố then chốt, quyết định sự thành bại cũng như khẳng định thương hiệu bền vững của mỗi doanh nghiệp”.
Theo bà Chu Thị Thu Hằng, nhiều bài học thực tế trong quá trình xây dựng và phát triển thương hiệu của các doanh nghiệp đã khẳng định, nếu thiếu sự quan tâm cần thiết đối với việc xây dựng nền tảng văn hóa, đạo đức kinh doanh thì chính các doanh nghiệp sẽ chịu thiệt thòi.
“Đã có không ít doanh nghiệp vì lợi nhuận mà bất chấp, vì đồng tiền mà đánh cược cả niềm tin đang dần cạn kiệt từ phía khách hàng; nhiều doanh nghiệp từng là thương hiệu đình đám trên thị trường bỗng chốc bị đổ bể... Những bài học đau xót đó một lần nữa cho thấy vấn đề văn hóa doanh nghiệp và đạo đức kinh doanh không chỉ là khẩu hiệu của mỗi doanh nghiệp mà ngược lại, văn hóa và đạo đức kinh doanh phải luôn được các doanh nghiệp, doanh nhân xem như một triết lý sống còn cho sự tồn tại và phát triển của mình”, bà Hằng nhấn mạnh.
Trong bối cảnh không ít doanh nghiệp lao đao vì đại dịch Covid-19, văn hóa doanh nghiệp và phát triển thương hiệu càng cho thấy ý nghĩa và tác động thiết thực đến sự tồn tại bền vững của mỗi doanh nghiệp. Môi trường văn hoá của doanh nghiệp có ý nghĩa tác động quyết định đến tinh thần, thái độ, động cơ lao động của các thành viên và việc sử dụng đội ngũ lao động, giúp cho doanh nghiệp trở thành một cộng đồng làm việc trên tinh thần hợp tác, tin cậy, gắn bó, thân thiện và tiến thủ. Trên cơ sở đó, hình thành tâm lý chung và lòng tin vào sự thành công của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, đối với không ít doanh nghiệp hiện nay, xây dựng văn hóa, đạo đức kinh doanh lại là vấn đề không đơn giản. “Đừng nghĩ khi có tiền mới làm thương hiệu”, với quan điểm này, các chuyên gia phân tích, trên thực tế, có đến hơn 80% các doanh nghiệp khởi nghiệp nghĩ rằng họ chưa có tiền nên chưa làm thương hiệu. Theo các chuyên gia về xây dựng thương hiệu, các doanh nghiệp hoàn toàn có thể xây dựng thương hiệu bằng các hoạt động hằng ngày, cố gắng tạo ra sự khác biệt cho hình tượng sản phẩm, về sự độc đáo trong văn hóa của họ tới khách hàng và công chúng.
Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, xây dựng văn hóa, đạo đức kinh doanh tạo nên thương hiệu cho doanh nghiệp, và đây cũng chính là yếu tốt tiên quyết để DN có thể trụ vững và phát triển.
Nhấn mạnh yếu tố này, ông Nguyễn Đình Thành, đồng sáng lập Học viện truyền thông Elite PR School, Giám đốc điều hành công ty tư vấn chiến lược CSCI Indochina cho rằng, "thương hiệu được hình thành từ cách hành xử, ứng xử của con người trong công ty. Cách hành xử, ứng xử phụ thuộc vào cách những con người ấy tư duy. Cách tư duy phụ thuộc vào văn hóa của công ty, của đất nước ấy. Vì thế, văn hóa là nền tảng của thương hiệu và ảnh hưởng sâu sắc tới sức cạnh tranh của doanh nghiệp”.
Ông Thành nêu rõ, điều quan trọng với người làm marketing là phải đảm bảo và lên kế hoạch để đưa khách hàng trở thành một bộ phận chủ động trong chiến lược của công ty, chứ không phải là những cá thể bị động chỉ biết đón nhận những hoạt động truyền thông hay tài trợ từ phía công ty. Không phải là một thương hiệu vô hình nào đó, không phải những con robot hiện đại mà chính những con người trong công ty là người mang sản phẩm, dịch vụ tới khách hàng.
“Chính họ là người tạo nên “định vị thương hiệu”, tương tác với khách hàng ở mọi điểm chạm, với sự xóa nhòa về khoảng cách không gian, thời gian nhờ vào không gian mạng. Mỗi nhân viên đang thực sự trở thành một đại sứ thương hiệu, dù muốn hay không, của công ty” - ông Thành nói.