Coi doanh nghiệp là trung tâm đổi mới sáng tạo, là trọng tâm của sự phát triển

V.T 04/02/2023 06:50

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu năm 2023 do Bộ Công thương tổ chức sáng 3/2 tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh:“Phải coi doanh nghiệp là trung tâm đổi mới sáng tạo, là trọng tâm của sự phát triển ngành công thương...”

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu năm 2023.

Tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, trong bối cảnh khó khăn nhiều hơn thuận lợi, ngoài những công việc thường xuyên phải giải quyết với yêu cầu đòi hỏi cao hơn, còn phải xử lý những vấn đề tồn đọng, những vấn đề đột xuất, bất ngờ có thể xảy ra. Do đó, ngành công thương phải biến nguy thành cơ; càng chịu áp lực thì lại càng nỗ lực; góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Trong quá trình đó phải bám sát, thực hiện phương châm chỉ đạo, điều hành “đoàn kết, kỷ cương; bản lĩnh, linh hoạt; đổi mới, sáng tạo; kịp thời, hiệu quả”.

Theo Thủ tướng, ngành công thương phải phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện đa dạng hóa thị trường; đa dạng hóa sản phẩm; đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, đẩy mạnh cải cách hành chính; đẩy mạnh xây dựng hạ tầng, xây dựng thể chế; tập trung cho 3 động lực tăng trưởng là tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu; đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chống biến đổi khí hậu. Đặc biệt, Bộ Công thương khẩn trương hoàn thiện 4 quy hoạch được giao gồm quy hoạch điện, năng lượng, khoáng sản và hạ tầng dầu khí.

Thủ tướng cũng yêu cầu, ngành công thương thực hiện đồng bộ các giải pháp để phục hồi và phát triển sản xuất với trọng tâm là tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy cả phía cung và phía cầu, đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số, tạo động lực đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đồng thời, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tăng trưởng xuất khẩu, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại, các hợp tác song phương, đa phương để duy trì, mở rộng và tìm kiếm thị trường, khai thác tối đa dư địa xuất khẩu của các ngành, lĩnh vực có lợi thế và thế giới có nhu cầu.

“Phải thúc đẩy đa dạng hóa thị trường để bù đắp khó khăn tại các thị trường truyền thống như Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN; mở rộng thị trường sang khu vực Đông Âu, Trung Đông, Nam Mỹ, Nam Á, châu Phi; đồng thời tăng cường đa dạng hóa các chuỗi cung ứng”- Thủ tướng lưu ý và yêu cầu, đẩy mạnh sức mua trong nước, thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước, đẩy mạnh phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa, phát triển thương hiệu hàng Việt Nam.

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu, chú trọng đầu tư hiện đại hóa hệ thống phân phối ở vùng nông thôn, miền núi để đẩy mạnh đưa hàng Việt về nông thôn; kết hợp chặt chẽ giữa thương mại truyền thống với hiện đại, khai thác hiệu quả thị trường trong nước; đồng thời theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để điều hành phù hợp, hiệu quả, bảo đảm nguồn cung về điện, xăng dầu cho thị trường trong mọi tình huống. Tăng cường hơn nữa chất lượng và hiệu quả công tác quản lý thị trường; đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, gian lận xuất xứ. “Phải coi doanh nghiệp là trung tâm đổi mới sáng tạo, là trọng tâm của sự phát triển ngành công thương, tiếp tục tạo ra thay đổi, nâng cao sức cạnh tranh bằng việc tạo ra môi trường thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh”- Thủ tướng lưu ý.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu ngành công thương có giải pháp cụ thể để huy động và phát huy tối đa các nguồn lực, nhất là nguồn lực xã hội hóa với các hình thức đầu tư phù hợp cho mục tiêu phát triển; tập trung phát triển hạ tầng công nghiệp và thương mại, hạ tầng năng lượng, thương mại điện tử. Xác định nguồn lực bên trong là quyết định, chiến lược, cơ bản lâu dài; nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy sức mạnh của toàn xã hội.

Chiều cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ chủ trì Phiên họp thứ 3 của Ban Chỉ đạo, tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023. Thủ tướng chỉ rõ, Đảng ta đã xác định xây dựng và hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính là một trong ba đột phá chiến lược, bởi đây là lĩnh vực còn nhiều băn khoăn, trăn trở, tâm tư. Thời gian qua, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo triển khai các đột phá chiến lược theo chủ trương, đường lối của Đảng, trong đó có công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính.

Về mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để triển khai thực hiện tốt kế hoạch hoạt động của năm 2023 và thời gian tới, Thủ tướng lưu ý phải tạo chuyển biến về nhận thức, hành động, có sản phẩm với hiệu quả cụ thể, đo lường được. Từ đó, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa, doanh nghiệp, nền kinh tế, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho người dân, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng; phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, vì mục tiêu xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Coi doanh nghiệp là trung tâm đổi mới sáng tạo, là trọng tâm của sự phát triển

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO