Con trai danh họa Bùi Xuân Phái khẳng định: Bức đấu giá hơn 2 tỷ là tranh nhái

An Vũ 26/10/2016 09:57

“Bức "Phố cổ Hà Nội" giả có thể xếp vào mục tranh nhái, vì cái góc phố đó chưa bao giờ xuất hiện trong tranh Phái và chính tôi cũng lần đầu nhận ra khu phổ cổ Hà Nội đã từng có một góc như thế”. Hoạ sĩ Bùi Thanh Phương, con trai của danh hoạ Bùi Xuân Phái chia sẻ với Đại Đoàn Kết.


Hoạ sĩ Bùi Thanh Phương.

Thưa ông, khi tìm kiếm dữ liệu về tranh của danh hoạ Bùi Xuân Phái vẽ về phố cổ Hà Nội, tôi có thấy một bức tranh gần giống như thế, đó là tác phẩm “Phố Hàng Bạc”, được vẽ vào năm 1968, khổ 47cm x 57cm, sơn dầu trên vải, lên sàn Phiên đấu giá mùa Thu của Larasati (Singapore), thuộc Những nhà đấu giá liên hiệp châu Á tại Trung tâm Triển lãm Hong Kong năm 2010 và được bán với mức là 19.900 USD, cùng một vài bức về Hàng Bạc khác – chủ đề được lặp lại không chỉ một lần trong tranh của ông. Vậy bức tranh “Phố cổ Hà Nội”, kích cỡ 55 cm x 72 cm trong buổi đấu giá từ thiện gây quỹ Thiện Nhân trong tối ngày 22/10 tại Gem Centet (TP HCM) vừa qua, đạt giá 102.000 USD, gấp 10 lần bức tranh đã được đấu giá tại Trung tâm Triển lãm Hong Kong, vậy dựa trên căn cứ nào để ông khẳng định đó là bức tranh giả?

Tôi duy trì một thói quen và cũng là nguyên tắc là nếu được hỏi thì nói, và điều mình nói hay khẳng định thì cần phải có dẫn chứng thực tế và với những gì đã nắm bắt được nhiều vấn đề của lịch sử hội hoạ mà mình là chứng nhân.

Vì thế khi nhận định một tác phẩm của cụ Phái là thật hay là giả mình phải thận trọng và có trách nhiệm.

Một tranh “Phố Hàng Bạc” khác cũng được danh hoạ Bùi Xuân Phái vẽ vào những năm 60 của thế kỷ trước.

Riêng về bức "Phố cổ Hà Nội” trong buổi đấu giá từ thiện gây quỹ Thiện Nhân trong tối ngày 22/10 tại Gem Centet (TP HCM) vừa qua, đạt giá hơn 2 tỷ đồng. Tôi có thể dễ dàng khẳng định, đó không phải là tranh của cha tôi, hoạ sĩ Bùi Xuân Phái vẽ, cho dù bên góc phải bức tranh có chữ ký "Phái".

Bức tranh giả này khác tranh thật như thế nào thưa ông?

Nhiều người hỏi tôi dựa vào đâu để nhận biết hay khẳng định một bức tranh là thật hay giả? Đây là một vấn đề lớn khó có thể diễn giải vài ba câu cho rốt ráo được.

Bức tranh “Phố cổ Hà Nội” kích cỡ 55 cm x 72 cm
trong buổi đấu giá từ thiện gây quỹ Thiện Nhân trong tối ngày 22/10 tại Gem Centet (TP HCM) vừa qua, đạt giá 102.000 USD đang bị coi là tranh nhái.

Ở Việt Nam, hiện tại vẫn chưa có những chuyên gia giám định nghệ thuật được đào tạo chính qui hoặc có bằng cấp về lãnh vực này.

Khách hàng mua tranh của các danh hoạ đã quá cố chỉ còn mỗi cách trông chờ vào sự đánh giá của... dư luận.

Đây phải chăng là bức tranh được vẽ mới, thậm chí không cả sao chép, vì tôi tìm kiếm dữ liệu về tranh phố cổ Hà Nội mà bố ông từng vẽ, không có bức nào như vậy?

Nói về tranh vẽ giả được gán cho Bùi Xuân Phái được giới chuyên môn xếp vào ba hạng mục chính như sau:

Tranh chép lại từ một tác phẩm (đã đăng trên sách báo)

Tranh nhái (vẽ phỏng theo phong cách nhưng nội dung do họ chế ra)

Tranh đã cổ xưa nhưng của một hoạ sĩ nào đó vẽ nhưng bị xoá tên, thay tên một tác giả khác để có giá trị lớn hơn.

Tác phẩm “Phố Hàng Bạc”, được vẽ vào năm 1968,
khổ 47cm x 57cm, sơn dầu trên vải, lên sàn Phiên đấu giá mùa Thu của Larasati (Singapore), thuộc Những nhà đấu giá liên hiệp châu Á tại Trung tâm Triển lãm Hong Kong năm 2010 và được bán với mức là 19.900 USD.

Bức "Phố cổ Hà Nội" giả có thể xếp vào mục tranh nhái, vì cái góc phố đó chưa bao giờ xuất hiện trong tranh Phái và chính tôi cũng lần đầu nhận ra khu phổ cổ Hà Nội đã từng có một góc như thế.

Tuy nhiên bức tranh đó được giới thiệu là nằm trong bộ sưu tập Đức Minh, ông Đức Minh từng có uy tín trong việc sưu tầm tranh những năm thời kỳ đổi mới?

(Hoạ sĩ không trả lời).

Tranh của danh hoạ Bùi Xuân Phái bị làm giả rất nhiều, ông có thể chia sẻ thế nào về điều này?

Những người thuộc và mến mộ tranh cụ Phái, thường chỉ thoáng nhìn bức tranh cũng biết đó là góc phố nào, vẽ vào giai đoạn nào. Sinh thời, cụ Phái hay nói câu "Vẽ cho hả" và vẽ như tâm sự nỗi niềm riêng tư của ông, nhưng ông đầy trách nhiệm khi ký tên vào bức tranh khi nó đã hoàn thành.

Lối vẽ của ông là luôn bám sát hình tượng cuộc sống, ghi chép tại thực tế cẩn thận rồi về nhà vẽ lại theo đó, do đó tranh phố của ông thuyết phục người xem bởi nhịp điệu sống động của hình và màu. Có thể nói, Bùi Xuân Phái quá thuộc cấu trúc nhà cổ khi vẽ phố cổ Hà Nội.

Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Con trai danh họa Bùi Xuân Phái khẳng định: Bức đấu giá hơn 2 tỷ là tranh nhái

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO