Công bố Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng

Kiên Long 31/12/2020 10:50

Sáng 31/12/2020, Văn phòng Chủ tịch nước đã họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 9/12/2020.

Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng năm 2020 (Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14 thay thế Pháp lệnh số 26/2005/PL-UBTVQH11 và Pháp lệnh số 04/2012/PL-UBTVQH13 và có hiệu lực từ 1/7/2021. Pháp lệnh gồm 7 chương, 58 điều. So với pháp lệnh cũ đã bổ sung 2 chương, 10 điều, và sửa đổi 41 điều. Bổ sung chương mới “Công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ” (Chương 3) và “Nguồn lực thực hiện” (Chương 4).

Pháp lệnh mở rộng việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người nước ngoài có công với cách mạng; bổ sung một số đối tượng người có công với cách mạng và thân nhân như Mở rộng đối tượng người bị địch bắt tù, đày do trực tiếp hoạt động cách mạng, trực tiếp chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế sau năm 1975. Mở rộng đối tượng người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc: người đươc Nhà nước khen tặng Huân chương Chiến thắng, Huy chương Chiến thắng.

Bổ sung đối tượng được ưu đãi là vợ hoặc chồng liệt sĩ lấy chồng hoặc vợ khác mà nuôi con liệt sĩ khi còn sống hoặc vì hoạt động cách mạng mà không có điều kiện chăm sóc cha đẻ, mẹ đẻ liệt sĩ khi còn sống.

Pháp lệnh chuẩn hóa các điều kiện, tiêu chuẩn xem xét công nhận người có công với cách mạng theo đúng nguyên tắc chặt chẽ, thật xứng đáng, tôn vinh đúng đối tượng. Các điều kiện, tiêu chuẩn đối với 12 diện đối tượng người có công với cách mạng đã được rà soát kỹ từ thực tiễn giải quyết trong nhiều năm.

Đối với thời kỳ đất nước còn chiến tranh và chiến đấu bảo vệ Tổ quốc kế thừa các văn bản pháp luật từ trước đến nay và bảo đảm tính khả thi trong thực hiện chính sách hiện tại và giao Chính phủ quy định việc giải quyết những trường hợp còn tồn đọng (đúng đối tượng, công khai, minh bạch về thủ tục giải quyết; hồ sơ, giấy tờ phù hợp với điều kiện, bối cảnh đất nước trong từng giai đoạn lịch sử cách mạng, đặc điểm địa lý của từng vùng miền, từng thời kỳ kháng chiến).

Thời kỳ đất nước hòa bình, liệt sĩ và thương binh chỉ xem xét đối với những trường hợp: đặc biệt dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước, của Nhân dân; hoặc ngăn chặn, bắt giữ người có hành vi phạm tội, là tấm gương có ý nghĩa tôn vinh, giáo dục, lan tỏa rộng rãi trong xã hội; Do ốm đau, tai nạn không thể cứu chữa kịp thời khi đang làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh ở địa bàn biên giới, hải đảo có điều kiện đặc biệt khó khăn theo danh mục của Chính phủ quy định; trực tiếp làm nhiệm vụ đấu tranh chống tội phạm; trực tiếp làm nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu, diễn tập hoặc làm nhiệm vụ phục vụ quốc phòng, an ninh có tính chất nguy hiểm.

Đối với bệnh binh chỉ xem xét công nhận đối với trường hợp bị mắc bệnh có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở nên khi làm nhiệm vụ cấp bách, nguy hiểm mà không đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí.

Đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học: chưa bổ sung quy định chế độ ưu đãi đối với thế hệ 3 của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học mà tiếp tục thực hiện chính sách bảo trợ xã hội đối với các cháu bị dị dạng, dị tật theo hướng có thể áp dụng chính sách bảo trợ xã hội đặc thù.

Pháp lệnh cũng bổ sung chế độ bảo hiểm y tế, trợ cấp tuất hàng tháng đối với vợ hoặc chồng liệt sĩ tái giá; quy định mức trợ cấp hàng tháng đối với Bà mẹ Việt Nam anh hùng bằng ba lần mức chuẩn.

Pháp lệnh cũng quy định về chuyển tiếp: Kể từ ngày pháp lệnh này có hiệu lực thi hành, người hy sinh, người bị thương, bị bệnh trước ngày 1/7/2021 nếu không đủ điều kiện, tiêu chuẩn công nhận người có công với cách mạng theo quy định tại pháp lệnh này thì được áp dụng điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định tại Pháp lệnh số 26/2005/PL-UBTVQH 11 được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Pháp lệnh số 04/2012/PL-UBTVQH13.

Người có công với cách mạng là thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên chết trước ngày 1/7/2021 thì vợ từ đủ 55 tuổi trở lên hoặc chồng từ đủ 60 tuổi trở lên tại thời điểm người có công với cách mạng chết được hưởng trợ cấp tuất; trường hợp vợ chưa đủ 55 tuổi hoặc chồng chưa đủ 60 tuổi tại thời điểm người có công với cách mạng chết thì trợ cấp được thực hiện theo quy định của Chính phủ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Công bố Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO