Công nghiệp 4.0: Cơ hội và thách thức

Lục Bình 15/07/2018 08:00

Nhiều học giả tham dự Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0, tại Hà Nội, ngày 13/7 vừa qua cho rằng, Việt Nam có thể tiến lên và đi đầu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, với cách tiếp cận độc đáo, khác biệt. Tuy nhiên, cơ hội có nhiều nhưng thách thức cũng không ít.

Công nghiệp 4.0: Cơ hội và thách thức

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trên nền tảng công nghệ đem đến cơ hội lẫn thách thức.

Trong hai ngày 12 và 13/7 tại Hà Nội đã diễn ra Diễn đàn cấp cao “Tầm nhìn và chiến lược phát triển đột phá trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”. Diễn đàn được tổ chức trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra trên quy mô toàn cầu và tác động trực tiếp tới nền kinh tế Việt Nam.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) sẽ làm thay đổi căn bản nền sản xuất, từng bước vẽ lại bản đồ kinh tế toàn cầu.

Nếu không có giải pháp hữu hiệu thì chúng ta sẽ tụt hậu, hoặc “lỡ tàu” so với xu hướng đi lên của các nước trên thế giới. Ý thức rõ điều này Đảng, Nhà nước đã nhận diện cuộc CMCN mới của thế giới. Điều này đã được thể hiện sớm trong các văn kiện của Đảng, văn bản pháp luật của Nhà nước. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16 về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc CMCN 4.0, để chủ động nắm bắt cơ hội, giảm thiểu tác động tiêu cực từ cuộc cách mạng này.

Theo giới chuyên gia, Việt Nam hoàn toàn có thể tham gia và ở hàng đầu trong CMCN 4.0. Chỉ cần có cách tiếp cận độc đáo, khác biệt và khả thi sẽ giúp Việt Nam tận dụng cơ hội CMCN 4.0 bứt phá phát triển. Cơ hội của cuộc CMCN 4.0 là vô tận, bởi nó sẽ thay đổi cơ bản tất cả mọi thứ trong cuộc sống hiện nay.

Tạo hành lang pháp lý thuận tiện nhất

Nhấn mạnh Việt Nam ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng với việc ký kết hàng loạt FTA, với độ mở nền kinh tế rất cao (kim ngạch xuất nhập khẩu gấp 1,9 lần GDP), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, CMCN 4.0 đã tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam. Việt Nam đã bước đầu áp dụng nhiều công nghệ tiên tiến của thế giới về công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ, đặc biệt là ứng dụng công nghệ 4.0 như điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, người máy. Phần lớn người dân Việt Nam đều sử dụng smartphone, đây là điều kiện quan trọng để Việt Nam hội nhập sâu hơn. Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo được hình thành với khoảng 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp.

“Chính phủ Việt Nam đã và đang tạo hành lang pháp lý thuận lợi, tạo điều kiện cho phát triển khoa học công nghệ nói chung và cho CMCN 4.0 nói riêng, trong đó có luật về chuyển giao công nghệ, công nghệ cao, sở hữu trí tuệ…” - Thủ tướng nói và cho biết: “Đến giờ phút này, hệ thống pháp luật của Việt Nam tương đối hoàn thiện, phù hợp với cam kết quốc tế”.

Thủ tướng cho rằng không phải từ bây giờ mà trong quá trình áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới và chuyển giao khoa học công nghiệp, Việt Nam đã chủ động triển khai, chuyển giao, ứng dụng và nghiên cứu phát triển công nghệ. Các công nghệ mới của công nghiệp 4.0 đã phát huy tác dụng ở Việt Nam và mang lại những đóng góp rất cụ thể và tích cực vào phát triển kinh tế-xã hội.

Để chủ động khai thác những cơ hội do cuộc CMCN 4.0 mang lại cũng như hạn chế những tác động không mong muốn, Chính phủ Việt Nam rất quyết tâm xây dựng các định hướng lâu dài và chính sách cụ thể. Bên cạnh sự nỗ lực của chính mình, Việt Nam mong muốn hợp tác với các đối tác phát triển, các doanh nghiệp, chuyên gia quốc tế trong bối cảnh khoa học, công nghệ tiến bộ vượt bậc, lan tỏa nhanh chóng khi mà tiến trình mở cửa hội nhập của Việt Nam ngày càng sâu rộng.

“Mặc dù phải chú ý đến những yếu tố tác động tiêu cực nhưng CMCN 4.0 thực sự là cơ hội để dân tộc Việt Nam thực hiện khát vọng phồn vinh. Chúng ta hãy cùng nỗ lực, biến khát vọng thịnh vượng của quốc gia, dân tộc thành việc làm, hành động và kết quả cụ thể trên từng lĩnh vực”- Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng nhấn mạnh: “Cần phải nói cho mọi người biết rằng CMCN 4.0 không phải là việc của riêng Chính phủ, của các viện nghiên cứu mà đây là việc của toàn xã hội, tác động trực tiếp đến mọi mặt đời sống xã hội, kể cả chính trị, kinh tế, văn hóa, lao động, giáo dục, quốc phòng an ninh”. Như vậy, cuộc cách mạng này không phải cuộc cách mạng của các “đại gia” mà là cuộc cách mạng của mọi người, trong đó có thể có những nhóm rất bé, chỉ có vài người nhưng những nhóm nhỏ đó sẽ thay đổi tương lai, diện mạo của các ngành kinh tế.

Nhiều chuyên gia cho rằng, để “đón” và bắt kịp được CMCN 4.0 cần 4 yếu tố, thứ nhất là thể chế và lãnh đạo, trong đó vai trò người đứng đầu rất quan trọng; thứ hai là hệ thống giáo dục, đào tạo nhân lực số; thứ ba là thể chế thúc đẩy sáng tạo và trong sáng tạo thì doanh nghiệp phải là trung tâm - tức tính thực dụng phải rất cao; và thứ tư là an ninh mạng, an ninh kết nối. Để thay đổi và phát triển chính sách ngành cho công nghiệp 4.0, nếu Việt Nam lựa chọn con đường chờ đợi các doanh nghiệp tự năng động và đầu tư vào những ngành nghề mới của công nghiệp 4.0 sẽ là một sự lựa chọn không tạo ra đột phá. Vì vậy, Chính phủ phải là kiến trúc sư cho các ngành công nghiệp mới của công nghiệp 4.0, tạo ra trụ cột ngành để thu hút FDI và doanh nghiệp đầu tư, cũng như điều chỉnh chính sách về đào tạo, cơ sở hạ tầng và thu hút nguồn nhân lực vào các ngành mới này. Chỉ như vậy, Việt Nam mới không bị tụt lại phía sau trong công nghiệp 4.0.

Tạo hạ tầng tốt đón nhận cách mạng công nghệ

Theo TS Trần Đình Thiên, Việt Nam là một dân tộc thông minh, rất nhạy bén với thời đại, thể hiện ở việc trong suốt chiều dài lịch sử, Việt Nam đã tiếp cận rất sớm với những xu hướng phát triển mới trên thế giới như: coi Cách mạng khoa học kỹ thuật là then chốt (1976); xác định phát triển kinh tế tri thức là đường hướng phát triển kinh tế Việt Nam (1996) hay việc sớm đề ra 2 quốc sách lớn gắn với trí tuệ con người là “Giáo dục đào tạo” và “Khoa học công nghệ”.

Tuy nhiên, ông Thiên cho rằng, trên thực tế chúng ta đã lỡ nhịp nhiều lần, bị tụt hậu phát triển và đang tụt hậu xa hơn. Và tụt hậu phát triển đã được nhận định là nguy cơ lớn nhất của nền kinh tế Việt Nam. “Việc giải quyết những vấn đề của cuộc CMCN 4.0 phải trên nền tảng trả lời cho thấu đáo câu hỏi: Tại sao chúng ta là một dân tộc thông minh nhưng lại bị tụt hậu?”- ông Thiên nêu vấn đề. Việt Nam cần phải xây dựng chiến lược số chuyển đổi phù hợp, có chính sách quản trị thông minh (thể chế hiện đại, chính quyền hiệu quả, công khai, minh bạch), xây dựng hạ tầng kết nối số và an ninh mạng, tạo nguồn nhân lực số, xây dựng công nghiệp công nghệ số, nông nghiệp thông minh, du lịch thông minh, đô thị thông minh, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.

Công dân robot đầu tiên trên thế giới Sophia nói gì về CMCN 4.0 ở Việt Nam?

Góp mặt trong Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 - Industry 4.0 Summit 2018, công dân robot đầu tiên trên thế giới Sophia đã có những giao lưu và chia sẻ với khách mời về về một số vấn đề của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, những tác động của cuộc CMCN lần thứ 4 đến Việt Nam.

Công nghiệp 4.0: Cơ hội và thách thức - 1

Robot Sophia mặc áo dài Việt Nam xuất hiện tại Diễn đàn cấp cao “Tầm nhìn và chiến lược phát triển đột phá trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”, Hà Nội 13/7.

“Tôi đại diện cho kỷ nguyên 4.0 và tôi nghĩ rằng Việt Nam cần đẩy mạnh sự sáng tạo về công nghệ để phát triển bền vững hơn. Việt Nam cũng cần xây dựng khuôn khổ pháp lý phù hợp để công nghệ mang lại lợi ích cho tất cả mọi người”- Sophia đã trả lời câu hỏi Việt Nam cần có chiến lược gì để không bị tụt hậu trong thời đại CMCN 4.0.

Theo Sophia, cuộc CMCN 4.0 mang lại cơ hội cũng như thách thức cho những quốc gia như Việt Nam. Vị công dân đặc biệt này cũng đã trả lời một số câu hỏi liên quan đến vấn đề phát triển bền vững và tiềm năng ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong sản xuất của thế giới nói chung và của Việt Nam nói riêng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Công nghiệp 4.0: Cơ hội và thách thức

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO