Công nhân và nỗi lo an cư

Lê Minh Long 30/10/2021 08:00

Nhằm đảm bảo an sinh xã hội cho người thu nhập thấp, giúp kinh tế phục hồi, phát triển bền vững, Bộ Xây dựng vừa có đề xuất gói tín dụng 65.000 tỷ đồng để xây nhà ở xã hội, nhà cho công nhân. Tuy nhiên, để thực hiện giấc mơ an cư cho người lao động, thì vẫn cần có chính sách đủ mạnh.

Chưa từng mơ về một ngôi nhà

Tốt nghiệp Cao đẳng công nghiệp (Hà Nội) với tấm bằng khá về nghề, Hoàng Văn Tuấn quê Nghệ An dễ dàng được tuyển dụng vào làm tại một công ty lớn tại Hà Nội với mức lương khởi điểm 5 triệu đồng/tháng (năm 2008). Đến nay, sau gần 15 năm làm việc mức thu nhập của Tuấn từ 15 đến 20 triệu đồng. Thế nhưng giấc mơ có được ngôi nhà tại Hà Nội với Tuấn vẫn xa vời.

“Tổng thu nhập 2 vợ chồng mỗi tháng trước dịch cũng được gần 30 triệu đồng nhưng tiền thuê nhà với tiền học của 2 đứa nhỏ cũng đã ngốn 2/3 số thu nhập. Có tháng còn bị âm nếu con bị ốm. Trước còn dám mơ tới ngôi nhà giờ dịch thế này chỉ mong đủ ăn thôi đã là mừng lắm rồi” –anh Tuấn chia sẻ.

Cũng có thâm niên gần 15 năm bám trụ tại Hà Nội nhưng vợ chồng chị Nguyễn Thị Hoa, công nhân KCN Đông Anh – Hà Nội chưa khi nào dám mơ sẽ được sở hữu căn nhà tại Hà Nội. Tổng thu nhập hai vợ chồng 15 triệu đồng, gia đình 4 người phải thuê trọ trong căn phòng 15m2 ở xã Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội.

“Lương thấp, chi phí trang trải cho sinh hoạt quá lớn vốn dĩ đã là gánh gánh nặng với 2 vợ chồng. Nhiều lúc cũng tính nghỉ việc về quê, nhưng về quê ruộng không có, việc xin không dễ vì hai vợ chồng đều đã ngoài 35 tuổi nên chúng tôi cứ cố bám trụ mưu sinh hàng ngày và chưa bao giờ dám mơ về một ngôi nhà” – chị Hoa chia sẻ.

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết, quá trình triển khai công tác phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua, nhu cầu về nhà ở của công nhân càng lộ rõ bất cập. Có những địa phương, tại một thôn ở gần các khu công nghiệp chỉ có hơn 1.000 dân, nhưng lại là nơi lưu trú của gần 10.000 công nhân lao động, điều này tạo nên sức ép rất lớn về mật độ dân số, gây áp lực về hạ tầng xã hội và dễ phát sinh các vấn đề về an ninh trật tự.

“Theo thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hiện cả nước mới có 2.580.000m2 nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, đủ bố trí cho khoảng 330 nghìn người lao động. Con số này rất thấp so với nhu cầu của hàng chục triệu công nhân” – ông Nguyễn Đình Khang cho biết.

Còn theo thống kê của Bộ Xây dựng, sau 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2010-2020 tầm nhìn 2030, cho thấy, cả nước mới đáp ứng được 30% nhu cầu về nhà ở cho công nhân. Nguyên nhân do chưa có chính sách riêng về nhà ở cho công nhân nên việc thực thi chưa được quan tâm đúng mức. Trong khi đó ở nhiều địa phương, trong quy hoạch đô thị, khu công nghiệp chưa xác định rõ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội, chưa thực hiện nghiêm quy định dành 20% quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại để phát triển nhà ở xã hội, hoặc có bố trí nhưng lại ở những vị trí không thuận lợi hoặc chưa giải phóng xong mặt bằng...

Một khu nhà trọ của công nhân.

Vốn thôi chưa đủ

Mới đây, Bộ Xây dựng đề nghị bổ sung vào chương trình phục hồi kinh tế giai đoạn 2022-2023 gói tín dụng 65.000 tỷ đồng để xây nhà ở xã hội, nhà cho công nhân. Đây là gói tín dụng tái cấp vốn cho chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở công nhân khu công nghiệp, chế xuất. Giải pháp này được xem là cấp thiết để khuyến khích doanh nghiệp (DN) đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia gói hỗ trợ chỉ giải quyết được một vấn đề duy nhất, đó là vốn. Trong khi đó có nhiều nguyên nhân khiến các DN không hào hứng phát triển nhà ở xã hội, như: Các thủ tục hành chính, xin cấp phép đầu tư, xây dựng còn phức tạp. Do vậy để có thể giải quyết bài toán này, cần có quyết tâm cùng những cơ chế, chính sách mang tính đột phá về quỹ đất, vốn, thuế và phải gỡ những “nút thắt” về thủ tục hành chính.

Thực tế cho thấy, mặc dù có nhiều chủ trương, biện pháp thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở dành cho công nhân, nhưng các chính sách này tới nay chưa đủ mạnh, thiếu hấp dẫn các DN đầu tư.

Về vấn đề này, ông Lê Hữu Nghĩa - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại xây dựng Lê Thành chia sẻ: Trong kinh doanh, mong muốn đầu tiên của DN, cổ đông là lợi nhuận. Trong khi đó, tỷ suất lợi nhuận của một dự án nhà ở xã hội là 10-15%, thấp hơn nhiều so với nhà ở thương mại. Như vậy, nếu tham gia một dự án nhà ở xã hội, giả sử thời gian thực hiện 5 năm, DN sẽ mất đi cơ hội kinh doanh các dự án nhà ở thương mại khác có lợi hơn rất nhiều.

Một điểm nghẽn của các DN khi muốn làm nhà xã hội là thủ tục pháp lý rất phức tạp, từ khi bắt đầu đến khi kết thúc. Có dự án xin 3 năm vẫn chưa xong thủ tục. Nguyên nhân là chưa có khung tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình riêng cho loại hình nhà này. Chưa kể đến khâu hậu kiểm rất chặt và kỹ, thậm chí hơn cả nhà ở thương mại. Điều này đã làm nản lòng nhà đầu tư.

Trên thực tế, nhà ở đảm bảo an sinh xã hội đồng thời là giải pháp hữu hiệu giữ chân người lao động. Do vậy, theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cần có chính sách đủ mạnh để có thể thu hút các nhà đầu tư phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở cho công nhân, đặt mục tiêu rõ ràng để thực hiện. Đồng thời, cũng cần thiết phải bố trí một phần vốn ngân sách nhà nước để làm “vốn mồi” cho chương trình phát triển nhà ở cho công nhân.

Cùng với chính sách hỗ trợ từ Nhà nước, địa phương cũng cần quan tâm, triển khai các chính sách kịp thời, tạo quỹ đất “sạch” để nhà đầu tư sớm bắt tay vào triển khai dự án và làm sao để hạ tầng nhà ở xã hội có trước khi thu hút công nhân vào làm việc.

Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho rằng, thời gian qua, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và tình trạng lao động bỏ việc, di cư về quê đã đặt ra những vấn đề về chính sách của Nhà nước liên quan đến việc đảm bảo các điều kiện sống, việc làm bền vững cho công nhân lao động thuê trọ tại các tỉnh, thành phố lớn. Đề nghị Chính phủ tổ chức Hội nghị toàn quốc để đánh giá việc thực hiện Quyết định số 655/QĐ-TTg ngày 12/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ “Về xây dựng các thiết chế công đoàn tại các Khu công nghiệp và chế xuất” kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai, thực hiện.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Công nhân và nỗi lo an cư

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO